13/11/2022 16:35 GMT+7

Cách cài 'quân xanh' trúng 16 gói thầu của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn

TUYẾT MAI - THÂN HOÀNG
TUYẾT MAI - THÂN HOÀNG

TTO - Theo kết luận điều tra, ngoài việc 'lại quả' hàng chục tỉ đồng cho lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc AIC, còn công phu cài cắm 'quân xanh' để AIC và các công ty do AIC chỉ định trúng 16 gói thầu.

Cách cài quân xanh trúng 16 gói thầu của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Ảnh: AIC

Vậy bà Nhàn đã tiếp cận lãnh đạo tỉnh Đồng Nai như thế nào và việc cài cắm "quân xanh" ra sao?

Cựu bí thư Đồng Nai nhờ bà Nhàn xin vốn trung ương?

Để được tham gia, trúng thầu các gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, từ năm 2003, bà Nhàn đã tiếp cận và đặt mối quan hệ quen biết với ông Trần Đình Thành khi ông đang là phó bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, trong các lần công tác tại Hà Nội.

Đến năm 2007, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn đã đến gặp ông Thành tại phòng tiếp khách của bí thư Tỉnh ủy và nhờ ông Thành mời lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành ăn trưa cùng để giới thiệu Công ty AIC của bà Nhàn và nhờ lãnh đạo tỉnh quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện tham gia các dự án tại tỉnh.

Bà Nhàn đã giới thiệu bà Hoàng Thị Thúy Nga, thời điểm đó là trưởng ban quản lý dự án 1 của Công ty AIC, với ông Thành. Sau đó, bà Nhàn và bà Nga đã nhiều lần gặp gỡ, đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu mua sắm thiết bị tại dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Đến năm 2010, khi bệnh viện chuẩn bị thực hiện các thủ tục để bổ sung danh mục trang thiết bị y tế vào dự án, bà Bồ Ngọc Thu báo cáo ông Thành về việc khó khăn trong nguồn vốn bố trí cho phần thiết bị bổ sung. Ông Thành điện thoại cho bà Nhàn đề nghị giúp Đồng Nai xin vốn trung ương hỗ trợ cho dự án bệnh viện và được bà Nhàn đồng ý.

Trước khi UBND tỉnh ra quyết định bổ sung chi phí trang thiết bị y tế vào dự án (tháng 7-2010), bà Nga đến gặp và mời ông Thành ăn cơm trưa, ông Thành đã điện thoại cho ông Vũ ăn cơm cùng, giới thiệu và giao ông Vũ tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu các gói thầu bán thiết bị cho dự án do Công ty AIC là một công ty lớn, có uy tín, có nhiều mối quan hệ với các ban, ngành ở trung ương, có công xin vốn cho tỉnh.

Đầu năm 2013, khi bệnh viện được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho thuê đơn vị tư vấn điều chỉnh danh mục cho phù hợp với tình hình thực tế, thông qua giới thiệu của bà Nhàn, ông Vũ đã chỉ định Công ty Mediconsult do Nguyễn Thị Dung làm tổng giám đốc ký hợp đồng thực hiện tư vấn điều chỉnh danh mục thiết bị y tế chuyên môn, lập hồ sơ mời thầu (HSMT) và đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT).

Nga chỉ đạo nhân viên Công ty AIC phối hợp với lãnh đạo, nhân viên Công ty Mediconsult làm việc với các phòng, ban của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để từ đó đề xuất các cấp phê duyệt điều chỉnh dự án.

Các hạng mục thiết bị đều do phía Công ty AIC đề nghị, thu thập báo giá gửi cho Công ty Mediconsult làm căn cứ tư vấn cho Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trình UBND tỉnh Đồng Nai điều chỉnh dự án. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định điều chỉnh danh mục thiết bị y tế, quyết định phê duyệt các kế hoạch đấu thầu.

Thao túng giá, nâng khống giá đầu vào 1,3 đến 2 lần

Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, bà Nhàn, bà Nga chỉ đạo nhân viên liên hệ các hãng, các đơn vị cung cấp để thu thập thông tin, giá sản phẩm đầu vào, lợi nhuận dự kiến, làm cơ sở cho bà Nhàn, bà Nga phê duyệt giá đầu ra, bán vào bệnh viện.

Bà Nhàn đề nghị ông Vũ - giám đốc bệnh viện - giới thiệu bà Nga với ông Nguyễn Công Tiến - tổng giám đốc Công ty thẩm định giá Thế Hệ Mới - để cung cấp các báo giá để thẩm định theo giá định hướng của Công ty AIC.

Theo chỉ đạo của bà Nhàn, bà Nga, toàn bộ các báo giá làm căn cứ thẩm định giá đều nâng khống lên từ 1,3 - 2 lần so với giá đầu vào. Từ đó, căn cứ chứng thư thẩm định giá, ông Vũ đại diện chủ đầu tư ký phê duyệt dự toán các gói thầu theo giá đã được Công ty AIC thông đồng với đơn vị thẩm định giá nâng giá, sử dụng làm căn cứ lập và phê duyệt HSMT.

Quá trình tham gia đấu thầu, bà Nhàn chỉ đạo ông Đỗ Văn Sơn - kế toán trưởng và bà Lê Thị Hương - kế toán Công ty AIC - điều chỉnh các thông tin trên báo cáo tài chính bốn năm (từ 2010 đến 2013), tăng hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, tăng vốn chủ sở hữu so với báo cáo tài chính thực tế đã nộp tại Cục Thuế Hà Nội để bà Nhàn ký, đưa vào HSDT, đảm bảo Công ty AIC đủ năng lực tham gia đấu thầu theo quy định của HSMT.

Đồng thời, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới mua HSMT, lập HSDT cho cả công ty "quân chính" và công ty "quân xanh", nhờ nhân viên các công ty nộp HSDT cho đủ số lượng theo quy định.

Thực tế chỉ các công ty được xác định trúng thầu như AIC, BMS, Thành An Hà Nội và TNT thì bộ phận lập hồ sơ đưa ủy quyền bán hàng, bảo hành của hãng vào hồ sơ để đảm bảo trúng thầu, còn các công ty làm "quân xanh" thì nhân viên Công ty AIC làm HSDT không có giấy ủy quyền của hãng, không có bảo hành để không đủ điều kiện trúng thầu.

Công ty AIC và các công ty do AIC chỉ định tham gia 16 gói thầu và trúng toàn bộ 16 gói. Trong đó Công ty AIC đứng tên trúng thầu 12 gói thầu với tổng trị giá 477 tỉ đồng. Còn 4 gói thầu, để tránh việc Công ty AIC trúng tất cả các gói thầu tham gia, bà Nhàn chỉ đạo Nga liên hệ để nhân viên AIC lập hồ sơ cho Công ty Thành An Hà Nội trúng 2 gói thầu, BMS trúng 1 gói, TNT trúng 1 gói.

Sau khi trúng thầu, được chủ đầu tư thanh toán, các công ty trên chuyển tiền lại cho Công ty AÏC, toàn bộ hoạt động giao hàng, quản lý dự án đều do nhân viên của Công ty AIC thực hiện.

Thành lập hệ sinh thái AIC để làm "quân xanh"

Công ty AIC là doanh nghiệp được cổ phần hóa từ Trung tâm xuất khẩu lao động Tralacen trực thuộc Công ty Xây dựng và Thương mại và chuyển thành Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại, do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc (2005 đến tháng 9-2020).

Ngoài Công ty AIC, bà Nhàn còn thành lập, chỉ đạo nhóm các công ty thuộc hệ sinh thái AIC để làm "quân xanh" trong đấu thầu, gồm Công ty MOPHA do bố đẻ của bà Nhàn đứng tên thành lập và bà Nhàn chiếm 70% cổ phần; Công ty CP Thiết bị y tế và môi trường do cháu ruột của bà Nhàn làm tổng giám đốc; Công ty CP tư vấn Công nghệ cao. Hoặc được bà Nhàn thuê làm "quân xanh", báo giá, dự thầu như Công ty TNT, Công ty Thanh An Hà Nội, Công ty BMS, Công ty nha khoa Việt Tiên, Công ty Tâm Hợp…

Chi tiết về những lần nhận hối lộ của các cựu lãnh đạo Đồng Nai Chi tiết về những lần nhận hối lộ của các cựu lãnh đạo Đồng Nai

TTO - Việc đưa hối lộ của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu chủ tịch Công ty AIC, kéo dài trong suốt hơn 10 năm. Chỉ riêng dự án bệnh viện, bà Nhàn hưởng lợi gần 150 tỉ đồng và chi hơn 43 tỉ hối lộ các vị lãnh đạo tỉnh thời điểm đó.

TUYẾT MAI - THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp