PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phát biểu tại cuộc họp chiều 21-3 - Ảnh: Như Hùng |
Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, số lượng thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm nay giảm đi, có nơi giảm 20-30% so với năm trước.
Tuy nhiên, để tổ chức tốt kỳ thi, Bộ GD-ĐT chọn các trường ĐH chủ trì cụm thi là những trường có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức thi, có lực lượng cán bộ dồi dào để thực hiện các khâu tổ chức.
“Địa bàn thực hiện nhiệm vụ được cân nhắc lựa chọn để sự di chuyển của cán bộ coi thi gần nhất. Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đã trao đổi sơ bộ với các trường trước khi quyết định giao nhiệm vụ” - ông Ga cho biết.
70 cụm thi do trường ĐH chủ trì
Năm nay có 70 cụm thi do trường ĐH chủ trì và 50 cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì. Có 14 tỉnh/thành phố chỉ có cụm thi do trường ĐH chủ trì. Số lượng thí sinh ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì ít hơn năm 2015 (do chỉ có số thí sinh của địa phương) và được tổ chức tại tỉnh lỵ.
Năm 2015 cụm thi do trường ĐH chủ trì tổ chức cho thí sinh có ít nhất tại hai tỉnh và đặt tại các trường ĐH chủ trì cụm thi, phần lớn cán bộ làm nhiệm vụ tại chỗ, không phải di chuyển xa, trừ trường hợp của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM di chuyển lên làm nhiệm vụ tại Gia Lai.
Năm 2016, mỗi tỉnh đều có ít nhất một cụm thi ĐH do vậy nhiều trường ĐH phải di chuyển về các tỉnh để tổ chức thi, đặc biệt là các tỉnh ở miền núi phía Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ.
Các trường ĐH chủ trì cụm thi chịu trách nhiệm sao in đề thi (có thể liên hệ với các trường có kinh nghiệm để ký hợp đồng sao in); coi thi; chấm thi, chấm phúc khảo; công bố kết quả thi; in giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh; bảo quản bài thi của thí sinh và các tài liệu liên quan của mội đồng thi; xử lý thắc mắc, khiếu nại của thí sinh.
Trước ngày 20-5, các sở GD-ĐT sẽ chuyển toàn bộ dữ liệu đăng ký dự thi của thí sinh tham dự cụm thi ĐH cho các trường ĐH chủ trì cụm thi.
Sử dụng phần mềm do bộ cung cấp để đánh số báo danh
Các trường ĐH chủ trì cụm thi sử dụng hệ thống phần mềm do bộ cung cấp để đánh số báo danh, xếp sắp phòng thi và hoàn thành giấy báo dự thi theo quy định trong phần mềm quản lý thi để các đơn vị đăng ký dự thi in giấy báo dự thi, ký tên, đóng dấu và trả cho thí sinh xong trước ngày 12-6.
“Các trường phải mở rộng băng thông đường truyền và nâng cấp hệ thống máy tính (nếu cần) phục vụ cho công tác công bố kết quả thi” - thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.
Để thực hiện được các nhiệm vụ được giao, trường ĐH chủ trì cụm thi phải phối hợp chặt chẽ với trường ĐH, CĐ được giao nhiệm vụ phối hợp và sở GD-ĐT ở địa phương: chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ coi thi, chấm thi (các trường có thể chấm thi tại tỉnh hoặc tại trường), in sao đề thi (nếu tổ chức in sao); chuẩn bị lực lượng cán bộ coi thi, chấm thi.
Đối với công tác chấm thi: trường ĐH chủ trì có nhiệm vụ thành lập ban chấm thi, cử lãnh đạo trường làm lãnh đạo ban chấm thi, điều động các giảng viên đủ năng lực và kinh nghiệm làm trưởng môn chấm thi.
Cán bộ chấm thi là cán bộ của các bộ môn cơ bản của trưởng ĐH, CĐ và giáo viên THPT đáp ứng yêu cầu của quy chế thi; số giáo viên chấm thi của sở GD-ĐT không ít hơn 50% tổng số cán bộ chấm thi.
Lệ phí dự thi 35.000 đồng/môn thi/thí sinh Về kinh phí tổ chức kỳ thi, các trường sử dụng từ hai nguồn: phí dự thi của thí sinh 35.000 đồng/môn thi/thí sinh (để lại bộ và sở 16.000 đồng/thí sinh) và kinh phí bổ sung của Chính phủ ở mức 25.000 đồng/môn thi/thí sinh. Chi phí đi lại, ăn ở của cán bộ điều động làm nhiệm vụ tổ chức thi (nếu địa điểm chủ trì cụm thi không phải là địa phương trường có trụ sở chính) do ngân sách nhà nước cấp cho bộ chi trả. Mức chi cho công tác tổ chức thi thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT sau khi trao đổi, thống nhất với Bộ Tài chính. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận