Hình ảnh nhóm củi đốt lửa sưởi ấm xuất hiện ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội trong đợt không khí lạnh, rét đậm, rét hại này - Ảnh: XUÂN LONG
Trước đợt rét đậm, rét hại nhất từ đầu mùa đông, nhiều tỉnh thành đã phải chỉ đạo ứng phó khẩn cấp.
Hạn chế họp và các nghi lễ để chống rét
Để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất với người, vật nuôi, hoa màu, chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương trong tỉnh chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp bảo vệ sức khỏe của người dân và phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi.
Tỉnh Lào Cai cũng giao cá nhân lãnh đạo các đơn vị phải có trách nhiệm xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp chống rét.
Riêng Sở Y tế, UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu phải sẵn sàng các điều kiện đảm bảo phòng chống rét cho người bệnh trong thời gian khám, điều trị. Đồng thời bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu do gặp thời tiết rét lạnh.
Ngoài ra, các ngành chủ động dự trữ thức ăn cho vật nuôi và tăng cường khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi để chống rét và dịch bệnh; dự trữ chất đốt để sưởi ấm cho vật nuôi trong những ngày rét đậm, rét hại, sương muối, băng giá, mưa tuyết.
Kiên quyết không để người dân thả rông gia súc, vật nuôi trong những ngày dưới 13 độ C.
Đặc biệt, trong tình hình thời tiết chuyển rét đột ngột và sâu, UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, giám đốc các sở, ngành, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hạn chế tổ chức hoặc dự các cuộc họp không cần thiết mang tính nghi lễ, đi công tác ngoài tỉnh để tập trung đi kiểm tra, nắm bắt tình hình, phối hợp chỉ đạo công tác phòng, chống rét.
Cán bộ thú y ở cơ sở phải đến từng nhà dân kiểm tra công tác phòng chống rét cho gia súc, gia cầm; hướng dẫn người dân cách phòng chống rét cho trâu bò như nấu cháo cám bổ sung thức ăn, che chắn chuồng trại, lót rơm dưới nền, đốt lửa sưởi ấm cho trâu bò khi nhiệt độ xuống quá thấp...
Bảo vệ sức khỏe người già và trẻ em
Ông Hoàng Phúc Lâm - trưởng Phòng dự báo khí tượng hạn vừa hạn dài, Trung tâm Dự dự báo khí tượng thủy văn trung ương - cho biết đợt rét đậm, rét hại này có nhiều yếu tố "đặc biệt".
"Những đợt rét đậm, rét hại trước thường rét chủ yếu vào ban đêm. Còn đợt rét đậm, rét hại này nhiệt độ ban ngày và ban đêm xấp xỉ như nhau, trời không nắng kèm theo mưa nhiều" - ông Lâm phân tích.
Đáng lưu ý nhất đây là đợt rét đậm, rét hại có nhiều yếu tố bất lợi cho sức khỏe khi nhiệt độ giảm sâu cả ban ngày lẫn ban đêm.
"Đối tượng dễ bị tổn thương là người già, trẻ em. Đặc biệt các em học sinh đến trường vào đầu giờ sáng hằng ngày. Chúng tôi khuyến cáo mọi người cần mặc ấm khi phải ra ngoài đường", ông Lâm nói.
Ngoài ra, lưu ý người dân cần chủ động điều chỉnh "nhịp" sinh hoạt so với ngày thường, hạn chế tập thể dục vào sáng sớm.
Theo ông Trần Minh Điển - phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương - những ngày lạnh giá vừa qua, lượng bệnh nhi đến khám có giảm do những trường hợp cần đến khám định kỳ hoãn lại vì e ngại thời tiết, chỉ còn những cháu bé bệnh nặng đến bệnh viện.
Hai chứng bệnh thường gặp nhất trong những ngày này là viêm đường hô hấp và viêm phổi do virút rota.
Với người lớn tuổi, các bác sĩ cũng khuyến cáo mặc đủ ấm, đội mũ, giữ ấm tay và chân, những người bệnh tim mạch và huyết áp cần cảnh giác, tránh thay đổi thời thời tiết đột ngột, tránh tắm và gội chung một thời điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận