24/03/2015 00:10 GMT+7

​Cách chăm sóc một số bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ em

Nguồn: Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM
Nguồn: Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM

Trẻ em thường bị một số bệnh ngoài da, có thể là do thời tiết, bị nhiễm trùng da, cảm cúm…, sau đây là một vài bệnh phổ biến và cách chăm sóc da trẻ khi bị bệnh.

1/ Hăm da: da phát ban, bị đỏ, hơi sưng, thường xuất hiện ở vùng da có nhiều nếp gấp như cổ, đùi, bẹn, vùng mặc tã. Nguyên nhân là do da bé bị ẩm ướt kéo dài và thiếu thoáng khí nên vi khuẩn trong nước tiểu phát triển trên da bé.

+ Cách chăm sóc - Hạn chế dùng bỉm (tả). Nếu phải dùng tã thì chọn loại tã có mặt đáy vải, hút ẩm tốt, thoáng khí. Thay tã cho bé ngay sau khi bé tè hoặc đi ngoài. - Rửa sạch vùng bị hăm bằng nước ấm hoặc nước pha thuốc tím rồi nhẹ nhàng dùng khăn mềm hoặc bông gòn lau khô mông và vùng kín. - Thoa thuốc hoặc phấn rôm cho bé sau khi rửa. Các loại thuốc bôi có thể sử dụng là thuốc mỡ Bepanthen (dexpanthenol), xanh methylen... - Đưa bé tới bệnh viện nếu bé không khỏi sau 1 tuần thực hiện các biện pháp trên hoặc bé kèm theo sốt hoặc chỗ hăm có mủ, loét hoặc hăm vùng ngoài mông.

2/ Nẻ da: da nẻ bề ngoài thấy khô và thấy đường rạn nứt, vết nứt có thể bị chảy máu hoặc nhiễm trùng. Nguyên nhân do da ẩm ướt tiếp xúc với không khí lạnh, thường ở đầu chi nơi máu kém lưu thông.

+ Cách chăm sóc - Nếu da chưa bị nhiễm trùng có thể thoa kem làm mềm da, sáp thoa môi, mặc quần áo ấm khi trời lạnh. - Da nẻ bị nhiễm trùng cần phải được bác sĩ chữa trị. - Tránh dùng xà bông (nên dùng nước dưỡng da cho em bé), tránh luồng gió lạnh và những thay đổi đột ngột về nhiệt độ.

lG1jkMMR.jpg

3/ Cước: là một khối u trong da màu đỏ hay đỏ tía, thường xuất hiện ở bàn chân, phía sau phần dưới cẳng chân, ở bàn tay, đầu mũi và vành tai. Triệu chứng là trẻ bị ngứa dữ dội khi cơ thể bắt đầu ấm lên sau khi tiếp xúc với khí lạnh. Nguyên nhân là do sự giãn nở mạch máu quá mức sau khi co mạch do tiếp xúc với không khí lạnh.

+ Cách chăm sóc - Xức phấn rôm hay calamine làm bớt ngứa và ngăn bé khỏi gãi, cước thường tự lành nếu được giữ ấm.

4/ Mụn rộp: 24 giờ trước khi các điểm mụn rộp xuất hiện có cảm giác nóng ran, tê tê, ngứa ngáy dưới da. Da trở nên đỏ và những vết rộp nhỏ xíu xuất hiện, thường xung quanh môi hoặc lỗ mũi.

Các vết rộp lớn lên, xát nhập với nhau rồi bể ra, biểu lộ nên chứng mụn rộp thông thường. Chất lỏng từ các vết rộp sau đó hình thành một vẩy cứng, lần lần thu nhỏ lại và tróc đi khi lớp da bên dưới lành mặt. Diễn tiến này kéo dài 10-14 ngày.

Trong thời gian mụn rộp còn ở giai đoạn vết rộp và rỉ nước vàng, chứng này sẽ rất đau và trẻ có thể kêu đau cả một bên mặt, đau tai và đau khi nhai vì các dây thần kinh mặt bị siêu vi làm viêm tấy.

Mụn rộp rất dễ lây lan, trẻ có thể truyền chứng bệnh này qua những nơi khác do ngón tay rờ mó lên. Nguyên nhân là do siêu vi Herpes Simplex, tàng ẩn ở tận cùng đầu dây thần kinh, hoạt động trở lại do sang chấn tâm lý (stress), nhiễm cúm, bị cảm lạnh, nắng gắt. Mụn rộp bình thường không gây hại, nhưng khi ở gần mắt có thể gây loét kết mạc.

+ Cách chăm sóc - Thoa vaselin có thể ngăn mụn rộp nứt nẻ, chảy máu. - Không nên để trẻ rờ lên mặt hay hôn hít với trẻ khác, không dùng chung khăn với người khác trong thời gian bị mụn rộp để tránh lây lan. - Không nên dùng cồn vì tuy cồn giúp mụn rộp khô mặt nhưng lại làm rát da. - Nên đi khám bác sĩ để được kê toa kem chống siêu vi hoặc kem kháng sinh nếu mụn rộp bị nhiễm trùng. - Nhận biết được các yếu tố gây ra mụn rộp tấn công có thể giúp ích, ví dụ như nếu nắng gắt làm gây ra mụn rộp thì mùa hè phải thoa kem chống nắng lên môi để phòng ngừa mụn rộp.

Nguồn: Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: bệnh ngoài da trẻ em
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp