Tuy nhiên, cho đến nay vấn đề trên vẫn chưa được giải quyết.
Thất bại này trong thiết kế và điều hành giáo dục đã tạo ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nhân lực, làm cho năng suất lao động ở nước ta bị xếp vào loại thấp nhất trong các nước ASEAN. Vì sao ta lại thất bại trong việc giải bài toán này, xin nêu vài lý do chính:
Một là thiết kế và vận hành hệ thống giáo dục không hợp lý, quản lý thì cát cứ. Sau THCS lẽ ra chỉ nên có THPT và trung học nghề, thế mà nhiều năm nay tồn tại hệ trung học chuyên nghiệp lấy đầu vào chủ yếu là THPT, để rồi lại cấp bằng tốt nghiệp trung học ở đầu ra! Hệ thống trung học nghề lại quá yếu, các trường trung học nghề không có nhiều nghề thích hợp và không được đầu tư đầy đủ nên không hấp dẫn học sinh.
Thiết kế hai luồng trong hệ thống giáo dục cũng thiếu liên thông. Luật giáo dục nghề nghiệp vừa qua khoanh giáo dục nghề nghiệp vào một bậc học chứ không phải một trong hai luồng của hệ thống giáo dục là rất sai lầm.
Hai là tâm lý khoa cử trong dân ta, tâm lý này càng được nâng cao bởi chính sách chuộng văn bằng của cả hệ thống chính trị nước ta. Chính nó làm cho đa số học sinh quan niệm đại học là con đường lập thân duy nhất.
Để giải bài toán phân luồng giáo dục phải xử lý hai lý do chính đó!
Trước hết phải thiết kế lại hệ thống. Từ bậc THCS lên đến tận cùng hệ thống giáo dục (bậc tiến sĩ) phải phân thành hai luồng như hệ thống “tiêu chuẩn quốc tế về phân tầng giáo dục” (ISCED) của UNESCO quy định: bên dưới là hai luồng giáo dục phổ thông và đào tạo nghề, từ tầng đại học trở lên là hai luồng học thuật và chuyên nghiệp.
Hệ thống được thiết kế cần có nhiều đầu vào và đầu ra liên thông với nhau, trên tinh thần “giáo dục mở” như nghị quyết 29 của trung ương quy định. Việc phân luồng không cản trở người đi theo luồng này có thể chuyển sang luồng kia, khi họ mong muốn hoặc có điều kiện.
Đặc biệt, Nhà nước cần đầu tư cho hệ thống trường trung học nghề. Cần lưu ý là trong các trường đại học theo hướng học thuật và đại học theo hướng thực hành cũng có những ngành nghề đan xen nhau theo hướng này hoặc theo hướng kia.
Phải tích hợp giáo dục chuyên nghiệp trong giáo dục đại học thì mới có được nguồn nhân lực nghề nghiệp trình độ cao, chứ không thể khoanh giáo dục nghề nghiệp trong một bậc học thấp.
Do đó hệ thống quản lý giáo dục phải rất linh động, không thể phân chia rạch ròi là giáo dục nghề nghiệp phải thuộc bộ này hoặc bộ kia, và hợp lý hơn cả là nên để chỉ một bộ thực hiện quản lý nhà nước đối với cả hệ thống giáo dục.
Về tâm lý khoa cử của dân, chính một hệ thống giáo dục được thiết kế và vận hành hợp lý như nói trên đây cũng sẽ làm giảm tâm lý coi trọng khoa cử và xu hướng chỉ biết lập thân theo con đường đại học.
Hi vọng việc thiết kế lại và vận hành tốt hệ thống giáo dục sẽ giải quyết được bài toán phân luồng, tạo cơ hội cải thiện hệ thống dạy nghề và giáo dục chuyên nghiệp của nước ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận