Các khách mời trong cuộc tọa đàm “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3,141592654...” diễn ra tại ĐH Bách khoa Hà Nội - Ảnh: PHƯƠNG CHÍNH |
Buổi tọa đàm đặc biệt được tổ chức ngay trong khuôn khổ lễ trao thưởng công trình toán học năm 2016 và cấp học bổng cho học sinh, sinh viên chuyên toán năm học 2016-2017.
Khách mời của chương trình gồm bốn nhân vật “đình đám”: GS Ngô Bảo Châu - chủ nhân Giải thưởng Fields năm 2010, ông Trương Gia Bình - chủ tịch Tập đoàn FPT, PGS Phan Toàn Thắng - nhà đồng sáng lập Tập đoàn y sinh Cellresearch Corp và GS Dương Nguyên Vũ - ĐH NTU (Singapore), nguyên giám đốc Viện JVN - ĐHQG TP.HCM.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, GS Ngô Bảo Châu ghi nhận phong trào học toán, dạy toán, nghiên cứu toán tại Việt Nam đang có những khởi sắc. Trong đó, những công bố khoa học, những thành tích về toán học có sự cải thiện về thực chất, không chỉ về số lượng mà còn bằng cả chất lượng.
Theo GS Châu, toán học ngày càng thể hiện vai trò rõ nét hơn trong phát triển công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, tổ chức kinh tế... “Đây là cơ hội rất lớn để đất nước Việt Nam có được sự chuyển mình” - GS Châu nhấn mạnh.
Còn ông Trương Gia Bình khẳng định với cuộc cách mạng 4.0, những tiến bộ lần này “bản chất là toán”.
“Toán sẽ là nền tảng quan trọng trong thời gian sắp tới. Một thế giới mới với những đòi hỏi mới đang xuất hiện. Toán sẽ giải quyết những vấn đề của thế giới mới đó. Thời của các bạn đã đến. Các bạn đang là trung tâm, là cái rốn toán học của đất nước. Vì vậy, chính các bạn phải làm thế nào để kết nối toán với vận mệnh đất nước trong 10-15 năm nữa...” - ông Bình khích lệ.
Trong khi đó, PGS Phan Toàn Thắng lại nhấn mạnh về thời cơ dành cho những nhà toán học hôm nay: “Các bạn đang cực kỳ may mắn vì đón nhận được sự chuyển động của cuộc cách mạng mới. Tôi còn nhớ trước đây, có lần đến phòng thí nghiệm của PGS Trần Lưu Vân Hiền - mẹ của GS Ngô Bảo Châu, bà có mời tôi một viên kẹo gừng. Loại kẹo đó, hỏi ra mới hay là sản phẩm của... Viện Cơ học, nơi GS Ngô Huy Cẩn - bố của GS Ngô Bảo Châu - công tác.
Điều đó nói lên rằng có thời nhà toán học rất khó khăn, phải làm cả kẹo gừng. Tôi kể thế để so sánh, thời nay những người làm toán không còn phải làm kẹo gừng, mà đang có rất nhiều cơ hội...”.
Một giảng viên toán học tương lai đặt vấn đề: “Toán học được xem là môn học khô khan, trừu tượng nên ít người đam mê với nó. Em muốn truyền niềm đam mê toán học cho học sinh thì phải làm thế nào?”
Đáp lại băn khoăn này, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ ông có may mắn được học toán từ những người thầy mà không làm cho bài toán nào trở nên khô khan, trừu tượng. Việc học toán, vì thế, luôn được dẫn giải sinh động.
“Tôi không có cảm giác bị trùng lắp, mà luôn đi lên phía trước, tìm ra cái mới” - GS Châu nói. Vì vậy, sẽ là sai lầm nếu quan niệm học toán chỉ để rèn kỹ năng, bởi đặt trọng tâm vào việc học kỹ năng sẽ làm mất nhiều cảm hứng của người học toán.
“Mùa Toán - từ những chiều ẩn giấu” Hôm nay (13-8), Ngày hội toán học mở 2017 với chủ đề “Mùa Toán - từ những chiều ẩn giấu” do Viện Nghiên cứu cao cấp về toán tổ chức sẽ diễn ra tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, với nhiều hoạt động như hội thảo “Toán học không xa cách”, triển lãm các ứng dụng của toán trong đời sống, các hoạt động trải nghiệm dành cho học sinh... Trong đó sẽ có nội dung về những ý tưởng chính trong xây dựng môn toán của chương trình giáo dục phổ thông mới. Đặc biệt, ngày hội còn có ba bài giảng đại chúng của GS Ngô Bảo Châu (Tôi và toán học), PGS Nguyễn Ái Việt (Giao lộ toán - lý: khám phá những chiều không - thời gian ẩn giấu) và PGS Lê Anh Vinh (Tư duy toán học - Học toán cùng con). |
Cấp học bổng cho học sinh, sinh viên chuyên toán Ngày 12-8, Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010-2020 đã trao thưởng công trình toán học năm 2016 và cấp học bổng cho học sinh, sinh viên chuyên toán năm học 2016-2017. Đây là năm thứ 5 Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học xét thưởng các công trình toán học công bố quốc tế, cấp học bổng cho học sinh THPT chuyên toán và sinh viên giỏi ngành toán. Năm qua, hội đồng xét thưởng công trình đã xem xét và lựa chọn được 85 công trình trên tổng số 210 công trình khoa học đăng ký xét thưởng. Kinh phí dành cho đợt xét thưởng này là 2,57 tỉ đồng. Việc xét thưởng các công trình toán học công bố tại các tạp chí trong danh sách ISI, trong đó các tác giả là giảng viên, giáo viên (ưu tiên nếu đang là nghiên cứu sinh) có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy xây dựng một nền toán học Việt Nam hiện đại, tác động mạnh đến hệ thống đào tạo, giảng dạy toán học trong nhà trường. Chương trình cũng xét cấp học bổng cho 185 sinh viên ngành toán và gần 300 học sinh chuyên toán trên toàn quốc. Tổng số học bổng cấp cho học sinh, sinh viên năm học này là gần 7,29 tỉ đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận