Thượng nghị sĩ Bob Menendez (trái) và Marco Rubio nằm trong số những người ký tên vào lá thư gởi Tổng thống Biden - Ảnh chụp màn hình
Lá thư chung của 17 thượng nghị sĩ thuộc hai đảng Dân chủ, Cộng hòa là một phần trong những tranh cãi giữa Mỹ và Nga liên quan số lượng nhà ngoại giao hiện diện mỗi bên.
Trong nhóm 17 thượng nghị sĩ nói trên có những cái tên đáng chú ý, là lãnh đạo của Ủy ban Tình báo và Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ. Theo Hãng tin Reuters, đây là một sự đoàn kết lưỡng đảng đáng chú ý và là bước leo thang căng thẳng mới trong quan hệ Nga - Mỹ.
Hồi đầu tháng 8, Nga thông báo Đại sứ quán Mỹ tại Matxcơva không được giữ lại hoặc thuê người Nga và công dân nước thứ ba làm việc. Điều này buộc Đại sứ quán Mỹ phải cắt giảm 182 nhân viên và hàng chục nhân viên hợp đồng khác.
Theo nhóm nghị sĩ Mỹ, hành động này là "không thể chấp nhận được" và gây rủi ro an ninh quốc gia. "Hành động đơn phương đột ngột của người Nga gây nguy hiểm cho hoạt động hằng ngày của Đại sứ quán Mỹ", các nghị sĩ lập luận.
Nhóm nghị sĩ Mỹ tính toán hiện chỉ còn khoảng 100 nhà ngoại giao Mỹ tại Nga trong khi số lượng nhà ngoại giao Nga tại Mỹ lên đến 400 người.
"Sự không cân xứng về số lượng người trong cơ quan đại diện ngoại giao là không thể chấp nhận được. Nga phải cấp đủ thị thực để số lượng nhà ngoại giao Mỹ tại Nga tương đương số nhà ngoại giao Nga tại Mỹ", các nghị sĩ kêu gọi.
Nếu Matxcơva từ chối cấp thêm thị thực, nhóm nghị sĩ cho rằng Tổng thống Biden nên trục xuất 300 nhà ngoại giao Nga để tạo ra sự cân bằng. "Chúng tôi tin rằng một bước đi như vậy là hợp lý và theo nguyên tắc có đi có lại".
Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ không phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận của Hãng tin Reuters. Bộ Ngoại giao Nga cũng chưa đưa ra bình luận về sự việc.
Theo Hãng thông tấn Tass, việc Nga yêu cầu cắt giảm gần 190 người của Đại sứ quán Mỹ là nhằm trả đũa lại các động thái trừng phạt đơn phương của Mỹ vào tháng 4-2021.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận