Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai diễn ra chiều 20-4, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết trận mưa lũ lịch sử tháng 10-2022 là lần thứ 2 trong vòng 4 năm gần đây thành phố xảy ra mưa cực đoan.
Hệ thống thoát nước của Đà Nẵng chỉ đáp ứng 30-50mm/h
Lượng mưa ở khu vực các quận trung tâm thành phố là 400-800mm, vượt mức lịch sử năm 2018. Mưa lớn lại xảy ra vào đúng thời điểm triều cường nên đã gây ngập diện rộng trên địa bàn thành phố.
Qua thống kê có 52/56 xã, phường thuộc 7 quận, huyện và hầu hết các tuyến đường đều bị ngập, nhiều tuyến đường, tầng hầm một số trụ sở công trình quan trọng của Nhà nước, doanh nghiệp và nhà dân ngập từ 0,5 - 1m, có nơi ngập đến 2m. Tổng số nhà dân bị ngập gần 73.000 nhà. Thiệt hại do đợt mưa lũ lớn gây ra khoảng 1.500 tỉ đồng.
Theo ông Minh, một trong những tồn tại, hạn chế của thành phố là hệ thống thoát nước chỉ đáp ứng khoảng 30-50mm/h tùy theo từng vị trí và ảnh hưởng của triều cường.
Với cường độ trận mưa như ngày 14-10-2022 và xảy ra đúng thời điểm triều cường thì hệ thống thoát nước của thành phố không thể đáp ứng được, dẫn đến ngập sâu trên diện rộng.
Trong khi đó công tác dự báo về lượng mưa chưa theo kịp diễn biến thực tế mưa lũ, chưa chính xác, cụ thể về thời điểm, phạm vi mưa lớn và định lượng mưa trên địa bàn; việc ứng phó với tình trạng ngập lụt lớn trong đô thị có phần bị động...
Thiếu kịch bản ứng phó với mưa lũ lớn trong thời gian ngắn
Nhấn mạnh trận mưa lũ lịch sử tại Đà Nẵng là kinh nghiệm, bài học cho các đô thị ven biển như Hạ Long, Phú Quốc..., Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan lưu ý các địa phương trong công tác phòng chống ngập lụt đô thị.
Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, việc xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó với thiên tai ở một số địa phương chưa cập nhật đầy đủ, toàn diện với các kịch bản thiên tai.
Nhất là các tình huống mưa đặc biệt lớn trong thời gian ngắn, gây ngập sâu như tại Đà Nẵng hồi tháng 10-2022 và tại Hà Nội, Vĩnh Phúc đợt mưa lũ cuối tháng 5-2022.
"Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung cũng như công trình phòng chống thiên tai nói riêng còn thấp. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế và chưa phù hợp" - ông Hiệp nói.
Điều chỉnh kế hoạch phòng chống thiên tai phù hợp với thực tiễn
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các địa phương thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh các chủ trương, chính sách, kế hoạch về phòng, chống thiên tai cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời tập trung cho công tác phòng ngừa nhiều hơn.
Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách pháp luật về phòng, chống thiên tai. Thường xuyên rà soát, có sự tham mưu, điều chỉnh các chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của thiên tai.
Cần đầu tư nguồn lực cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo yêu cầu chính xác, kịp thời. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống thiên tai.
Phó thủ tướng cũng đề nghị trong các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng của địa phương cũng phải lưu ý đến các yếu tố ứng phó với thiên tai.
Về giải pháp phòng chống ngập lụt đô thị, ông Minh cho biết tháng 2-2023, Đà Nẵng đã ban hành đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn trong thiên tai giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hoàn thiện, cập nhật các kịch bản ứng phó với thiên tai, phù hợp với đô thị, nhất là đô thị trung tâm thành phố và các khu vực có hạ tầng thoát nước yếu kém dễ bị cô lập, ngập sâu.
Lồng ghép công tác phòng chống thiên tai, ngập lụt ở đô thị vào quy hoạch phát triển thành phố...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận