Dù có "phiếu đi mua hàng thiết yếu" nhưng nhiều người dân cho biết vài ngày qua vẫn gặp khó khăn với việc mua thực phẩm. Trong ảnh: người dân xếp hàng dài trước cổng một siêu thị ở Q.Bình Thạnh chờ vào mua hàng - Ảnh: N.TRÍ
Đó là nội dung chính của văn bản về giải pháp cung cấp hàng thiết yếu cho người dân TP.HCM vừa được VinCommerce (công ty sở hữu Vinmart/Vinmar+) gửi đến Sở Công thương TP.HCM mới đây.
Theo văn bản này, VinCommerce đề nghị mỗi xã, phường, tổ dân phố trên địa bàn TP.HCM cần sắp xếp một đơn vị hỗ trợ, cung cấp đầu mối cán bộ phụ trách cho người dân trên địa bàn.
Theo đó, khách hàng sẽ tìm kiếm thông tin của điểm bán gần nhất hoặc gọi điện lên tổng đài để được cung cấp thông tin. Sau đó, lựa chọn mua sắm sản phẩm trên tờ rơi thiết yếu hoặc trên website, điền đầy đủ thông tin vào đơn đặt hàng, thanh toán và chuyển đơn hàng đến cán bộ phụ trách trên địa bàn.
Cán bộ phụ trách sẽ hỗ trợ tổng hợp đơn đặt hàng của người dân trên địa bàn; chuyển thông tin đến siêu thị gần nhất trên địa bàn để xử lý đơn hàng; nhận hàng, và hỗ trợ chuyển phát đến khách hàng.
"Hiện nay kênh mua sắm trực tiếp, trực tuyến tại cửa hàng, siêu thị đã quá tải, các nhân viên không được vận chuyển hàng hóa liên quận. Do đó, việc đăng ký trước, mua chung với sự hỗ trợ của chính quyền sẽ giúp người dân có thêm giải pháp tiếp cận hàng hóa thiết yếu", vị đại diện này nhận định.
Tương tự, đại diện một siêu thị tại TP.HCM cho biết đã làm việc với nhiều quận, huyện để tăng mức độ áp dụng phương thức bán hàng đặt trước dưới dạng "combo".
Theo đó, các địa phương sẽ tổng hợp đơn hàng và gửi đến siêu thị gần nhất, đơn vị siêu thị sẽ phân bổ đơn hàng và giao lại tại điểm cố định trong hôm sau. Địa phương có trách nhiệm tổ chức người dân đi nhận hàng hoặc chuyển đến tay người tiêu dùng.
Trong khi đó, đại diện Công ty GS 25 Việt Nam cho biết chuỗi cửa hàng tiện lợi với hơn 100 điểm bán của đơn vị tại TP.HCM đã chính thức chuyển đổi thành chuỗi kinh doanh mặt hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống để tham gia cung cấp thực phẩm cho người dân.
Theo đó, ngoài mua trực tiếp, đặt hàng qua điện thoại, nhiều người dân có thể đặt mua chung để tiện lợi trong việc giao nhận.
Đại diện Sở Công thương TP.HCM cho rằng các doanh nghiệp đang chuyển đổi sang hình thức bán hàng theo "combo", đặt hàng trước để mua chung, giúp hạn chế việc tiếp xúc.
Đây cũng là giải pháp đã và đang được đơn vị khuyến khích các quận huyện, cửa hàng, siêu thị đẩy mạnh mức độ, phạm vi áp dụng nhằm giảm tải áp lực lên các hệ thống bán hàng, giao nhận, hạn chế tiếp xúc.
Thời gian qua, dù có "phiếu đi mua hàng thiết yếu" được chính quyền cấp để đi mua sắm với 2-3 lần/tuần nhưng nhiều người dân cho biết vẫn gặp khó khăn trong việc tìm mua thực phẩm vì người dân đến mua đông, siêu thị áp dụng giãn cách, nhiều điểm bán quy định phải mua theo địa bàn phường.
Chợ cũng bán hàng đặt trước, đơn hàng tập thể
Đại diện Ban quản lý chợ Xã Tây (Q.5) cho biết hiện chợ bị tạm ngưng nhưng nhiều ngày qua không ít tiểu thương tại chợ vẫn bán hàng cho người dân, thậm chí cho khách hàng tại khu cách ly.
Theo đó, chính quyền hoặc tổ dân phố, hội phụ nữ sẽ là cầu nối giữa người bán và người mua để giúp xác nhận đơn hàng tập thể trước, tiểu thương cân đối mua vào và giao hàng ngày sau đó tại chung một điểm, chính quyền sẽ tổ chức cho người dân nhận hàng để đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận