Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược - cơ sở 3 khám và điều trị cho bệnh nhân - Ảnh: H.N.
Bác sĩ Bùi Thị Yến Nhi - khoa khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y dược - cơ sở 3, TP.HCM - cho biết chưa có một nghiên cứu nào chứng minh bất kỳ các chất bổ sung có thể bảo vệ hoàn toàn mọi người khỏi COVID-19.
Trên thực tế, các chất bổ sung được cho là có tính tăng cường hệ miễn dịch và khi kết hợp chúng với các phương pháp phòng ngừa bệnh khác có thể giúp chống lại sự tấn công của virus cúm.
Một số cách phòng ngừa COVID-19 từ cộng đồng mạng theo các bác sĩ đánh giá là sai lệch, không đúng - Ảnh: chụp màn hình
Các loại vitamin giúp tăng cường sức khỏe tối ưu, nhưng chúng không phải là phương pháp để chữa trị hoàn toàn cho COVID-19, cụ thể:
Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh giúp chống lại quá trình viêm, chúng tác động đến hệ miễn dịch có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Nhiều nhóm nghiên cứu đã kết luận không có nghiên cứu nào liên quan đến việc ngăn ngừa COVID-19 bằng cách bổ sung vitamin C.
Ở những người bệnh COVID-19 nặng và tình trạng bệnh được cải thiện hơn khi bổ sung vitamin C trong chế độ chăm sóc và điều trị. Tuy nhiên, vai trò của vitamin C trong điều trị người bệnh nhiễm COVID-19 cần được nghiên cứu thêm.
Việc bổ sung quá liều vitamin C (>2.000mg/ngày) sẽ gây ra các triệu chứng thể hiện tình trạng nhiễm độc vitamin C: đau dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy, toan hóa nước tiểu…
Vitamin D có sẵn trong một số loại thực phẩm: sữa, phomat, gan, cá hồi, cá ngừ, cá thu... Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy mối liên hệ giữa sự thiếu hụt vitamin D và tỉ lệ tử vong do COVID-19. Vitamin D cải thiện sự cân bằng của miễn dịch và ngăn chặn cơn bão Cytokine (tức tình trạng phản ứng miễn dịch quá mức thường gặp ở bệnh nhân COVID-19).
Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin D mới dựa trên ý kiến chuyên gia thiếu bằng chứng về liều điều trị COVID-19. Vì vậy, nếu đã có đủ vitamin D từ ánh nắng mặt trời và thông qua thực phẩm thì không cần phải bổ sung.
Vitamin E: hiện không có đủ bằng chứng để khuyến nghị sử dụng vitamin E để phòng ngừa hay điều trị COVID-19. Vì vậy, việc bổ sung viên vitamin E mỗi ngày để phòng ngừa COVID-19 là không có cơ sở khoa học.
Hơn nữa, việc cung cấp vitamin E thông qua thực phẩm hiệu quả hơn thay vì sử dụng thực phẩm bổ sung. Các nguồn thực phẩm dồi dào vitamin E như: dầu thực vật (dầu lạc, dầu đậu nành, dầu ôliu…), các loại rau lá màu xanh sẫm, bông cải, ngũ cốc nguyên hạt, hạnh nhân…
Bác sĩ Nhi nhấn mạnh, sự thật là mỗi người đều có nguy cơ nhiễm COVID-19 bất kể tình trạng sức khỏe của họ. Một lối sống hoàn toàn lành mạnh với các bữa ăn giàu chất dinh dưỡng chắc chắn sẽ giúp hệ thống miễn dịch hoạt động ở mức tối ưu.
Bác sĩ Nhi khuyến cáo người dân hãy luôn tuân thủ 5K của Bộ Y tế, chích vắc xin ngừa COVID-19 khi đến lượt, việc “ở yên" khi đất nước cần là đã chung tay hỗ trợ đẩy lùi sự phát triển và lan rộng của dịch bệnh COVID-19.
Một số thực phẩm tăng cường cho hệ miễn dịch được khuyến cáo như: bông cải, trái bơ, hạnh nhân, xoài, ớt chuông, gừng, tỏi, cá ngừ, yogurt,…
Ngoài ra chúng ta cần kết hợp thêm với việc tập luyện thể dục đều đặn 15-20 phút/ngày, ngủ đủ giấc, không thức khuya và giải tỏa stress trong mùa dịch sẽ giúp củng cố hệ miễn dịch của bạn tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận