Hội chứng nghiện mạng xã hội là một thực tế ngày nay ít người nhận ra - Ảnh minh họa của báo The Guardian
Vị giám đốc 33 tuổi Zuckerberg có một nhóm 12 người được trả lương chỉ để ngồi xóa bình luận "rác" trên trang cá nhân của anh; một nhóm khác lo nội dung bài viết; và một đội nhiếp ảnh chuyên nghiệp chuyên ghi lại các khoảnh khắc được dàn dựng hoàn hảo…
Đó là thông tin do truyền thông Mỹ phanh phui được.
Và không chỉ Zuckerberg, không lãnh đạo chủ chốt nào của Facebook thật sự "hiện diện" trên mạng xã hội này. Công chúng không thể kết bạn với họ; họ rất ít khi đăng bài viết công khai và luôn giữ thông tin cá nhân bí mật.
Trong trường hợp Twitter, câu chuyện cũng tương tự. Chỉ có 4/9 lãnh đạo cao cấp của Twitter viết tweet nhiều hơn 1 lần/ngày. Giám đốc tài chính Ned Segal của công ty này đã tạo tài khoản hơn 6 năm qua nhưng chỉ viết chưa tới 2 dòng mỗi tháng.
Đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey đã viết khoảng 23.000 tweet kể từ khi mạng xã hội thành lập, nhưng đó vẫn chưa bằng phân nửa của một người dùng thường xuyên gửi lên trong cùng giai đoạn. Ông không trả lời tin nhắn người lạ, không tham gia tranh luận, không live-stream… Nói đúng hơn, ông không "xài" Twitter, ông chỉ thỉnh thoảng đăng vài dòng tweet.
Nghe hơi ngạc nhiên nhưng thực tế trên đúng với tất cả các ông trùm công nghệ Mỹ. Họ biết điều gì mà công chúng không biết?
Hôm nay bức hình của bạn đã có bao nhiêu "like" - Ảnh minh họa của báo The Guardian
Tháng 10-2017, ông Sean Parker - chủ tịch đầu tiên của Facebook lần đầu tiên phá vỡ "luật im lặng". Phát biểu tại một hội nghị ở thành phố Philadelphia, ông Parker mô tả bản thân là "một người phản đối Facebook có lương tâm".
"Khi xây dựng các ứng dụng, trong đó Facebook là đầu tiên, chúng tôi đặt câu hỏi: Làm sao để chúng tôi chiếm lấy thời gian và sự quan tâm của bạn nhiều nhất có thể? Nó có nghĩa chúng tôi thỉnh thoảng cần bơm cho các bạn vài liều kích thích. Chẳng hạn khi một ai đó like hoặc comment bức hình của bạn, bạn càng bị thôi thúc đăng thêm nhiều nội dung nữa để được… like" - ông Parker mô tả.
"Đó là một vòng lặp phản hồi… chính xác là thứ một tin tặc như tôi sẽ làm, bởi vì chúng tôi đang khai thác một điểm yếu trong tâm lý con người. Tất cả những người phát minh - tôi, Mark Zuckerberg, Kevin Systrom của Instagram… trong tiềm thức ai cũng hiểu. Nhưng dù sao chúng tôi vẫn làm" - cựu chủ tịch Facebook tiết lộ một cách đáng rùng mình.
Một tháng sau, một người khác gia nhập cùng ông Parker, đó là cựu phó chủ tịch mảng phát triển người dùng của Facebook Chamath Palihapitiya.
"Cái vòng lặp phản hồi mang tính ngắn hạn và gây nghiện mà chúng tôi tạo ra đang phá hủy cách xã hội vận hành. Không còn thảo luận dân sự, không còn hợp tác; chỉ có tin tức giả và sự dối trá" - ông Palihapitiya mạnh mẽ lên tiếng tại một hội thảo ở Stanford, bang California (Mỹ).
"Nó không liên quan đến mấy mẩu quảng cáo của Nga. Đây là một vấn đề toàn cầu. Nó (Facebook) đang làm xói mòn nền tảng cốt lõi của cách con người hành xử và tương tác với nhau. Tôi có thể kiểm soát quyết định của mình, tức tôi không xài cái thứ thối tha ấy (Facebook). Tôi có thể kiểm soát con cái, đó là tại sao chúng cũng không được xài" - ông Palihapitiya thậm chí không tiếc lời lên án cái mạng xã hội đang sinh lời để trả lương cho ông.
Cựu chủ tịch Facebook Sean Parker thừa nhận đã cố làm ra thứ gây nghiện cho toàn thế giới - Ảnh: AP
Vài ngày sau cú sốc Palihapitiya, Facebook tung ra một nghiên cứu, trong đó hai tác giả khẳng định mạng xã hội làm con người ta cảm thấy tồi tệ hơn, nhưng đó là nếu họ không thèm post hình ảnh, comment (!).
"Ngược lại, nếu một người tích cực tương tác với bạn bè, tâm trạng của họ sẽ được cải thiện" - nghiên cứu kết luận (quá tiện cho Facebook!).
Theo giáo sư tâm lý học người Mỹ Adam Alter, việc mạng xã hội khiến con người vui hay buồn trong ngắn hạn không phải vấn đề chính, điều nghiêm trọng là sự quá trớn trong cách chúng ta sử dụng, thậm chí có thể gọi là nghiện nặng.
Theo cách thế giới ngày nay vận hành, có nhiều hành vi chúng ta khó cưỡng lại và nhiều người bị lệ thuộc vào các hành vi đó đến mức trở thành chứng nghiện"
Adam Alter - giáo sư tâm lý học người Mỹ
Cũng theo vị chuyên gia này, hội chứng nghiện không xảy ra một cách tình cờ: chúng là kết quả trực tiếp gây ra bởi kế hoạch của các công ty như Facebook và Twitter. Họ cố tình tạo ra các sản phẩm khiến người dùng cứ quay trở lại và không thể từ bỏ.
Các ông Parker và Palihapitiya không phải là những cư dân Thung lũng Silicon duy nhất tỏ thái độ bất an về bản chất của công nghệ hiện đại.
Một loạt nhà thiết kế và lập trình ở Sillion đã bỏ việc vì vỡ mộng với những gì họ tạo ra, từ chuyên gia Chris Marcellino của Apple cho đến Loren Britcher - người phát minh ra tính năng "kéo để refesh ứng dụng"…
Sứ mệnh "kết nối con người" của Facebook bị chỉ trích là nguyên nhân làm đổ vỡ các tương tác xã hội - Ảnh: AP
Nhà báo Alex Hern của tờ Guardian nhận xét một cách dí dỏm rằng các ông trùm mạng xã hội đang tuân theo một quy tắc bất thành văn của giới buôn ma túy: "Đừng bao giờ phê thuốc do mình bán".
"Nhiều ông trùm công nghệ rất cẩn trọng khi sử dụng… công nghệ. Họ có thể bước lên bục phát biểu và nói ‘đây là sản phẩm tuyệt nhất mọi thời đại’, nhưng anh sẽ ngả ngửa khi biết họ không cho phép con cái họ dùng chính sản phẩm đó" - giáo sư Alter cho biết.
Hồi tháng 1-2018, Tim Cook - CEO hãng công nghệ Apple, từng trả lời phỏng vấn báo Guardian như sau: "Tôi không có con, nhưng tôi có thằng cháu và tôi đặt ra một số giới hạn cho nó. Có vài thứ tôi tuyệt đối không cho phép. Tôi không muốn nó xài mạng xã hội. Bản thân công nghệ không phải là tốt hoặc xấu. Con người cần phải tự đảm bảo những gì mình làm với nó là tốt. Và cũng chính con người cần cân nhắc sản phẩm mình tạo ra có tốt hay không".
Một ví dụ kinh điển nhất cho những gì ông Tim Cook nói chính là… vị tiền nhiệm Steve Jobs. Dù quảng cáo cho sản phẩm Ipad rất dữ, ông Jobs không bao giờ để con cái bén mảng đến gần nó.
"Chúng chưa từng xài Ipad. Ở nhà, chúng tôi giới hạn con cái sử dụng công nghệ" - Steve Jobs từng thừa nhận với báo New York Times vài tháng sau ngày ra mắt sản phẩm.
Đã là nghiện ngập thì rất khó để cai, theo giáo sư Alter, tất cả chỉ nhờ vào ý chí của mỗi cá nhân. Rất tiếc, phần lớn nhân loại không ai đủ giàu như Mark Zuckerberg để đi thuê một nhóm 12 người quản lý trang Facebook.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận