21/12/2020 12:16 GMT+7

Các tỉnh miền Tây chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 14

KHẮC TÂM - NGỌC TÀI - MẬU TRƯỜNG - CHÍ QUỐC
KHẮC TÂM - NGỌC TÀI - MẬU TRƯỜNG - CHÍ QUỐC

TTO - Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 14 có thể ảnh hưởng các tỉnh miền Tây Nam bộ. Sáng 21-12, các địa phương đã đồng loạt đưa ra phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới.

Các tỉnh miền Tây chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 14 - Ảnh 1.

Ngành nông nghiệp huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre khuyến cáo người dân xếp hoa lại gần nhau để hạn chế thiệt hại do áp thấp nhiệt đới - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Sóc Trăng: Không cho phép tàu xuất bến từ 10h ngày 21-12

Sáng sớm nay, Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng đã thành lập đoàn kiểm tra tại thị xã biển Vĩnh Châu. Ông Phạm Tấn Đạo - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng - cho biết do đê biển Vĩnh Châu nối Bạc Liêu đang thi công, nếu áp thấp nhiệt đới vào, triều cường dâng cao sẽ gây thiệt hại nặng. 

"Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị thi công chạy đua với thời gian, khẩn trương hoàn thiện những đoạn xung yếu hoặc tập kết thiết bị, máy móc thi công vào nơi an toàn, tránh thiệt hại", ông Đạo nói.

Ông Đạo cho biết tính đến 5h ngày 21-12, Sóc Trăng có 438 tàu ghe với 2.304 thuyền viên đang hoạt động trên biển. 

"Tất cả thuyền viên ngoài khơi đã nắm bắt thông tin, diễn biến, hướng di chuyển của bão 14. Chúng tôi đang kêu gọi tàu đánh bắt hải sản nằm trong phạm vi ảnh hưởng của bão (và áp thấp nhiệt đới) tìm nơi trú ẩn an toàn. Sóc Trăng không cho phép các tàu khai thác xuất bến kể từ 10h ngày 21-12", ông Đạo cho biết.

Ông Trần Hoàng Thắng - chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu - cho biết đã chỉ đạo Đài truyền thanh phát thông tin liên tục diễn biến bão 14, hướng dẫn các biện pháp chằng chống nhà cửa, bảo vệ mùa màng. "Tâm lý bà con thường chủ quan nên chính quyền phải nhắc nhở nhằm chủ động ứng phó", ông Thắng cho hay.

Theo ông Thắng, thời điểm này diện tích tôm đã thu hoạch nên không có gì đáng ngại. "Lo nhất là diện tích trồng hành tím cho vụ tết. Cây hành khá nhạy với mưa bão, chỉ cần mưa chụp vài lần coi như bà con mất trắng", ông Thắng lo ngại.

Diện tích trồng hành tím của thị xã Vĩnh Châu lớn nhất miền Tây, khoảng 6.500ha, hiện đã xuống giống trên 2.000ha.

Ông Thắng cho biết thị xã thành lập đoàn kiểm tra hệ thống cống, đập ven sông ven biển để vận hành hợp lý khi có mưa nhiều. "Ưu tiên vẫn là tính mạng con người. Chúng tôi đang theo dõi sát sao, nếu diễn biến phức tạp sẽ tính đến phương án sơ tán dân", ông Thắng nói.

Các tỉnh miền Tây chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 14 - Ảnh 2.

Nông dân trồng hành tím Vĩnh Châu phập phồng khi nghe tin bão đến - Ảnh: K.T.

Bến Tre, Đồng Tháp: Lên phương án bảo vệ hoa tết

Bà Nguyễn Thị Ngọc - trưởng Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, Đồng Tháp - cho biết trước tình hình bão số 14 và áp thấp nhiệt đới, phòng đã tham mưu UBND TP phát hành công văn đến các xã, phường nhất là những khu vực trồng hoa kiểng phục vụ tết.

"Bà con đã có sự chuẩn bị như trồng hoa trên giàn, dùng lưới che chắn, nếu trồng đất đều có hệ thống thoát nước tốt. Khi bão cận kề UBND TP sẽ vận động, tuyên truyền để người trồng hoa thường xuyên ở nhà, chằng, néo nhà cửa, vườn, hạn chế tối đa thiệt hại", bà Ngọc cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng Võ Kha, hiện đang trồng 10.000 giỏ hoa tết, cho biết vài chục năm trở lại đây không có bão lớn đổ bộ vào làng hoa nên người trồng hoa cũng chưa có nhiều kinh nghiệm. Trường hợp mưa lớn kéo dài như vừa rồi người trồng hoa sẽ "nhẹ nhàng" vượt qua vì không sợ ngập úng diện rộng. Riêng hoa kiểng chủ vườn chỉ cần tăng sức chống chịu cho cây để hạn chế sâu bệnh và đổ ngã. 

"Vườn của tui đều trồng trên giàn, phần lớn có che lưới. Giờ cần chằng, néo với gia cố giàn hoa liền", ông Kha chia sẻ.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre - cho biết ngành nông nghiệp tỉnh đã đưa ra khuyến cáo với người dân trồng hoa về phương án ứng phó với cơn bão số 14.

"Với những hoa treo giàn, chúng tôi đã hướng dẫn người dân hạ xuống thấp, còn những giống hoa trồng trong chậu, dưới thấp thì xếp lại gần nhau để hạn chế bị gió quật", ông Liêm cho biết thêm.

Các tỉnh miền Tây chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 14 - Ảnh 3.

Nhà vườn trồng hoa ở TP Sa Đéc đa phần đều trồng hoa trong chậu, trên giàn cao hạn chế ngập úng nếu có mưa to kéo dài - Ảnh: K.PHAN

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, tính đến 10h ngày 21-12, tổng số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 371 tàu với 2.875 người và lực lượng biên phòng đã liên lạc được 100% số tàu, thuyền này. Hiện tại đã có 766 tàu với hơn 4.000 người đang neo đậu tại bến.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu yêu cầu nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi hoạt động trên biển để phòng tránh bão số 14 bắt đầu từ 15h ngày 21-12 cho đến khi có bản tin cuối cùng về cơn bão.

Các tỉnh miền Tây chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 14 - Ảnh 4.

Nhà vườn trồng hoa ở TP Sa Đéc đa phần đều trồng hoa trong chậu, trên giàn cao hạn chế ngập úng nếu có mưa to kéo dài - Ảnh: K.PHAN

Bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, miền Nam mưa Bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, miền Nam mưa

TTO - Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 14) di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km với sức gió mạnh nhất cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

KHẮC TÂM - NGỌC TÀI - MẬU TRƯỜNG - CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp