03/03/2014 06:35 GMT+7

Các "ông lớn" sữa có bắt tay làm giá?

Ông Ngô Trí Long
Ông Ngô Trí Long

TT - Liên quan đến thông tin Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra các hãng sữa bột đồng loạt tăng giá sữa, ngày 2-3 Vinamilk, Abbott và Dutch Lady - ba đơn vị chiếm thị phần lớn trên thị trường sữa - đã lên tiếng phủ nhận việc bắt tay nhau làm giá. Trong khi nhiều chuyên gia khẳng định có dấu hiệu làm giá.

99PWmxv6.jpgPhóng to
Sữa Enfagrow A+ - một trong những loại sữa của Mead Johnson - tăng giá. Trong ảnh: người dân chọn mua Enfagrow A+ ở siêu thị AEON, Q.Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: T.Đạm

Các hãng sữa khẳng định giá nguyên liệu sữa tăng cũng như thay đổi các chương trình khuyến mãi đã tác động đến giá sữa.

Công ty phủ nhận việc bắt tay nhau

"Lý do lạm phát tăng để tăng giá bán sữa là không chấp nhận được. Lạm phát tăng là tăng ở một số lĩnh vực, nhóm mặt hàng, dịch vụ khác. Không phải cứ lạm phát tăng thì tất cả tăng theo"

Ông Đỗ Thái Vương - giám đốc đối ngoại của Abbott VN, một trong những hãng sữa ngoại có thị phần sữa bột lớn nhất ở VN - cho biết đến thời điểm này Abbott vẫn chưa tăng giá các sản phẩm sữa bột cho trẻ em. Vì thế, ông Vương không có bất kỳ bình luận nào về nhận định dấu hiệu thỏa thuận bắt tay tăng giá sữa của các doanh nghiệp.

Theo ông Vương, mặc dù trên phương tiện thông tin đại chúng khẳng định Abbott tăng giá các sản phẩm sữa bột cho trẻ em với mức tăng khoảng 5% nhưng thực tế không phải là tăng giá. Từ tháng 7-2013, Abbott ra mắt sản phẩm thế hệ mới Similac IQ, công thức cải tiến, bổ sung nhiều dưỡng chất. “Tuy nhiên, công ty đã quyết định hỗ trợ chiết khấu giá để người tiêu dùng được mua với giá bằng giá sản phẩm công thức cũ. Nay chương trình trợ giá đã kết thúc (từ ngày 2-1-2014) nên giá bán trở về mức bình thường khi chưa trợ giá, chứ không phải hãng tăng giá bán” - ông Vương khẳng định.

Về nhận định có dấu hiệu các hãng sữa lớn dồn dập tăng giá bán trong thời gian gần đây (cụ thể Hãng Nestle tăng ngày 31-1, Mead Johnson và Vinamilk tăng ngày 12-2, FrieslandCampina tăng ngày 25-2...), giám đốc đối ngoại một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa bột nằm trong top 5 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất cho biết do giá nguyên liệu sữa bột tăng nên buộc phải tăng giá bán.

Trong khi đó, ông Đỗ Thanh Tuấn - đại diện đối ngoại Công ty Vinamilk - khẳng định không có chuyện bắt tay giữa các doanh nghiệp sữa. Theo ông Tuấn, trong một năm qua Vinamilk chỉ tăng giá bán đúng một lần do áp lực giá sữa nguyên liệu thế giới quá cao. Từ quý 3-2013 giá sữa nguyên liệu thế giới đã tăng từ 37-51%. “Đây là nguyên nhân bất khả kháng, buộc chúng tôi phải tăng giá bán để tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm” - ông Tuấn nói.

Tương tự, ông Trương Văn Toàn - giám đốc đối ngoại và pháp lý của FrieslandCampina VN - khẳng định không có chuyện bắt tay tăng giá sữa giữa các công ty. Trong thời gian qua, chi phí các loại nguyên vật liệu sản xuất trên thế giới đã biến động tăng từ 5-48% và được dự báo sẽ có khả năng tăng nữa, chi phí cho lao động trực tiếp và gián tiếp của Công ty FrieslandCampina VN tăng trung bình 15% từ tháng 4-2013 nhưng FrieslandCampina vẫn giữ giá bán ổn định của các sản phẩm. “Việc đề nghị điều chỉnh giá tăng cho 16 sản phẩm trên tổng số 47 sản phẩm là để công ty có thể tiếp tục đầu tư hiệu quả trong việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm, sử dụng các nguyên liệu tốt nhất đáp ứng tốt hơn nữa các nhu cầu về dinh dưỡng và sức khỏe cho người tiêu dùng VN” - ông Toàn nói.

Trong khi đó, theo dõi diễn biến giá sữa ngoài thị trường cho thấy thời điểm này giá sữa khá hỗn loạn. Cụ thể theo FrieslandCampina VN, mặc dù đã kê khai và có dự kiến điều chỉnh giá bán 16 sản phẩm sữa dành cho trẻ em từ ngày 25-2 nhưng thực tế vẫn chưa điều chỉnh giá sản phẩm nào, tuy nhiên ngoài thị trường một số đại lý đã “nhanh tay” điều chỉnh giá bán theo chiều hướng nhích nhẹ. Đối với việc dừng các chương trình chiết khấu đặc biệt cho các đại lý của Abbott, một đại lý lớn nhiều năm kinh doanh trên đường Nguyễn Thông cho hay thật ra đây là một chiêu ngầm tăng giá bán của nhãn hiệu này.

Có dấu hiệu thỏa thuận?

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, có cơ sở để thấy rằng có dấu hiệu thỏa thuận tăng giá. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nghi vấn về hiện tượng vi phạm Luật cạnh tranh. Để khẳng định được cần phải có điều tra làm rõ vấn đề. Kết luận vi phạm hay không phải dựa trên những bằng chứng rõ ràng. Hiện nay Bộ Tài chính đã cho biết thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra giá sữa. “Theo tôi, phải làm khẩn trương, làm thật nhanh mới kết luận được. Ngành tài chính nên có sự phối kết hợp với các ngành khác để hoạt động kiểm tra được thực hiện sớm và kết quả chính xác hơn. Khi có kết quả, cần công khai trên phương tiện truyền thông đại chúng” - ông Long nói.

Theo ông Long, quản lý giá sữa thời gian qua đã không hiệu quả. Bằng chứng, mặc dù Cục Quản lý giá Bộ Tài chính chưa cho phép nhưng 11 mặt hàng của Công ty TNHH Nestle VN (Nestle) đã tăng giá 5-9% từ ngày 31-1 với lý do lạm phát tăng. “Lý do lạm phát tăng để tăng giá bán sữa là không chấp nhận được. Lạm phát tăng là tăng ở một số lĩnh vực, nhóm mặt hàng, dịch vụ khác. Không phải cứ lạm phát tăng thì tất cả tăng theo” - ông Long nhấn mạnh.

Để tránh sự “lờn thuốc”, ông Long cho rằng nên áp dụng phương pháp quản lý theo giá trần. Trong đó, Nhà nước tính toán giá dựa trên giá nhập khẩu, thuế, chiết khấu bán hàng và lợi nhuận doanh nghiệp ở mức hợp lý. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được vì đây là mặt hàng bình ổn giá. Hơn nữa, thị trường sữa bột lại nằm trong tay vài doanh nghiệp lớn. Theo Luật cạnh tranh, đó là hình thức nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Các nước khác gọi đây là độc quyền nhóm và họ quản lý giá bán của những doanh nghiệp này.

Một chuyên gia trong lĩnh vực cạnh tranh cho rằng không chỉ thanh tra Bộ Tài chính vào cuộc mà Cục Quản lý cạnh tranh cũng cần điều tra độc lập. Bên cạnh điều tra xem xét có hành vi bắt tay cùng tăng giá hay không, còn có thể xem những doanh nghiệp đã tăng giá chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần ở thị trường sữa bột. Nếu nắm vị trí thống lĩnh thị trường, có thể tiếp tục kiểm tra giá nhập khẩu đầu vào tăng như thế nào, có phù hợp với quy định của Luật cạnh tranh hay không.

Giá sữa tăng do Trung Quốc mua vào nhiều

Theo báo Wall Street Journal (Mỹ), nhu cầu sữa và các sản phẩm từ sữa tăng vọt tại Trung Quốc là nguyên nhân lớn nhất đang đẩy giá sữa tăng trên toàn cầu.

Các số liệu mới đây nhất đều cho thấy sự tăng vọt trong khối lượng nhập khẩu sữa từ Trung Quốc. Một ví dụ là trong tháng 1-2014, khối lượng sữa nước này nhập từ New Zealand, một trong những nước xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 44% so với tháng 12-2013. Trong tháng 11-2013 chẳng hạn, các sản phẩm sữa mà Trung Quốc nhập tăng 195% so với cùng kỳ năm trước đó.

Theo ước tính của Tổ chức Nông lương LHQ, giá sữa đã tăng bởi nhu cầu từ Trung Quốc và một số nước Bắc Phi. Theo tính toán của HSBC, giá các sản phẩm từ sữa đã tăng hơn 50% trong năm 2013 mà chủ yếu vì lượng cầu nhập từ Trung Quốc. Ngoài ra, do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao năm ngoái khiến nhiều nông dân các nước cũng giảm lượng gia súc nuôi lấy sữa - thêm một yếu tố đẩy giá tăng. Giá sữa thế giới dự kiến sẽ đạt đỉnh trong tháng 3 này.

Với mức giá sữa đang tăng, Fonterra - tập đoàn sản xuất sữa lớn nhất thế giới - nói năm nay họ sẽ trả 7,26 USD/kg sữa bột cho các nông dân so với 4,9 USD/kg của năm ngoái.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Ông Ngô Trí Long
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp