18/06/2019 11:40 GMT+7

Các trường có trách nhiệm giải đáp chi tiết cho thí sinh

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Trong hai ngày 17 và 18-6, Bộ GD-ĐT tổ chức tập huấn phần mềm tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2019 tại TP.HCM cho đại diện hơn 200 trường ĐH phía Nam.

Các trường có trách nhiệm giải đáp chi tiết cho thí sinh - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Dũng Tuấn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - phát biểu tại buổi tập huấn sáng 17-6 - Ảnh: TR.HUỲNH

Theo Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), phần mềm tuyển sinh ĐH-CĐ khá ổn định nhưng trên thực tế vẫn chưa tự động xử lý hết mọi tình huống. 

Ông Phạm Như Nghệ - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - cho biết quy chế tuyển sinh có nhiều điểm buộc phải thay đổi khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH có hiệu lực (từ ngày 1-7). 

Năm 2019, phần mềm đã được hoàn thiện qua việc rút kinh nghiệm năm 2018 và phù hợp với chính sách đã được quy định trong Luật giáo dục ĐH (sửa đổi).

Thí sinh khai sai phải chịu trách nhiệm

Ông Lê Văn Huy - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) - thắc mắc việc trường này có hai phương thức tuyển sinh, gồm tuyển thẳng theo quy định của trường và theo quy định của Bộ GD-ĐT.

"Ví dụ tổng chỉ tiêu của trường là 3.000, trong đó 2.000 dành xét theo kết quả thi THPT quốc gia và 1.000 xét tuyển thẳng của trường. Nếu giả sử đến ngày 23-7 chỉ có 200 thí sinh nhập học, như vậy chỉ tiêu tuyển sinh riêng của trường còn 800 nữa. 

Khi đó, trên phần mềm của Bộ GD-ĐT có tự động chuyển phần dư số chỉ tiêu xét tuyển thẳng của trường sang chỉ tiêu xét kết quả thi THPT? Nếu không chuyển được, trường sẽ tuyển không đủ chỉ tiêu và nhà trường tự chuyển phần chỉ tiêu này qua thì phần mềm sẽ báo động vì vượt quá 5% chỉ tiêu theo quy định" - ông Huy băn khoăn.

Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên viên chính Vụ Giáo dục ĐH - giải đáp trong trường hợp vì lý do nào đó trường không tuyển đủ chỉ tiêu trong tình huống này, hiện nay phần mềm không tự động chuyển số chỉ tiêu còn thiếu của trường sang số chỉ tiêu xét bằng điểm thi THPT quốc gia. 

Tuy nhiên, nhà trường có thể báo cáo lại với bộ điểm điều chỉnh. Nếu trường không báo kịp mà tự chuyển số chỉ tiêu này sang thì phần mềm cũng báo, bộ cũng biết điều này, khi đó chúng tôi sẽ kiểm tra và cho ý kiến.

Đại diện Trường ĐH Đà Lạt đặt câu hỏi: "Trong quá trình xét tuyển có một số tình huống xảy ra như thông tin ưu tiên về khu vực, nguyện vọng thí sinh khai sai, bộ có hướng dẫn xử lý thế nào?". 

Theo ông Hùng, tình trạng này xảy ra rất nhiều trong các năm trước. Lỗi sai này có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, khi thí sinh đăng ký dự thi khai thông tin đúng nhưng cán bộ nhập dữ liệu ở các điểm đăng ký dự thi nhập sai (ví dụ thí sinh thuộc khu vực 2 nhưng nhập khu vực 3). Thứ hai, bản thân thí sinh hiểu sai nên khai thông tin sai lệch về khu vực và đối tượng.

"Nguyên tắc lỗi do thí sinh gây ra thì các em phải chịu trách nhiệm. Còn nếu lỗi do cán bộ nhập liệu sai, bộ sẽ yêu cầu địa phương báo cáo giải trình trên nguyên tắc đảm bảo đúng quyền lợi của thí sinh" - ông Hùng lưu ý.

Ông Phạm Văn Lương - chuyên viên chính Vụ Giáo dục ĐH - cho biết thêm trên hệ thống phần mềm có thể tự động kiểm tra xác định khu vực ưu tiên của thí sinh đang học THPT nhưng không thể kiểm tra được thông tin đối tượng ưu tiên. 

Vì vậy, công tác phối hợp giữa trường phổ thông, sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT, trường ĐH là rất quan trọng để xác định đúng thông tin, đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Muốn học ĐH lại phải được trường đang học cho phép

Ông Nguyễn Dũng Tuấn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết tại trường ông cũng như các trường khác có đào tạo một số ngành không "hot" nên có tình trạng thí sinh trúng tuyển nhập học, sau đó tiếp tục thi lại và đậu ngành y đa khoa.

"Trong trường hợp này, sinh viên có phải làm đơn xin thôi học ngành mình đang học? Phần mềm của bộ có phát hiện việc thí sinh trúng tuyển đang là sinh viên của một ngành khác hoặc trường khác?" - ông Tuấn thắc mắc.

Về việc này, lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH giải đáp theo quy chế đào tạo, một sinh viên đang học tại một trường ĐH nào đó muốn thi lại để xét tuyển vào ngành khác, trường khác bắt buộc phải xin phép và được sự đồng ý của lãnh đạo trường sinh viên đang theo học.

Bà Lê Thị Phương Ngọc - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khánh Hòa - cũng thắc mắc việc năm ngoái có hai thí sinh ở tỉnh Ninh Thuận đăng ký xét tuyển nhầm vào ngành sư phạm của trường và đã trúng tuyển. Trong khi với ngành sư phạm, nhà trường chỉ được tuyển thí sinh có hộ khẩu trong tỉnh. Nhà trường đã báo cáo việc này ra Bộ GD-ĐT, không biết đã được xem xét chưa?

Ông Phạm Văn Lương cho hay những năm trước có tình trạng những trường tuyển sinh theo vùng tuyển. Các trường cũng rất vất vả để xử lý tình huống thí sinh ngoài vùng tuyển đăng ký vào trường. 

Vì vậy, trong hệ thống đã hỗ trợ khi khai báo ngành, vùng tuyển... Thí sinh đăng ký dự thi nếu không đúng thì phần mềm sẽ báo ngay nguyện vọng không hợp lệ. Tuy nhiên, cán bộ tuyển sinh của trường phải thực hiện thao tác này, nếu bỏ qua vẫn có sai sót xảy ra. 

"Đề nghị các trường phải hết sức thận trọng khi xử lý các thông tin khai báo ngành, vùng tuyển đều rất quan trọng, phải khai báo đúng thì khâu xét tuyển mới chính xác" - ông Lương nói.

Phải có trách nhiệm thông tin chi tiết cho thí sinh

Theo thống kê, năm nay có 2.575.305 lượt nguyện vọng và có khoảng 140 tổ hợp xét tuyển vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên, thí sinh chủ yếu đăng ký xét tuyển ở 5 tổ hợp truyền thống là A00, B00, C00, D01, A01 với trên 90%, trong khi hơn 130 tổ hợp còn lại chỉ chiếm khoảng 7%. Do đó, nhiều người băn khoăn các trường sử dụng các tổ hợp xét tuyển lạ cũng không đáng ngại vì thí sinh đăng ký rất ít.

Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường trong thời gian tới tiếp tục tăng cường giải đáp thắc mắc cho thí sinh. Khi thí sinh có kết quả thi, thực hiện điều chỉnh nguyện vọng phải giải đáp cặn kẽ. Thí sinh và những ai có nhu cầu tìm hiểu thông tin tuyển sinh của từng trường cần tìm hiểu kỹ trên website các trường, vì thông tin trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT không thể đăng tải đầy đủ được. Các trường phải có trách nhiệm thông tin chi tiết cho thí sinh.

Dừng công bố đề án tuyển sinh nhiều trường đại học

TTO - Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết đã tạm dừng công bố đề án tuyển sinh của các trường đại học dùng cử nhân dạy đại học hoặc cung cấp thông tin giảng viên cơ hữu 'ảo' mà Tuổi Trẻ phản ảnh.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp