Cách chúng ta gõ bàn phím và di chuyển chuột dường như là yếu tố dự đoán mức độ căng thẳng tại môi trường văn phòng tốt hơn là nhịp tim.
Đây là kết luận do nhóm nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ tại thành phố Zurich (ETHZ) đưa ra ngày 11-4.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu và máy học để phát triển mô hình mới giúp phát hiện mức độ căng thẳng tại nơi làm việc, chỉ dựa vào cách mọi người gõ bàn phím hoặc sử dụng chuột.
Trong nghiên cứu, nhóm nhà khoa học ETHZ đã quan sát 90 người trong phòng thí nghiệm thực hiện các nhiệm vụ văn phòng gần giống với thực tế, như lên kế hoạch cuộc hẹn hoặc ghi lại và phân tích dữ liệu.
Nhóm nghiên cứu ghi lại hành động sử dụng chuột và bàn phím, cũng như nhịp tim của những người tham gia và thường xuyên hỏi xem họ cảm thấy căng thẳng ra sao.
Một số người làm việc trong điều kiện không bị quấy rầy, còn 50% nhóm người liên tục bị làm phiền bởi những tin nhắn trò chuyện và được yêu cầu tham gia một cuộc phỏng vấn xin việc.
Kết quả, các nhà nghiên cứu nhận thấy những người căng thẳng có cách gõ bàn phím và di chuyển con chuột khác với những người có tinh thần thoải mái.
Bà Nagelin nêu rõ những người căng thẳng di chuyển con trỏ chuột thường xuyên hơn, kém chính xác hơn với khoảng cách xa hơn trên màn hình.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người cảm thấy căng thẳng tại văn phòng sẽ mắc nhiều lỗi đánh máy hơn và có xu hướng viết một cách ngắt quãng, với nhiều khoảng dừng ngắn. Ngược lại, những người cảm thấy thoải mái sẽ tạm dừng ít hơn khi gõ bàn phím.
"Mức độ căng thẳng gia tăng tác động tiêu cực đến khả năng xử lý thông tin của bộ não. Điều này cũng ảnh hưởng đến các kỹ năng vận động của chúng ta", nhà tâm lý học và đồng tác giả nghiên cứu Jasmine Kerr cho biết.
Thống kê cho thấy cứ 3 nhân viên ở Thụy Sĩ, có 1 người bị căng thẳng tại nơi làm việc. Các nhà nghiên cứu cho biết những người bị ảnh hưởng thường không nhận ra thể chất và tinh thần của họ đang cạn kiệt cho đến khi quá muộn.
Do đó, các chuyên gia cần khẩn trương tìm ra những biện pháp đáng tin cậy để phát hiện tình trạng căng thẳng gia tăng trong công việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận