Các phi công của không quân Indonesia trên máy bay CN235 đi tìm máy bay AirAsia mất tích - Ảnh: Reuters |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một phi công có hơn 20 năm làm cơ trưởng và là chuyên gia hàng không có uy tín ở VN cho biết vụ máy bay của AirAsia nghi ngờ rơi tại Indonesia có nét tương đồng với vụ tai nạn máy bay của Hãng hàng không Air France rơi ở Đại Tây Dương tháng 6-2009.
Vị cơ trưởng này cho biết đã theo dõi thông tin về chuyến bay của Hãng AirAsia trên các kênh truyền thông và cho rằng máy bay này có thể bị rơi do ảnh hưởng của thời tiết xấu.
Theo ông, mùa này thời tiết trên chặng bay từ Indonesia sang Singapore thường có mưa lớn, dông bão và nhiều đám mây tích điện. Các đám mây tích điện này thường gây nhiễu loạn các thiết bị của máy bay, gián tiếp làm phi công không điều khiển máy bay một cách thuận lợi nhất.
Theo kinh nghiệm của ông, trong những tình huống gặp mây tích điện thì cần cho máy bay bay vòng qua tránh đám mây với khoảng cách tối thiểu là 20 dặm chứ không bay lên trên hoặc chui xuống dưới đám mây.
Khi máy bay bay lên cao hơn độ cao 32.000 dặm vận tốc bay sẽ không nhanh bằng ở độ cao này, hơn nữa ở rìa mây tích điện trong khoảng 5.000 dặm tính từ đỉnh đám mây, máy bay vẫn sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ đám mây.
Bản thân đám mây tích điện không ảnh hưởng đến máy bay mà các nhiễu động, gió xoáy... có thể làm máy bay lao xuống với vận tốc lớn, trong khi phi công mất bình tĩnh, luống cuống lại muốn điều khiển máy bay lên cao nhưng không điều khiển được vì các hệ thống trong máy bay đã bị rối loạn nên xảy ra tình trạng thất tốc (mất tốc độ) làm máy bay rơi.
Phi công này cho biết hệ thống thiết kế của máy bay Airbus được tự động hóa rất nhiều, máy bay cũng tương đối nhẹ hơn dòng máy bay cùng loại, khi điều khiển phi công luôn có cảm giác thật hơn nên trong trường hợp máy bay của AirAsia rơi đã tạo cho phi công cảm giác máy bay đang rơi rất thật, do đó có thể làm phi công không còn bình tĩnh để xử lý theo đúng hướng dẫn an toàn để thoát khỏi tình huống nguy hiểm.
Cũng có thể máy bay đã bị khủng bố, những tên khủng bố đã lọt được vào buồng lái và yêu cầu phi công điều khiển máy bay rơi xuống. Trong trường hợp này, nếu may mắn phi công chỉ còn kịp gửi tín hiệu máy bay bị khủng bố xuống mặt đất trước khi lao xuống biển cùng toàn bộ hành khách và phi hành đoàn.
Mọi chuyện, theo vị phi công này, hoàn toàn có thể giải đáp rõ ràng khi lấy được dữ liệu từ hộp đen máy bay và thiết bị an toàn trên chuyến bay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận