Gia đình bà Esther Wojcicki, từ trái sang: cô Anne Wojcicki, đồng sáng lập kiêm CEO Công ty 23andMe; Susan Wojcicki, CEO Công ty YouTube, bà Esther Wojcicki, ông Stan Wojcicki, giáo sư vật lý đã nghỉ hưu của Đại học Stanford và Janet Wojcicki, giáo sư nhi khoa tại Đại học California, San Francisco (UCSF) - Ảnh: TIMES MAGAZINE
Thay vì chỉ tập trung vào cách thức giúp con thành công, có thành tựu, lời khuyên của nhà giáo dục uy tín này nhấn mạnh những giá trị thầm lặng nhưng vô cùng mạnh mẽ mà bạn nên và cần trao truyền cho con. Đó là sự tin cậy, tôn trọng với con và dạy tinh thần độc lập.
Triết lý giáo dục của người phụ nữ này đến từ những trải nghiệm cá nhân và hơn 30 năm trong ngành giáo dục của bà.
Dạy con biết tự quyết
Có một thực tế đã trở thành luật bất thành văn: mỗi người sẽ dạy con họ theo cách họ được cha mẹ mình dạy dỗ. Nhưng ở trường hợp của bà Esther Wojcicki, điều này có khác.
Sinh ra trong một gia đình Do Thái giáo chính thống vào những năm 1950, bà Esther Wojcicki trải nghiệm sâu sắc cái gọi là quan niệm trọng nam khinh nữ trong chính nhà mình. Từ tuổi lên 5, cha bà đã nói con trai quan trọng hơn con gái và suốt thời niên thiếu, bà luôn bị cha đối xử bất công so với chính em trai của mình.
Nhưng bù lại, bà có một người mẹ rất mực hiền hậu và yêu thương các con. Ở tuổi 18, bà phản đối việc kết hôn theo ý cha để học tiếp lên đại học, phá bỏ quan niệm phụ nữ chỉ nên là người của gia đình và quẩn quanh trong xó bếp.
Tất cả những trải nghiệm riêng khiến khi đã làm mẹ của 3 cô con gái, bà Esther Wojcicki đã nỗ lực trở thành một bản sao của người mẹ tuyệt vời, tạo quan hệ bình đẳng với các con, tránh hết mức những quan niệm kỳ thị giới giống như những gì từng chứng kiến ở người cha.
Một trong những chuyện đáng kể nhất để tránh khỏi vết xe đổ của cha là bà thường dạy các con luôn biết tự kiểm soát cuộc sống của mình bằng việc biết đưa ra những lựa chọn, nói cách khác là biết tự ra quyết định trong các vấn đề của mình.
Bà gây dựng năng lực này bằng cách đặt ra cho chúng những câu hỏi kiểu như: "Con thích quả chuối hay quả cam hơn?", hay "Con muốn ngồi vẽ tranh hay chạy ra sân chơi?"... Những câu hỏi thoạt như không quan trọng, song với bà Esther Wojcicki, là sự cắt đứt quan trọng với những ám ảnh về kỳ thị giới bà từng trải qua thời thơ ấu.
Tin ở con mình
Mặc dù thừa nhận xã hội hiện đại ngày càng trở nên thiếu hụt lòng tin, song bà Esther Wojcicki cho rằng một điều vô cùng quan trọng trong giáo dục là các phụ huynh cần phải có niềm tin ở con họ.
Một kỷ niệm không quên với bà khi phải trông các cháu cho cô con gái Susan đi làm. Lần đó bà đưa hai đứa cháu ngoại 8 tuổi tới một cửa hàng thuộc chuỗi Target và để các cháu tự chơi ở đó trong một tiếng. Sau khi biết chuyện, giống như nhiều bà mẹ cả lo, Susan đã trách bà ngoại vì việc này, cô lo sợ vì "bất cứ chuyện gì cũng có thể đã xảy ra với chúng!".
Tuy nhiên với nhà giáo Esther Wojcicki, việc cha mẹ không dám hoặc ngăn cản con cái được độc lập làm những việc chúng có thể tức là họ đang cùng lúc "dạy" chúng 2 điều: thứ nhất, thế giới xung quanh là không thể tin cậy và cha mẹ cũng đang không tin chúng.
Sau khi đã nỗ lực dạy con khả năng tự quyết và bản thân dám đặt niềm tin ở con, bà Esther Wojcicki cho rằng cha mẹ nên tôn trọng các lựa chọn của con, bởi việc làm ngược lại có thể gây tổn hại hoặc thậm chí dẫn tới những hậu quả thảm khốc.
Khi cô con gái Anne tốt nghiệp đại học, cô khiến mọi người kinh ngạc khi tuyên bố không muốn theo đuổi một sự nghiệp chuyên môn nào mà chỉ muốn ở nhà, làm vú em. Nhưng bà Esther Wojcicki không giận con vì quyết định có vẻ "an phận thủ thường" đó. Với bà, đó là cuộc đời riêng của Anne và con bé sẽ tự biết điều gì cần cho nó.
Hơn ai hết, bà hiểu rõ những học trò của mình từng khổ sở ra sao khi phải sống theo những lựa chọn không phải của bản thân mà là của cha mẹ. Thậm chí các nhà nghiên cứu của Đại học Yale còn phát hiện ra trong số những người trưởng thành ở Mỹ, nguyên nhân lớn nhất khiến một người muốn tự tử chính là cảm giác bị cha mẹ bỏ rơi mà chủ yếu là vì cha mẹ thiếu tôn trọng họ trong các sở thích, mong muốn, lựa chọn.
Cũng chính Anne sau này đã tìm thấy niềm vui ở một lĩnh vực kinh doanh và trở thành nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Công ty 23andMe.
Thái độ tôn trọng con sẽ khiến các phụ huynh thực hiện vai trò trong vị thế hợp tác hơn là cai quản con cái. Có nghĩa họ sẽ cùng con hoàn thành một việc gì đó thay vì đơn giản là sai khiến con. Điều thú vị là ngay từ tuổi lên 3, trẻ đã có thể hiểu, học được cách hợp tác với người khác, cho nên sẽ không bao giờ quá sớm để cha mẹ trở thành những người bạn thực sự của con.
"Godmother của Thung lũng Silicon"
Bà Esther Wojcicki là nhà báo, nhà giáo dục, là mẹ của 3 cô con gái thành đạt, trong đó có 2 nữ doanh nhân nổi tiếng nhất ở Thung lũng Silicon. Cả 3 người con của người mẹ đặc biệt này là bà Susan Wojcicki hiện đang là CEO của Công ty YouTube, bà Anne Wojcicki - nhà sáng lập kiêm CEO Công ty 23andMe, và nhà nghiên cứu y khoa hàng đầu - phó giáo sư nhi khoa Janet Wojcicki. Đây cũng là lý do khiến bà có biệt danh là "Godmother của Thung lũng Silicon".
Bà là nhà sáng lập chương trình nghệ thuật truyền thông tại Trường trung học Palo Alto ở California, cũng là người góp phần khởi động Học viện giáo viên Google (Google Teachers Academy). Các phương pháp sư phạm của bà Esther Wojcicki đã được áp dụng tại nhiều trường học trên thế giới. Năm 2002 bà được tôn vinh là Nhà giáo của năm tại bang California.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận