AEON Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao hơn cả ở Nhật
Báo cáo bán niên năm tài chính 2024 (từ tháng 3 đến tháng 8) của AEON Mall cho biết thị trường Việt Nam đã đóng góp hơn 8,19 tỉ yen (gần 1.380 tỉ đồng) doanh thu cho tập đoàn, tăng trưởng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau trừ chi phí, lợi nhuận AEON Việt Nam đạt hơn 2,4 tỉ yen, tương đương hơn 400 tỉ đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ.
Bình quân mỗi ngày, "ông lớn" bán lẻ đến từ Nhật Bản lãi hơn 2,2 tỉ đồng khi hoạt động ở Việt Nam.
Nếu xét về tăng trưởng, Việt Nam có tốc độ cao nhất ở các thị trường Aeon Mall đầu tư. Thậm chí vượt cả Nhật Bản, khi thị trường này tăng trưởng lợi nhuận 13,8% so cùng kỳ.
Tính riêng nhóm thị trường nước ngoài, Việt Nam cũng là khu vực tăng trưởng dương, trong khi ở Campuchia hay Trung Quốc đều thụt lùi.
Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận khoản tổn thất lên tới hơn 1,1 tỉ yen (hơn 180 tỉ đồng) của AEON khi hủy dự án trung tâm thương mại ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Một "ông lớn" FDI khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khá tích cực ở Việt Nam trong bán niên 2024 là Samsung.
Theo báo cáo tài chính, 6 tháng đầu năm nay Samsung Thái Nguyên (SEVT) mang về doanh thu và lợi nhuận lớn nhất cho tập đoàn này khi đầu tư tại Việt Nam.
Cụ thể, SEVT ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lần lượt hơn 13,8 tỉ USD và hơn 1,1 tỉ USD. Các kết quả này lần lượt tăng 20,5% và 30,2% so với cùng kỳ năm trước. SEVT cũng là nhà máy "top" 2 về doanh thu toàn cầu, chỉ sau nhà máy ở Mỹ của tập đoàn công nghệ Hàn Quốc này.
Ở Bắc Ninh, Nhà máy Samsung Electronics Vietnam (SEV) đạt doanh thu 8,1 tỉ USD và lãi hơn 680 triệu USD. Còn Samsung Display Vietnam (SDV) ghi nhận doanh thu khoảng 6,7 tỉ USD và lãi xấp xỉ 280 triệu USD.
Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) ở Thủ Đức, TP.HCM có doanh thu gần 2,6 tỉ USD, lợi nhuận hơn 84 triệu USD.
Hai nhà máy khác như Samsung Electro Mechanics và Samsung SDI chưa cập nhật kết quả kinh doanh tại báo cáo bán niên của tập đoàn.
Samsung là nhà đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam có quy mô vốn đã vượt hơn 20 tỉ USD với 6 nhà máy lớn đang hoạt động, 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D Center) toàn cầu trị giá 220 triệu USD khai trương tại Hà Nội cuối năm 2022.
Đại gia thép, ngân hàng làm ăn ra sao?
Rót vào siêu dự án FDI hàng chục tỉ USD, song một báo cáo từ Tập đoàn nhựa Formosa (Formosa Plastics Group) tiết lộ Formosa Hà Tĩnh có doanh thu và lợi nhuận kém khả quan năm 2023.
Báo cáo cho thấy Formosa Hà Tĩnh đạt doanh thu khoảng 124,5 tỉ Đài tệ (gần 3,9 tỉ USD, gần 97.000 tỉ đồng), giảm 3,2% so với năm 2022 và lỗ khoảng 20,1 tỉ Đài tệ (khoảng 610 triệu USD, tức 15.500 tỉ đồng).
Phía tập đoàn này giải thích tình trạng trì trệ kéo dài của thị trường bất động sản Trung Quốc và nhu cầu thấp đối với các sản phẩm thép trong năm 2023 đã dẫn đến một lượng lớn bán giá thấp ở Đông Nam Á. Để duy trì thị phần và tránh mất khách hàng, Formosa Hà Tĩnh đã phải giảm giá để ứng phó.
Ngoài lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, Việt Nam thu hút nhiều "ông lớn" ngoại ngành ngân hàng đầu tư. Trong đó có HSBC Việt Nam là ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên hoạt động tại Việt Nam.
Năm 2023, ngân hàng này báo lãi kỷ lục. Sang tới bán niên năm nay, thu nhập lãi thuần và lợi nhuận trước thuế có sự suy giảm so với nền cao của cùng kỳ.
Trong đó thu nhập lãi thuần đạt 3.179 tỉ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ, còn tổng lợi nhuận trước thuế đạt 2.237 tỉ đồng, giảm 32%. Dù vậy, đây vẫn là mức lãi cao nếu nhìn dải dữ liệu dài của ngân hàng ngoại này suốt cả hành trình kinh doanh tại Việt Nam.
Việt Nam là ngôi sao tăng trưởng của ASEAN nhờ cởi mở với FDI
Trong báo cáo vừa công bố, HSBC nhận định sau năm 2023 và quý 1-2024 đầy vất vả, Việt Nam đã trở lại là ngôi sao tăng trưởng ASEAN.
Tăng trưởng quý 3-2024 đạt 7,4% so với cùng kỳ, cao hơn dự báo của HSBC cũng như các tổ chức khác, theo HSBC.
Trong đó FDI được nhắc đến như một điểm sáng thúc đẩy tăng trưởng. HSBC nhận xét Việt Nam tiếp tục thu hút các dòng vốn ngoại khi các khía cạnh nền tảng duy trì tích cực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận