Vắc xin COVID-19 của các hãng dược Pfizer/BioNTech và Moderna - Ảnh: REUTERS
Trong số các giải pháp đó, các hãng dược tận dụng năng lực sản xuất của họ một cách hiệu quả nhất, khuyến khích hợp tác giữa các công ty dược phẩm đa quốc gia để gia tăng sản xuất hàng tỉ liều vắc xin.
Hơn 10 tỉ liều trong năm 2022
Một tín hiệu đáng mừng là giám đốc điều hành của các hãng dược Pfizer và BioNTech tự tin sẽ vượt qua kỳ vọng nguồn cung vắc xin của chính họ trong năm nay.
Giống như nhiều hãng dược khác, theo tờ Financial Times, BioNTech và Pfizer đang làm việc 24/7 để sản xuất càng nhiều vắc xin COVID-19 càng tốt.
Tính đến đầu tháng 5, Pfizer đã xuất xưởng khoảng 430 triệu liều vắc xin tới 91 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Pfizer và BioNTech đã hợp tác với các hãng dược nặng ký khác, như Novartis và Sanofi, để tăng cường sản xuất vắc xin.
Theo Hãng tin AP, BioNTech cũng đang đàm phán để lập cơ sở sản xuất vắc xin tại châu Á, Nam Mỹ và châu Phi. Hãng này cũng có thể sẽ cấp phép cho các nhà sản xuất "có năng lực thực sự" để tăng cường nguồn cung toàn cầu.
Ông Ugur Sahin, giám đốc điều hành BioNTech, đầu tháng 5 cho biết công ty ông và đối tác Pfizer đã tăng cường năng lực sản xuất, có thể sản xuất gần 3 tỉ liều vắc xin COVID-19 trong năm nay, tăng so với dự báo trước đó là 2,5 tỉ liều trong năm 2021. Pfizer cũng thông báo sẽ sản xuất "ít nhất" 3 tỉ liều vào năm 2022.
Trong khi đó, Hãng dược Moderna gần đây tuyên bố có thể sản xuất ít nhất 800 triệu liều cho tới cuối năm 2021, tăng so với ước tính trước đó là 700 triệu liều. Hãng dược này nói họ không trông đợi có thể đạt 3 tỉ liều mỗi năm cho tới năm 2022.
Ngoài ra, công ty sản xuất dược phẩm Catalent (Mỹ) cũng đã ký hợp đồng và đang bận rộn sản xuất vắc xin COVID-19 cho các hãng Moderna, Johnson & Johnson và AstraZeneca. Theo trang Fierce Pharma, các hãng dược này có kế hoạch sản xuất gần 8 tỉ vắc xin COVID-19 trong năm 2022, tăng gần gấp đôi so với dự tính gần 4 tỉ liều trong năm 2021.
Cam kết hỗ trợ các nước nghèo
Tại hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu ở Rome (Ý) ngày 21-5, theo Hãng tin Reuters, các lãnh đạo nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới G20 cùng các hãng dược đã cam kết mở rộng nguồn cung để đảm bảo tiếp cận công bằng với vắc xin COVID-19, giảm giá vắc xin cho các nước nghèo để chấm dứt đại dịch.
Hai công ty Pfizer và BioNTech cam kết cung cấp 2 tỉ liều vắc xin COVID-19 cho các nước thu nhập trung bình (với giá thấp hơn) và thấp (không thu lợi nhuận) trong 18 tháng tới. Trong đó có 1 tỉ liều được giao vào cuối năm nay và 1 tỉ liều còn lại trong năm 2022.
Hãng dược Moderna cũng cam kết 95 triệu liều vắc xin với giá gốc hoặc có chiết khấu cho các nước thu nhập thấp và trung bình, trong đó có đóng góp cho chương trình COVAX, trong năm 2021. Moderna cũng cam kết cung cấp thêm 900 triệu liều trong năm 2022.
Hãng Johnson & Johnson đã đạt thỏa thuận với Liên minh vắc xin GAVI với mục tiêu cung cấp tới 200 triệu liều cho cơ chế COVAX vào cuối năm 2021 và 300 triệu liều trong năm 2022.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen - cho biết các nước trong Liên minh châu Âu (EU) cũng cam kết cung cấp 100 triệu liều vắc xin COVID-19 cho các nước nghèo trong cuối năm nay, chủ yếu thông qua chương trình COVAX.
Ngoài ra, EU cam kết chi 1,2 tỉ USD để lập các trung tâm sản xuất vắc xin ở châu Phi, nơi hiện đang phải nhập khẩu tới 99% vắc xin, để tăng nguồn cung cho khu vực đang khan hiếm vắc xin này.
Ngoài những vắc xin đã được cấp phép, một số hãng dược đang đẩy nhanh thử nghiệm lâm sàng và sản xuất vắc xin để bổ sung thêm nguồn cung cho toàn cầu.
Trong đó có một loại vắc xin COVID-19 tiềm năng do Hãng dược Sanofi (Pháp) và GlaxoSmithKline (GSK- Anh) hợp tác phát triển. GSK đã bắt đầu thử nghiệm quy mô lớn với sự tham gia của 35.000 tình nguyện viên ở Mỹ, châu Á, châu Phi và Mỹ Latin.
Nếu thử nghiệm thành công, vắc xin có thể được cấp phép sử dụng khẩn cấp vào quý 4 năm nay.
"Việc sản xuất vắc xin sẽ bắt đầu trong vài tuần tới nhằm giúp chúng ta tiếp cận nhanh chóng với nguồn cung sau khi vắc xin này được phê duyệt" - Sanofi và GSK nêu trong tuyên bố chung ngày 27-5.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận