24/06/2017 14:00 GMT+7

​Cách chăm sóc và đảm bảo dinh dưỡng khi trẻ bị tiêu chảy

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa - Vũng Tàu
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa - Vũng Tàu

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tiêu chảy. Một số nguyên nhân thường gặp là do nhiễm vi rút, nhiễm vi khuẩn (tả, lỵ, thương hàn, E.Coli…); nhiễm ký sinh trùng, nấm; do thuốc men; do rối loạn đường ruột…

Về nguyên tắc điều trị, nếu tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn hay do nấm thì sẽ có thuốc điều trị đặc hiệu; nhưng nếu nguyên nhân do vi rút, do rối loạn tiêu hóa… thì không có thuốc điều trị đặc hiệu.

Tuy vậy, dù trẻ bị tiêu chảy do nguyên nhân gì thì trong điều trị và chăm sóc trẻ, điều đặc biệt quan trọng là bù nước-điện giải và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, năng lượng, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Dung dịch bù nước thông dụng là dung dịch ORS (Oresol). Pha 1 gói ORS với 1 lít nước sôi để nguội (không nên pha ½ gói với ½ lít nước). Nếu không có ORS, có thể tạo dung dịch muối đường thay thế bằng cách pha 1 lít nước sôi để nguội với 8 thìa cà phê đường và 1 thìa cà phê muối và cho uống theo nhu cầu. Dung dịch bù nước pha quá 12 giờ thì phải bỏ đi và pha dung dịch mới.

Đối với trẻ nhỏ, tiêu chảy rất dễ làm cho bé bị suy dinh dưỡng. Vì vậy cần duy trì chế độ ăn thích hợp cho bé. Bé bị tiêu chảy thường biếng ăn, do đó các bậc cha mẹ cần hết sức kiên nhẫn. 

Thức ăn của trẻ trong những ngày này cần lỏng hơn, dễ tiêu nhưng vẫn phải đảm bảo đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng (bột, béo, đạm, rau quả).

Các thực phẩm nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy là bột gạo, khoai tây, thịt gà nạc, thịt heo nạc, cá nạc, sữa đậu nành, sữa chua, sữa có ít hoặc không có đường Lactoza, dầu thực vật, cà rốt, hồng xiêm, chuối, táo. Thực phẩm chế biến dưới dạng cháo, súp, cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm.

Nếu trẻ còn bú mẹ, phải tiếp tục cho trẻ bú vì sữa mẹ là nguồn thực phẩm vô cùng quý giá cho trẻ lúc này. Nếu trẻ bú sữa ngoài, vẫn tiếp tục cho bú bình thường. Một số trường hợp trẻ tiêu chảy kéo dài trở nên dung nạp kém với đường Lactose có trong sữa, nên thay loại sữa khác không có đường Lactose theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Những thói quen thường gặp cần tránh trong chăm sóc trẻ bị tiêu chảy là: hạn chế uống nước (vì sợ uống nước vào lại đi tiêu chảy nhiều) dẫn đến cơ thể mất nước nhiều, có thể đe dọa tính mạng; uống thuốc “cầm” tiêu chảy, thuốc sẽ làm liệt ruột, các chất thải ứ đọng lại dễ dẫn đến nhiễm độc, bụng chướng, khó thở, trẻ bỏ ăn; cho bé ăn cháo trắng với muối, không cho bú mẹ vì nghĩ làm như vậy sẽ mau lành bệnh, hậu quả là sẽ làm cho trẻ mau chóng kiệt sức, suy dinh dưỡng, khó hồi phục sau bệnh, nhưng thực ra trẻ vẫn có thể tiêu hóa và hấp thu những thức ăn thông thường được; một số trường hợp cho trẻ uống thuốc không theo toa của bác sĩ, dẫn đến bệnh không khỏi mà thậm chí còn bị ngộ độc thuốc và kéo dài bệnh hơn.

Ngoài ra, trong thời gian trẻ bị tiêu chảy, các bà mẹ tuyệt đối không cho trẻ uống các loại nước giải khát công nghiệp, không cho ăn các loại thức ăn có chứa nhiều đường vì những thức ăn này có thể làm tăng tiêu chảy.

Tránh dùng các loại thực phẩm có nhiều xơ hoặc ít chất dinh dưỡng (măng, rau cần, tinh bột nguyên hạt khó tiêu hóa)... Sau khi khỏi tiêu chảy, để giúp cho trẻ hồi phục nhanh và tránh suy dinh dưỡng, cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày 1 bữa trong 2 tuần liền. 

Trong quá trình chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà, nếu thấy trẻ có các biểu hiện sau thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời: sốt cao; cảm thấy đau bụng, đau khi sờ nắn bụng hay đau bụng dữ dội; phân có nhầy, máu hay phân màu như bã cà phê; phân toàn nước lờ lờ như nước vo gạo; nôn ói nhiều, trẻ không thể cho ăn được; có dấu hiệu mất nước (mắt trũng, môi se, da nhăn, trẻ nhỏ thóp lõm, khóc không nước mắt, tiểu ít)… vì đó là những biểu hiện bệnh nặng.

Tiêu chảy là bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa nên giữ gìn vệ sinh ăn uống có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng bệnh.

Cần thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; xử lý phân-nước-rác hợp vệ sinh; cảnh giác với thức ăn đường phố; thường xuyên rửa tay bằng xà bông với nước sạch, nhất là trước khi ăn; trước khi chăm sóc bé, cho bé ăn; sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh.

Việc sử dụng kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh tiêu chảy, do vậy mọi người cần chú ý không nên sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện khi trẻ bị tiêu chảy.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa - Vũng Tàu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp