16/03/2017 13:59 GMT+7

Cách chăm sóc con trẻ sau khi bị xâm hại tình dục

BÌNH MINH (tổng hợp)
BÌNH MINH (tổng hợp)

TTO - Sau khi không may bị lạm dụng tình dục, trẻ có xu hướng sợ hãi và thường xuyên bị ám ảnh. Người thân cần kiên nhẫn và vững vàng để cùng trẻ vượt qua khoảng thời gian khó khăn.

Rất nhiều trẻ không dám nói sự thật với cha mẹ khi bị lạm dụng - Ảnh: Childabuse


Tại nhiều quốc gia trên thế giới, ấu dâm là một trong các tội nặng nhất trong hệ thống luật pháp, bởi hành vi này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và tâm lý của trẻ em trong khoảng thời gian rất dài, thậm chí hàng chục năm sau biến cố.

Theo tài liệu từ trung tâm y tế Harborview (bang Washington), đa phần những kẻ ấu dâm đều có mối liên hệ với trẻ, từ đó tìm cách lạm dụng và đe doạ, buộc trẻ phải giữ kín bí mật.

Rất nhiều trẻ không dám nói sự thật với cha mẹ ngay lần đầu tiên bị lạm dụng, chủ yếu vì sợ hãi hoặc lo lắng không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Sau khi bị lạm dụng tình dục, mỗi trẻ sẽ có những phản ứng khác nhau. Nhiều trẻ bị ảnh hưởng đến tâm lý rất nặng. Vì vậy, tình cảm và sự hỗ trợ kịp thời của các thành viên khác trong gia đình là yếu tố vô cùng quan trọng để giúp trẻ phục hồi sau chấn thương.

Trẻ ra sao sau khi bị lạm dụng?

Trẻ thường có các triệu chứng căng thẳng trước hoặc sau khi hiểu rằng mình đã bị lạm dụng tình dục. Một số triệu chứng thường gặp:

-        Ác mộng do các ký ức ám ảnh hoặc sợ hãi về việc bị lạm dụng

-        Thay đổi thói quen ăn uống hoặc ngủ nghỉ

-        Né tránh các hoạt động hoặc một số tình huống sinh hoạt cụ thể

-        Co cụm hoặc trầm cảm

-        Khó chịu, cáu kỉnh, hoặc thực hiện các hành vi có tính chất đột ngột

-        Khó tập trung

-        Thực hiện lại một số hành vi tình dục

-        Trẻ có xu hướng tự đổ thừa cho bản thân, thấy xấu hổ, tội lỗi

-        Xuất hiện tư tưởng tiêu cực như không tin tưởng bất kỳ ai hoặc thấy thế giới là nơi rất nguy hiểm

Trẻ có thể có một trong các triệu chứng trên. Phụ huynh cần thường xuyên để mắt đến trẻ để kịp thời phát hiện các hành vi bất thường và trao đổi với bác sĩ tâm lý.

Làm gì khi gia đình có trẻ bị lạm dụng?

Hãy đến gặp các bác sĩ tư vấn tâm lý càng sớm càng tốt để được can thiệp kịp thời. Bác sĩ sẽ giúp phụ huynh chuẩn bị tinh thần để đối mặt với biến cố, đồng thời đưa ra lời khuyên thích hợp để chăm sóc trẻ.

Bên cạnh đó, người thân của trẻ cũng cần tìm đến cơ quan công an và luật sư để được hỗ trợ về luật pháp. Đưa trẻ đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế thăm khám nhanh chóng và thường xuyên để đảm bảo thể chất và tâm lý trẻ ổn định.

Cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ tâm lý sớm thay vì có ý nghĩ “không khơi gợi lại chuyện cũ” để khiến trẻ sợ hãi, vì điều này thường làm tình hình tệ hơn. Trẻ sẽ giữ mãi những ký ức và cảm xúc tiêu cực, không dám đối diện và khó vượt qua chấn thương.

Thông thường, các bác sĩ sẽ trò chuyện với cả trẻ và phụ huynh, kiểm tra toàn thân và kiểm tra chi tiết cơ quan sinh dục.

Quá trình kiểm tra được thực hiện bằng kính lúp có gắn camera để xem trẻ có bị nhiễm trùng hoặc thương tích không. Mọi động tác của bác sĩ đều rất nhẹ nhàng và diễn ra khi trẻ còn tỉnh táo.

Tâm lý phụ huynh có con bị lạm dụng tình dục cũng thay đổi nhiều. Họ sẽ rất đau khổ, căm giận kẻ thủ ác và thấy tội lỗi vì không thể bảo vệ được trẻ. Nhiều phụ huynh từng nhận thấy trẻ có dấu hiệu bất ổn nhưng không để tâm sẽ càng có xu hướng dằn vặt bản thân.

Trong khoảng thời gian khó khăn này, người lớn cần phải vững vàng và bản lĩnh bởi trẻ mới là người cần được giúp đỡ nhiều nhất và chịu tổn thương lớn nhất.

Nếu cảm thấy quá khó khăn để đối diện với sự cố, hãy đến gặp bác sĩ tâm lý để tự giải toả cảm xúc cho mình trước để có thể dồn hết toàn lực chăm lo cho trẻ.

Việc thủ phạm thông thường là người thân, quen của gia đình cũng khiến các bậc cha mẹ cảm thấy khó chấp nhận và đôi khi lúng túng khi đưa vụ việc ra luật pháp. Trường hợp tệ nhất là cha mẹ không tin lời trẻ.

Điều này khiến trẻ tổn thương nặng nề, cảm thấy lạc lõng và tinh thần càng suy sụp nhiều hơn vì không được bảo vệ. Vì vậy, một khi nghe trẻ nhắc đến việc bị lạm dụng tình dục, hãy lắng nghe và tin tưởng trẻ, khéo léo trò chuyện để tìm hiểu sự thật và bảo vệ trẻ.

Cảm giác được gia đình ở cạnh, tin cậy và thấu hiểu là một trong các yếu tố chính giúp trẻ mau hồi phục sau chấn thương tâm lý.

Trẻ cần được giúp đỡ để hồi phục sau chấn thương tâm lý - Ảnh: texty

 

Bảo vệ trẻ khỏi các rủi ro bị lạm dụng

Để đảm bảo trẻ không tiếp tục bị lạm dụng hoặc giảm thiểu các ám ảnh cho trẻ, phụ huynh cần hoàn toàn tách trẻ ra khỏi kẻ thủ ác.

Giải thích cho trẻ hiểu rằng chúng cần báo ngay cho cha mẹ nếu kẻ ấu dâm tìm cách đụng chạm, tiếp xúc hoặc liên hệ dưới bất cứ hình thức nào.

Hãy nhẹ nhàng với trẻ, cho trẻ cảm nhận được rằng bạn tin tưởng và yêu thương chúng. Tuyệt đối đừng đổ lỗi cho trẻ và hãy hỗ trợ, an ủi chúng, nói với trẻ rằng chúng đã được an toàn rồi.

Ngoài ra, phụ huynh cần khéo léo khi đối diện với phản ứng của trẻ sau khi bị lạm dụng tình dục. Hãy trả lời những câu hỏi hoặc cảm xúc của trẻ một cách tế nhị.

Hãy lắng nghe trẻ, để chúng được bộc lộ theo cảm xúc thay vì hỏi quá nhiều chi tiết và buộc chúng phải “khai báo”. Thông thường, các bác sĩ tâm lý sẽ là người hỏi trẻ về tình tiết vụ việc.

Tôn trọng không gian riêng của trẻ, đừng nói với quá nhiều người và cũng đừng nói với trẻ rằng có ai đó đã biết về biến cố.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần cố gắng giữ nguyên các thói quen sinh hoạt trong gia đình như giờ đi ngủ, ăn tối và các quy định, để trẻ tái hoà nhập dễ dàng và không nhận thấy vì mình mà mọi thứ có sự thay đổi lớn.

Nói với các anh chị em của trẻ về biến cố để bọn trẻ thông cảm, che chở, bảo vệ lẫn nhau và cùng học được kỹ năng để tránh bị lạm dụng tình dục.

>> Xem thêm: 7 điều cần làm để bảo vệ con khỏi nạn xâm hại tình dục

BÌNH MINH (tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp