Sinh viên khoa điện - điện tử Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: Như Hùng
Chúng tôi ghi nhận ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục để tìm lời giải đang rất được quan tâm này.
Cung cấp kỹ năng để ra làm việc được
Với cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, ranh giới giữa các ngành học không còn rõ ràng như trước đây mà có sự hỗ trợ lẫn nhau. Vì vậy chương trình đào tạo cần thay đổi, bổ sung hợp lý các phần kiến thức. Ví dụ, người học khối C cũng nên biết kiến thức căn bản của khối A, và ngược lại.
Khi xây dựng chương trình đào tạo, các trường đại học phải tính toán hài hòa, cân nhắc giữa lợi ích ngắn hạn và lâu dài. Nghĩa là phải cung cấp cho sinh viên một số kỹ năng để ra làm việc được. Nhưng nếu chỉ dạy kỹ năng cụ thể mà quên mất đi kiến thức căn bản, về lâu dài sinh viên sẽ tụt hậu và bị đào thải bởi cơn lốc khoa học công nghệ.
PGS.TS Dương Anh Đức (giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM)
Học thêm tín chỉ của thế giới
Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là cần phải thay đổi cho sinh viên về nhận thức và khả năng thích nghi với cái mới như: công nghệ mới, mô hình sản xuất, kinh doanh mới đang diễn ra bên ngoài xã hội. Trường đại học sẽ có những điều chỉnh về nội dung và phương pháp giảng dạy để thích ứng những cái mới đó.
Trong tương lai gần, sinh viên sẽ học thêm một số tín chỉ từ các trường đại học khác trên thế giới, thông qua các khóa học mở online trên mạng. Điều này có nghĩa là bằng cấp mà sinh viên nhận được từ một trường đại học sẽ bao gồm thêm kiến thức từ nhiều trường đại học khác.
TS Vũ Hải Quân (phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM)
Xây dựng chương trình đào tạo định hướng 4.0
Để đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực tương lai phục vụ cho CMCN 4.0, các trường đại học ở VN cần từng bước xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng CMCN 4.0, xem xét các yếu tố như: định hướng ngành nghề và những kỹ năng mở rộng liên quan; đầu tư trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và giảng dạy; bổ sung kiến thức, kỹ năng mở rộng và mới cho lực lượng giảng dạy, nghiên cứu.
Đồng thời, hợp tác với các doanh nghiệp đa quốc gia đi đầu về cung cấp giải pháp i4.0 để thực hiện quá trình chuyển giao công nghệ, đào tạo, nghiên cứu, phát triển ứng dụng một cách thực tiễn.
Giáo dục định hướng CMCN 4.0 không chỉ ở cấp đại học mà cần phải bắt đầu từ các cấp học dưới; bởi những kỹ năng, kiến thức nâng cao cần có quá trình tích lũy và xây dựng từ những nền tảng cơ bản nhất. Đây là một thách thức lớn, nếu chỉ chú trọng xây dựng mô hình đại học mà bỏ qua mô hình giáo dục cấp dưới đại học.
Ông Lê Trí Tín (chuyên gia về hệ thống công nghiệp 4.0 của Bosch Rexroth, Tập đoàn Bosch)
Thách thức và cơ hội của trường đại học
CMCN 4.0 vừa là thách thức vừa là cơ hội lớn cho các trường đại học trong nước. Khoảng cách giữa các đại học trong nước và khu vực sẽ thu hẹp lại hoặc gia tăng đáng kể tùy vào chính sách hợp lý của Nhà nước và từng trường đại học. Bản thân trường đại học phải có sự chuẩn bị tốt và thích nghi với giai đoạn mới này.
Có bốn nhân tố quan trọng tương tác lẫn nhau trong mỗi đại học, giữa bối cảnh thay đổi này: nhân lực, đào tạo, nghiên cứu và quá trình tự thay đổi. Đặc biệt, quá trình tự thay đổi diễn ra ở nhiều khía cạnh khác nhau, như đổi mới về tư duy quản lý, đánh giá đúng giá trị của đổi mới và sáng tạo, triết lý về đào tạo, đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin và phòng thí nghiệm tiên tiến.
PGS.TS Thoại Nam (trưởng khoa khoa học và kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM)
Tạo kiến thức nền tảng
Đào tạo đại học phải tạo kiến thức nền tảng cho sinh viên. Còn những "phần mềm" khác, người học phải tự học suốt đời để theo kịp thực tế. Các trường cần phải thiết kế chương trình linh động hơn, kiến thức cập nhật hơn, hướng tới phát triển các kỹ năng phù hợp với CMCN 4.0, phát triển tư duy hệ thống và liên ngành.
PGS.TS Nguyễn Văn Thư (hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận