Anh Salah Salem Saleh Sulaiman, công dân Đan Mạch, người đầu tiên bị xử phạt theo luật chống tin giả của Malaysia, bị cảnh sát dẫn giải tới tòa tại Kuala Lumpur - Ảnh: AP
Nếu phải lấy một dấu mốc đáng kể của những tranh cãi bắt đầu rộ lên vì tin tức giả (fake news), dư luận hẳn sẽ nhớ tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 mà những cáo buộc về hệ lụy tin giả liên quan cho tới nay vẫn còn đang được tiếp tục điều tra.
Tin tức giả với những hình thức và phương tiện mới đi kèm với công cụ phát tán theo cấp số nhân là các nền tảng mạng xã hội đang trở thành thách thức chưa có tiền lệ với hệ thống pháp luật nhiều nước.
Không ít quốc gia đã và đang sửa luật hoặc soạn luật mới để tạo hành lang pháp lý kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả hơn với thực tiễn thời công nghệ.
Những nước đi đầu
Tại châu Âu, Đức là quốc gia đi đầu trong việc luật hóa các quy định chống tin tức giả. "Động lực" cho việc này có lẽ một phần xuất phát từ hiện trạng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Google và Twitter đã từng trở thành "chiến địa" cho những tranh cãi nảy lửa và thù địch trước việc chính phủ Đức tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn trong cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu năm 2015.
Tháng 6-2017 Quốc hội Đức thông qua luật nhằm ngăn chặn nạn tung thông tin thù địch, phạm pháp và tin tức giả trên mạng xã hội.
Luật quy định mức phạt lên tới 50 triệu euro với các mạng xã hội không loại bỏ tin giả hoặc nội dung thù địch trong vòng 24 giờ sau khi nhận được thông báo.
Các trang mạng xã hội cũng được yêu cầu phải chặn các nội dung vi phạm pháp luật khác trong vòng 7 ngày.
Ngoài mức phạt "khủng" với các công ty, luật cũng quy định mức phạt tới 5 triệu euro với cá nhân được công ty ủy thác trách nhiệm giải quyết vấn đề nhưng không hoàn thành nhiệm vụ.
Ngoài ra, cứ 6 tháng một lần, các mạng xã hội cũng phải công bố báo cáo cho biết họ đã nhận được bao nhiêu khiếu nại và giải quyết chúng như thế nào.
Bộ trưởng Tư pháp Đức, ông Heiko Maas, người thúc đẩy việc thông qua luật này nói: "Tự do ngôn luận chấm dứt ở nơi mà luật hình sự có hiệu lực".
Theo ông Maas, các số liệu thống kê chính thức cho thấy số vụ phạm tội gây ra vì lòng thù hận đã tăng hơn 300% tại Đức trong hai năm trước khi luật được ban hành.
Ông này cũng cho biết 14 tháng thảo luận của chính quyền với các công ty mạng xã hội lớn đã không mang lại kết quả tiến bộ nào.
Sau khi Đức phê chuẩn luật mới, Facebook cho biết sẽ phải tuyển thêm 3.000 nhân viên cùng với 4.500 nhân viên đã có của họ để tham gia công tác thẩm định, kiểm duyệt nội dung trên Facebook.
Cùng với Đức, Malaysia là một trong số không nhiều quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức thực thi luật chống tin giả.
Luật của Malaysia có hiệu lực với "tin tức, thông tin, dữ liệu và các bài báo có nội dung sai hoàn toàn hoặc một phần" và bao gồm mọi dạng thức thông tin hình ảnh, âm thanh….
Theo luật này, người phạm tội tung tin giả trong và ngoài lãnh thổ Malaysia sẽ đối mặt với mức phạt lên tới 500.000 ringgit (123.000 USD) và tối đa 6 năm tù.
Đáng chú ý, luật này còn áp dụng cả với người nước ngoài nếu tin giả họ phát tán gây ảnh hưởng tới Malaysia hoặc công dân Malaysia.
Thái Lan cũng đã có luật an ninh mạng, trong đó có điều khoản quy định những người gieo rắc tin giả sẽ đối mặt với án tù lên tới 7 năm.
Cùng với đó, chính phủ quân đội Thái Lan cũng áp dụng những biện pháp trừng phạt mạnh tay với các trường hợp xúc phạm hoàng gia Thái Lan trên mạng hay ở những nơi khác.
Ngoài ra tháng 12-2017 Bộ Y tế Cộng đồng Thái Lan đưa vào hoạt động một ứng dụng mới trên smartphone có tên "Media Watch" nhằm giúp công chúng có công cụ thể thông báo về những tin tức theo họ là giả hoặc gây nhiễu dư luận mà họ đọc được trên mạng.
Nhiều nước đang soạn luật
Tháng 12-2017 đảng cầm quyền Ireland, Fianna Fail, đã đệ trình lên Quốc hội Ireland dự luật nhằm giải quyết tình trạng tin tức giả trên mạng xã hội.
Dự luật có tên Dự luật (về sự minh bạch) của mạng xã hội và quảng cáo online. Trong đó nêu rõ việc sử dụng các "bot" (tài khoản tự động trên mạng xã hội) để thao túng các cuộc tranh luận chính trị và gây ảnh hưởng cho các chiến dịch tranh cử là phạm pháp.
Dự luật đề nghị mức phạt cao nhất lên tới 10.000 euro hoặc 5 năm tù với trường hợp vi phạm. Trong những vi phạm nhẹ hơn, mức phạt là 500 euro hoặc 6 tháng tù.
Tại Anh, mặc dù cơ quan quản lý truyền thông nước này (OFCOM) đã xác định những doanh nghiệp như Google và Facebook cần được xếp loại là đơn vị truyền thông và phải có trách nhiệm với tin tức xuất hiện trên nền tảng của họ, nhưng cho tới nay Anh vẫn chưa có luật cụ thể nào giải quyết vấn đề tin giả.
Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron cũng là người có tiếng nói lên án mạnh mẽ với tin giả thời gian qua, và dư luận đồ rằng nước Pháp cũng sẽ sớm công bố một luật mới để giải quyết vấn đề này.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đang xúc tiến các kế hoạch ngăn chặn, trấn áp tin giả để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5-2019. Tuy nhiên cho tới nay, Brussels vẫn chưa có một dự luật cụ thể nào chống tin giả.
Sau những bước đi mạnh mẽ của Malaysia và Thái Lan trên mặt trận chống tin giả, tại Đông Nam Á, nhiều quốc gia cũng đang đẩy mạnh các thủ tục lập pháp để sớm có một luật chính thức giải quyết vấn đề này.
Tại Singaproe, một ủy ban quốc hội đã và đang đánh giá các biện pháp luật khả thi để ngăn chặn nạn cố ý tung tin giả trên mạng. Một phiên điều trần 8 ngày, dài nhất trong lịch sử Singapore, về tin giả đã vừa kết thúc ngày 29-3 vừa qua.
Theo chủ tịch ủy ban chuyên trách, ông Charles Chong, sau thời gian tạm nghỉ giữa kỳ, trong tháng 5, khi quốc hội Singapore họp lại, Ủy ban chống tin giả sẽ chuẩn bị đệ trình một báo cáo về dự luật mới chống tin giả để quốc hội xem xét.
Tại Philippines, một dự luật chống tin giả với mức phạt tù lên tới 20 năm đang được chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte cân nhắc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận