15/10/2021 10:36 GMT+7

Các tỉnh bắt đầu điều chỉnh việc đi lại sau nghị quyết 128

MAI VINH - HÀ QUÂN - BỬU ĐẤU - ĐỨC TRONG - BÙI LIÊM - NHẬT LINH
MAI VINH - HÀ QUÂN - BỬU ĐẤU - ĐỨC TRONG - BÙI LIÊM - NHẬT LINH

TTO - 6 tỉnh Lâm Đồng, Bắc Giang, Sơn La, An Giang, Bình Phước và Thừa Thiên Huế cùng TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) đã có văn bản hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo nghị quyết 128 của Chính phủ.

Các tỉnh bắt đầu điều chỉnh việc đi lại sau nghị quyết 128 - Ảnh 1.

Lâm Đồng vừa đón 3.000 người về lại địa phương và đang cho cách ly tập trung - Ảnh: M.VINH

Lâm Đồng bỏ cách ly tập trung người đến từ vùng nguy cơ cao dù chưa tiêm vắc xin

Ngày 15-10, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", trong đó cho phép cách ly, theo dõi y tế tại nhà đối với người đến từ vùng nguy cơ cao.

Theo đó, tỉnh Lâm Đồng cho phép người đến từ các tỉnh, thành khác thuộc khu vực cấp 1, cấp 2 được vào địa phương và không phải thực hiện cách ly tập trung.

Đối với người đến từ khu vực nguy cơ cao (cấp 3, cấp 4) được cách ly tại nhà nếu đảm bảo một số điều kiện.

Cụ thể:

- Người đến/về tỉnh Lâm Đồng từ khu vực cấp 4 khi đi qua chốt kiểm soát phải có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực. Trường hợp phát hiện dương tính với COVID-19 thì xử trí theo quy định.

- Thực hiện nghiêm thông điệp 5K.

- Khai báo y tế trung thực và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh do khai báo không trung thực.

Đối với người đến làm việc tại tỉnh Lâm Đồng:

- Hạn chế tối đa tiếp xúc với người xung quanh, chỉ làm việc, tiếp xúc với các tổ chức, cá nhân cần thiết; hạn chế việc di chuyển nhiều địa điểm khi không cần thiết.

- Thông báo ngay cho cơ quan y tế trên địa bàn trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác…

Các tỉnh bắt đầu điều chỉnh việc đi lại sau nghị quyết 128 - Ảnh 2.

Người dân Lâm Đồng đã bắt đầu về lại địa phương từ đầu tháng 10, hiện đang cách ly tập trung - Ảnh: M.VINH

Đối với người đến/về tỉnh Lâm Đồng từ khu vực cấp 1, cấp 2 thực hiện nghiêm 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của địa phương.

Đối với người đến/về tỉnh Lâm Đồng từ khu vực cấp 3, cấp 4:

* Đã tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19:

- Thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày.

- Xét nghiệm PCR hoặc test nhanh mẫu đơn 1 lần vào ngày thứ nhất.

* Tiêm chưa đủ liều vắc xin COVID-19:

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo.

- Xét nghiệm PCR hoặc test nhanh mẫu đơn 2 lần: ngày đầu, ngày thứ 7.

* Chưa tiêm vắc xin COVID-19:

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày và tự theo dõi sức khỏe 14 ngày tiếp theo.

- Xét nghiệm PCR hoặc test nhanh mẫu đơn 3 lần: ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 14.

Các tỉnh bắt đầu điều chỉnh việc đi lại sau nghị quyết 128 - Ảnh 3.

Người dân đi/đến tỉnh Bắc Giang, Sơn La từ vùng xanh, vàng, cam vẫn phải tuân thủ thông điệp 5K - Ảnh: CHÍ TUỆ

Bắc Giang, Sơn La không yêu cầu giấy xét nghiệm COVID-19 với người từ vùng xanh, vàng, cam

Tại Bắc Giangngười đến hoặc về tỉnh Bắc Giang từ vùng xanh (cấp 1), vùng vàng (cấp 2), vùng cam (cấp 3) không phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2, không lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 khi vào tỉnh. 

Tuy nhiên, trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở, mất khứu giác, đau đầu… vẫn phải lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 theo quy định.

Tỉnh Bắc Giang khuyến cáo người dân nghiêm chỉnh thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Trong khi đó, trường hợp người nhập cảnh đã tiêm 2 mũi vắc xin hoặc người đã điều trị khỏi COVID-19 vẫn phải thực hiện cách ly tập trung 7 ngày và test RT-PCR 3 lần, sau đó tự cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày tiếp theo và kết thúc bằng test COVID-19 vào ngày cuối cùng. Trường hợp còn lại cách ly 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR ít nhất 3 lần và thực hiện cách ly sau đó theo quy định.

Theo bản đồ cập nhật vùng dịch COVID-19 của tỉnh Bắc Giang tới 8h sáng 15-10, TP Hà Nội đã cập nhật đa số các quận huyện là vùng xanh, còn một số khu vực vùng vàng, cá biệt một số nơi vẫn là vùng đỏ. Sở Y tế Bắc Giang đang tiếp tục cập nhật đầy đủ các vùng xanh lên bản đồ để người dân tiện theo dõi tại địa chỉ https://syt.bacgiang.gov.vn/.

Tại Sơn La, tỉnh này chỉ yêu cầu người đến hoặc trở về Sơn La từ vùng xanh (cấp 1), vùng vàng (cấp 2), vùng cam (cấp 3) khai báo y tế, quét QR Code theo quy định. Người đến/trở về từ vùng đỏ (cấp 4) phải khai báo y tế và có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ   

Người đến từ vùng đỏ (cấp 4) kể cả tiêm 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 hay khỏi bệnh COVID-19 trong 6 tháng thì vẫn phải theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú trong 7 ngày và xét nghiệm 2 lần bằng test nhanh/RT-PCR, tuân thủ 5K suốt quá trình trên. 

Người đến/về từ vùng cam (cấp 3) thì khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 thì phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú trong 7 ngày và tuân thủ 5K trong suốt quá trình trên. Người chưa tiêm hoặc mới tiêm 1 liều vắc xin thì tự cách ly tại nhà/nơi lưu trú trong 7 ngày, sau đó tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và xét nghiệm 2 lần bằng test nhanh/RT-PCR.

Tỉnh Sơn La cũng cho biết tỉnh này test nhanh/RT-PCR miễn phí với các trường hợp đến/trở về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An cho đến khi có thông báo mới.

Các tỉnh bắt đầu điều chỉnh việc đi lại sau nghị quyết 128 - Ảnh 4.

Chốt T2 kiểm tra nhận diện xe luồng xanh vào tỉnh An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU

Ra khỏi tỉnh An Giang phải có đơn, khi về phải theo dõi sức khỏe 2 tuần

Ngày 15-10, ông Trần Anh Thư - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - ký văn bản quy định tạm thời về quản lý người dân đi, đến các tỉnh, thành. Đặc biệt, người ra khỏi tỉnh phải có đơn.

Theo đó, tài xế và người đi cùng (nếu có) phải đảm bảo cam kết và có đơn đăng ký di chuyển (có thể đánh máy hoặc viết tay) gửi cơ quan có thẩm quyền. 

Trong đơn nêu rõ là người điều trị khỏi bệnh COVID-19 dưới 180 ngày (có giấy chứng nhận xuất viện sau điều trị) hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã tiêm 1 mũi ít nhất 14 ngày (có giấy xác nhận tiêm chủng) hoặc chưa tiêm, có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng thể có giá trị trong 24h hoặc xét nghiệm RT-PCR có giá trị trong vòng 72h (kể từ thời điểm lấy mẫu).

Các giấy tờ chứng minh mục đích di chuyển. Khi di chuyển phải khai báo y tế đầy đủ và thực hiện đúng mục đích di chuyển theo nội dung đơn đăng ký. Nêu cụ thể phương tiện di chuyển, biển số xe.

"Giao chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tiếp nhận đơn đăng ký di chuyển, xem xét và có văn bản chấp thuận hỗ trợ, tạo điều kiện cho công dân đang tạm trú, cư trú; các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương được di chuyển ra khỏi tỉnh (kể cả quay trở lại địa phương)", văn bản nêu.

Yêu cầu các sở, ngành tỉnh xem xét và có văn bản cho phép di chuyển ra ngoài tỉnh, đảm bảo các quy định phòng chống dịch khi đi, về lại địa phương theo quy định đối với cán bộ, công chức, người lao động công tác tại đơn vị.

Đối với các tổ chức, cá nhân đến An Giang với mục đích công tác, làm việc, học tập, đầu tư, kinh doanh… phải xuất trình thư mời, kế hoạch công tác, chương trình làm việc tại tỉnh (hoặc văn bản chấp thuận của UBND tỉnh, thành phố nơi đi cho phép đến An Giang).

Đối với cán bộ trong cơ quan nhà nước và công dân đang làm việc tại An Giang đi ra ngoài tỉnh với mục đích công vụ, kinh doanh, học tập, điều trị bệnh, trở về gia đình, các công việc đột xuất khác và quay trở về tỉnh An Giang phải theo dõi sức khỏe tại nhà 2 tuần.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Học - cán bộ hưu trí TAND tỉnh An Giang - nói: "Theo tôi, trước tiên xóa bỏ chốt chặn liên huyện để tạo điều kiện cho bà con đi lại, phục hồi sản xuất theo nghị quyết 128. Còn người dân ra khỏi tỉnh không cần phải làm đơn vì nó sai với luật cư trú hiện hành. Khi họ đi đến đâu đều có giấy tờ nhân thân rõ ràng, tại sao phải làm đơn".

Các tỉnh bắt đầu điều chỉnh việc đi lại sau nghị quyết 128 - Ảnh 5.

Chốt kiểm soát dịch cửa ngõ Lê Duẩn - Trường Chinh của TP Phan Thiết, Bình Thuận đã gỡ bỏ từ sáng 15-10 - Ảnh: ĐỨC TRONG

Phan Thiết gỡ bỏ nhiều chốt kiểm soát dịch cửa ngõ

Từ sáng 15-10, nhiều chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở những cửa ngõ ra vào trung tâm TP Phan Thiết, Bình Thuận gỡ bỏ, người dân vui mừng qua lại dễ dàng sau nhiều tháng.

Theo ông Nguyễn Nam Long - phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết, có 8 chốt kiểm soát dịch được gỡ bỏ vào sáng cùng ngày như Lê Duẩn - Trường Chinh, Đặng Văn Lãnh - Trường Chinh, vòng xoay Bắc Phan Thiết,… Đây là những chốt lớn, đặt ở cửa ngõ ra vào trung tâm TP Phan Thiết để kiểm soát người và xe cộ trong tình hình dịch bệnh ở địa phương còn diễn biển phức tạp.

Anh Nguyễn Quốc Phong cho biết gia đình đang sinh sống ở trung tâm thành phố nhưng có nhiều người thân ở xã vùng ven nên phải thường xuyên qua lại. Mỗi lần qua lại chốt phải có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính, mặc dù cùng TP Phan Thiết.

Khi nghe tin địa phương đã gỡ chốt, gia đình anh Phong vui mừng vì đã qua lại dễ dàng hơn.

Các tỉnh bắt đầu điều chỉnh việc đi lại sau nghị quyết 128 - Ảnh 6.

Chốt kiểm soát dịch tại cầu Trần Hưng Đạo của TP Phan Thiết vẫn duy trì để kiểm soát người dân qua lại giữa các vùng nguy cơ cao và nguy cơ thấp - Ảnh: ĐỨC TRONG

Ông Nam Long cho biết thêm hiện các chốt kiểm soát ở những phường - xã đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 tại địa phương vẫn tiếp tục duy trì vì là những nơi có nguy cơ cao.

Cụ thể như các chốt đặt ở khu vực các cầu Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Dục Thanh… Những chốt này kiểm soát người dân qua lại sông Cà Ty vì hai bên cầu đang là những vùng có cấp độ dịch khác nhau.

Hiện UBND TP Phan Thiết đang hoàn thiện phương án để có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn.

Các tỉnh bắt đầu điều chỉnh việc đi lại sau nghị quyết 128 - Ảnh 7.

Người dân đến một Phòng khám đa khoa tư nhân Tâm Đức ở phường Tân Xuân (TP Đồng Xoài, Bình Phước) khám sàng lọc test nhanh COVID-19 để phòng, chống dịch - Ảnh: BÙI LIÊM

Bình Phước: Hàng quán được mở bán tại chỗ từ 0h ngày 16-10

Thông tin từ UBND tỉnh Bình Phước cho hay ngày 15-10, chủ tịch UBND tỉnh ký công văn quy định tạm thời các hoạt động kinh tế - xã hội gắn với phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho phép hàng quán được bán tại chỗ; chợ truyền thống, vé số dạo... được hoạt động trở lại sau hơn 3 tháng tạm ngưng.

Bà Trần Tuệ Hiền, chủ tịch UBND tỉnh, cho biết hiện nay tỉ lệ bao phủ vắc xin của tỉnh còn thấp. Theo phân loại đánh giá cấp độ dịch của Bộ Y tế, các đơn vị hành chính cấp xã của Bình Phước đang ở mức nguy cơ trung bình (vàng) trở lên. 

Do đó tỉnh quy định tạm thời các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh gắn với phòng, chống dịch COVID-19 từ 0h ngày 16-10 cho đến khi có thông báo mới.

Cụ thể, từ thời điểm trên đối với quán cà phê, giải khát, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ khách tại chỗ với quy mô tối đa 50% số chỗ ngồi, không bố trí phòng kín máy lạnh, giữ khoảng cách tối thiểu 2m hoặc phải có vách ngăn. Khuyến khích sử dụng dịch vụ trực tuyến, giao hàng tận nơi.

Đối với khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được hoạt động không quá 50% công suất.

Các chợ truyền thống, bán hàng rong, vé số dạo, thi công xây dựng được hoạt động trở lại.

Giao thông công cộng nội tỉnh gồm: xe khách tuyến cố định, xe buýt, taxi, xe đưa rước công nhân, học sinh, xe hợp đồng được hoạt động với 50% số chỗ ngồi.

Các hoạt động hội họp, sự kiện, các nghi lễ tôn giáo và các hoạt động khác tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự không được tập trung quá 30 người.

Đối với đám cưới, đám tang tổ chức không quá 30 người trong cùng một thời điểm và có sự giám sát của UBND cấp xã.

Hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng; di tích lịch dử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tàng, thư viện, nhà truyền thống… được hoạt động nhưng hạn chế số lượng khách cùng một thời điểm không quá 50 người đdối với hoạt động ngoài trời, không quá 30 người trong hội trường.

Hoạt động tại các vùng cam, đỏ: giao UBND cấp huyện quyết định linh hoạt, phù hợp với thực tiễn địa phương, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch COVID-19.

Tỉnh Bình Phước có hơn 1 triệu dân, đến nay đã tiêm cho hơn 30% dân số trong khoảng 700.000 người trên 18 tuổi.

Đến chiều 15-10, Bình Phước có 1.496 ca mắc, trong đó đã xuất viện 1.302 ca, 181 ca đang điều trị và 13 ca tử vong.

Các tỉnh bắt đầu điều chỉnh việc đi lại sau nghị quyết 128 - Ảnh 8.

Thừa Thiên Huế chỉ yêu cầu giấy xét nghiệm PCR với người đến từ vùng đỏ, cam - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Thừa Thiên Huế chỉ yêu cầu giấy xét nghiệm PCR với người đến từ vùng đỏ, cam

Chiều 15-10, ông Nguyễn Thanh Bình, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết tỉnh vừa ban hành một số hướng dẫn về quản lý người từ nơi khác về địa phương.

Theo đó từ 0h ngày 16-10, người về Huế từ vùng xanh (cấp độ 1) được khuyến cáo có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ (không bắt buộc); thực hiện khai báo y tế, quét mã QR; tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về đến địa phương; xét nghiệm sàng lọc theo kế hoạch của cơ quan y tế.

Người từ vàng (cấp 2) về Huế cũng được yêu cầu tương tự như người từ vùng xanh về. Tuy nhiên với người được tiêm 2 mũi vắc xin hoặc có giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 thì cách ly tại nhà 7 ngày. Với người chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì phải tự cách ly 7 ngày tại nhà và sau đó theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày.

Vời người đến từ vùng đỏ, cam khi về Huế được yêu cầu có giấy xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ. Đồng thời trong quá trình cách ly, theo dõi sức khỏe sau đó sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm PCR và test nhanh.

Với người về từ vùng cam (cấp 3) tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc khỏi bệnh thì sẽ cách ly tại nhà 7 ngày, theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày sau đó. Với người chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì cách ly tại nhà 14 ngày, theo dõi sức khỏe 14 ngày sau đó.

Với người về từ vùng đỏ (cấp 4) tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc khỏi bệnh thì cách ly tại nhà 7 ngày, theo dõi sức khỏe 7 ngày sau đó. Với người tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin thì sẽ cách ly tập trung 14 ngày và tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày sau đó.

Kể từ ngày 15-10, người dân vào tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ cần khai báo y tế trực tuyến tại các chốt kiểm soát, không cần sự phê duyệt của chính quyền địa phương như trước đây.

Ông Bình cho biết vùng xác định cấp độ xanh, vàng, cam, đỏ là cấp xã, phường theo bản đồ nguy cơ COVID-19 (https://nguyco.antoancovid.vn).

Trường hợp người thực hiện công tác, công vụ, đoàn ngoại giao, các nhà đầu tư và các trường hợp thực sự cần thiết khác khi đến Huế cũng được yêu cầu có kết quả xét nghiệm âm tính có giá trị trong 72 giờ, thực hiện khai báo y tế, quét mã QR; có văn bản báo cáo và được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh này phê duyệt phương án phòng, chống dịch cụ thể.

Sau hướng dẫn của Bộ Y tế, Đà Lạt vẫn quyết cách ly tập trung người đã tiêm 2 mũi vắc xin Sau hướng dẫn của Bộ Y tế, Đà Lạt vẫn quyết cách ly tập trung người đã tiêm 2 mũi vắc xin

TTO - Phòng Y tế TP Đà Lạt vừa ra văn bản thực hiện cách ly tập trung với trường hợp người từ ngoài tỉnh tới Đà Lạt dù đã tiêm 2 mũi vắc xin. Nội dung này trái với chỉ đạo của Chính phủ tại nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế.

MAI VINH - HÀ QUÂN - BỬU ĐẤU - ĐỨC TRONG - BÙI LIÊM - NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp