18/03/2020 10:53 GMT+7

Cách ly cũng là thời gian được sống chậm lại, chăm sóc hơn cho bản thân

TRẦN NAM THẮNG
TRẦN NAM THẮNG

TTO - Vé khứ hồi của tôi là ngày 9 đến 22-3. Càng gần ngày đi dịch bệnh từ các nước châu Á và châu Âu càng nóng hơn...

Cách ly cũng là thời gian được sống chậm lại, chăm sóc hơn cho bản thân - Ảnh 1.

Xịt sát khuẩn ở sân bay - Ảnh: TRẦN NAM THẮNG

Tôi bay Thụy Sĩ trong chuyến công tác của dự án được Viện hàn lâm Khoa học Thụy Sĩ tài trợ cho Trường đại học Laussane và hai đơn vị ở Việt Nam. Vé khứ hồi của tôi là ngày 9 đến 22-3. Càng gần ngày đi dịch bệnh từ các nước châu Á và châu Âu càng nóng hơn...

Đây là hoạt động quan trọng đã được lên kế hoạch từ hơn 1 năm trước và bản thân tôi không tự hoãn được dù thấy dịch bệnh mở rộng. Tôi thậm chí vẫn liên tục kiểm tra thư và mong nhận thông báo hoãn của ban tổ chức ngay cả khi đã ngồi ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) chờ xuất cảnh.

Cách ly cũng là thời gian được sống chậm lại, chăm sóc hơn cho bản thân, luyện tập sức khỏe, hoàn thiện các việc chưa thực hiện được trong cuộc sống náo nhiệt hằng ngày. Biết đâu, tôi lại nảy ra ý tưởng gì đó.

TRẦN NAM THẮNG

Ai đeo khẩu trang là "bệnh"

Để bảo vệ bản thân, tôi trang bị nhiều thứ cần thiết như khẩu trang, mắt kính, dung dịch rửa tay và thực hiện suốt hành trình bay dài 13 tiếng đến Pháp.

Tôi đến sân bay Paris-Charles-de-Gaulle sáng 10-3 khi Pháp và Ý đang là tâm dịch. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là rất ít người đeo khẩu trang, nhóm đeo chủ yếu là dân châu Á và vài người châu Âu (ốm họ mới đeo).

Đến Thụy Sĩ, số lượng người đeo khẩu trang càng ít hơn. Tôi được ban tổ chức giải thích "khẩu trang không bảo vệ bạn được trước virus và người đeo là để hạn chế lây bệnh cho người khác", nghĩa là người đeo khẩu trang bị mặc định như bị bệnh và bị kỳ thị.

Điều này làm tôi khó xử và để không gây mất thiện cảm với mọi người, tôi cũng không đeo khẩu trang trong thời gian hội thảo.

Tuy nhiên, tôi vẫn áp dụng các biện pháp cách ly như giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên, không bắt tay, hạn chế cầm nắm vật dụng công cộng và liên tục tham khảo thông tin dịch bệnh ở Thụy Sĩ. Số người nhiễm ở nước này vẫn tăng lên hằng ngày dù dân số thấp.

Vé đặt về ngày 22-3, nhưng tôi quyết định đổi ngày 15-3, rút ngắn thời gian công tác và đổi hành trình tới các vùng núi cao, ít du khách.

Đến ngày 13-3 thì nhận được thông báo của Chính phủ Thụy Sĩ là các trường học sẽ nghỉ đến hết tháng 4. Dân họ bắt đầu e dè hơn về dịch bệnh, cũng xuất hiện tình trạng ồ ạt mua hàng hóa dự trữ và Thụy Sĩ lúc này đã có hơn 1.600 ca dương tính với virus.

Sáng 15-3, tôi ra sân bay Geneva (Thụy Sĩ) để bay quá cảnh sang Pháp chuyến 9h sáng và từ Pháp bay về Việt Nam chuyến 13h chiều. Khá lạ là số lượng người đeo khẩu trang ở Thụy Sĩ và Pháp vẫn rất ít.

Sân bay Paris-Charles-de-Gaulle vắng hẳn, các cửa hàng miễn thuế hầu như đóng cửa hoàn toàn, chỉ còn vài cửa hàng nhu yếu phẩm và tiệm đồ ăn còn phục vụ.

Cách ly cũng là thời gian được sống chậm lại, chăm sóc hơn cho bản thân - Ảnh 3.

Thăm khám 3 lần mỗi ngày ở khu cách ly - Ảnh: TRẦN NAM THẮNG

Việt Nam cẩn thận hơn

Vietnam Airlines yêu cầu tất cả nhân viên ở cửa làm thủ tục ra máy bay đều đeo khẩu trang, bao tay, chứ không như nhân viên ở các cửa đi khu vực khác.

Ra đến cửa máy bay, tôi khá choáng khi thấy đội ngũ tiếp viên, phi công đều như "phi hành gia" mang quần áo bảo hộ kín từ đầu đến chân (đội mũ chụp tóc, đeo kính, khẩu trang, mặc đồ bảo hộ dài màu xanh...).

Hành khách được xịt khuẩn, rửa tay và nhắc nhở phải đeo khẩu trang trong toàn bộ hành trình. Lúc này, cảm giác bất an mới bắt đầu xâm chiếm. Cứ mỗi khi có hành khách nào đó ho, hắt hơi lại làm mọi người lo lắng và ngoái nhìn, trong khi điều đó là hoàn toàn bình thường và khi không có dịch bệnh thì hầu như không ai để ý.

Cả máy bay khổng lồ A350 chỉ có 53 hành khách, chủ yếu là sinh viên đang du học tại Pháp về do được nghỉ học dài ngày và một số gia đình về cả nhà để tránh dịch. Một sinh viên tâm sự:

"Bọn em được nghỉ chưa biết khi nào học lại, thêm nữa giai đoạn này hàng hóa cho cuộc sống khá khan hiếm. Số ca nhiễm virus thì ngày càng tăng chóng mặt nên cảm giác ở lại rất bất an, thôi về Việt Nam cho an toàn hơn". Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, số lượng sinh viên và người lao động ở nước ngoài về nước sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Tuy phải bịt khẩu trang và rửa tay thường xuyên trên máy bay, nhưng do thời gian bay dài, nên vẫn phải ăn uống 2 bữa (tối và sáng). Và nếu có dịch bệnh, thì đây là thời gian dễ lây nhiễm nhất.

Dù vậy, mọi người vẫn phải ăn uống bình thường. Trên đường bay, tôi nhận được thông báo của cơ trưởng là máy bay sẽ hạ cánh ở Vân Đồn (Quảng Ninh) thay vì Nội Bài như lịch trình và mọi người sẽ bị cách ly.

Chuyện này tôi đã cập nhật từ báo chí trong nước trước ngày về, nhưng một số hành khách mới biết thông tin thì xôn xao, lo lắng. Trước khi hạ cánh, chúng tôi được tiếp viên thông báo các quy định sau khi hạ cánh.

Chúng tôi được yêu cầu ngồi yên tại chỗ, truy cập mạng và điền tờ khai y tế, chỉ rời chỗ ngồi khi được yêu cầu và đi thành từng nhóm 20 người để thuận tiện cho việc khử trùng, sắp xếp nhập cảnh.

Chúng tôi được xịt khuẩn lên hành lý, cả lên người từ khi ra khỏi máy bay, khi đứng xếp hàng chờ làm thủ tục nhập cảnh, đứng xếp hàng chờ nhận hành lý và lên xe chuyên chở. Tôi cảm nhận được vị đắng của thuốc khử trùng ở cổ họng.

Sau khi lên xe, chúng tôi được thông báo sẽ được đưa về khu cách ly ở Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Ninh. Ai cũng hồi hộp, phập phồng không biết chuyện gì ở phía trước...

Cách ly cũng là thời gian được sống chậm lại, chăm sóc hơn cho bản thân - Ảnh 4.

Hành khách từ sân bay được đưa ngay lên xe đi cách ly - Ảnh: TRẦN NAM THẮNG

Cách ly là tốt

Về đến Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Ninh mới là thời gian chờ đợi dài nhất, chúng tôi ngồi yên chờ trong xe gần 2 tiếng đồng hồ mới được xuống làm thủ tục khám phân loại để vào khu cách ly. Về cơ bản, mọi việc đều ổn và nhẹ nhàng.

Tuy nhiên, chắc do mới làm lần đầu nên còn lúng túng trong khâu tiếp nhận, bàn giao và các thủ tục khác, nên hành khách phải chờ đợi khá lâu trên máy bay, xe trung chuyển và khu vực khám sàng lọc...

Máy bay hạ cánh 6h sáng, đến 13h chiều chúng tôi mới vào nhận phòng ở khu cách ly sau khi vừa trải qua chuyến bay dài trên máy bay. Nơi cách ly tập trung là khu vực rộng nằm sau lưng cơ quan bộ chỉ huy, được bố trí 3 người một phòng với ba giường đơn.

Khu cách ly rộng rãi, có sân thoáng mát để mọi người tập thể dục. Phòng ốc không được tiện nghi như khách sạn nhưng sạch sẽ, ngăn nắp, nội vụ gọn gàng.

Mỗi người một giường đơn với chăn drap gối mới, đồ vệ sinh cá nhân đủ dùng trong 2 tuần. Mạng WiFi miễn phí khá tốt. Mỗi người được phát một khẩu phần ăn gồm: cơm, rau xào, thịt gà kho, trứng chiên và chả. Chúng tôi được khám, thay khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt hằng ngày.

Trong khu cách ly, chúng tôi được khuyên luôn đeo khẩu trang, hạn chế đi lại, giao tiếp và không được ra khỏi khu cách ly vì bất kỳ lý do gì. Nếu có nhu cầu nào, hãy viết giấy nhờ, sẽ có người mua hộ và đưa vào 1 lần/ngày.

Nhiều người có vẻ lo lắng thái quá về dịch bệnh, nhưng cá nhân tôi thấy yên tâm. Việt Nam cho tới thời điểm này đang kiểm soát tốt dịch bệnh so với rất nhiều nước trên thế giới. Trước khi bị cách ly, tâm trạng tôi và mọi người cũng lo lắng. Tuy nhiên, sau khi vào cách ly, có thời gian tĩnh lặng lại thì tôi thấy việc cách ly là bình thường, thậm chí là tốt và may mắn, bởi có ai dám chắc tôi không bị nhiễm bệnh.

Nghĩ vậy, nên tôi luôn tự động viên bản thân mình và hai bạn sinh viên trẻ cùng phòng. Bình tĩnh, nhẹ nhàng chấp nhận cách ly và vững vàng qua mùa dịch!

Mỗi người phải có nghĩa vụ

Sẽ như thế nào nếu tôi không cách ly và nhiễm bệnh cho người thân, sinh viên, đồng nghiệp của mình.

Tuy cũng còn nhiều việc cá nhân phải làm và sự cách ly cũng gây bất tiện, nhưng biết làm sao được khi thời dịch bệnh cần như thế. Mỗi người phải có nghĩa vụ với bản thân, gia đình và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng.

Thăm dò ý kiến

Có nên dùng resort, khách sạn, cơ sở lưu trú cao cấp cho việc cách ly với những người có nhu cầu, điều kiện không?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Châu Bùi: Châu Bùi: 'Đi cách ly, tưởng không may thành may không tưởng!'

TTO - Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ Online từ nơi cách ly tại TP.HCM, Châu Bùi kể được các anh bộ đội mang cơm ngày 3 bữa. Cô tự giặt tay quần áo và trang trí phòng cách ly cho xinh xắn hơn.

TRẦN NAM THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp