Proton Saga được sản xuất lần đầu năm 1985 là chiếc xe quốc dân đầu tiên của Malaysia - Ảnh: The Malaysia Reserve
Không chỉ là một chiếc ôtô chất lượng mà còn là biểu tượng của người dân Malaysia, như một dân tộc đầy tự hào.
Thủ tướng Mahathir Mohamad từng nhận xét về chiếc Proton Saga
Malaysia quyết tâm có xe của riêng mình
Ngày 9-8, tạp chí Nikkei Asian Review dẫn thông tin từ Bộ trưởng Công nghiệp và thương mại quốc tế Malaysia Darell Leiking cho biết Hãng xe Nhật Bản Daihatsu Motor đã được chọn làm đối tác cho dự án sản xuất chiếc "xe hơi quốc dân" (national car) thứ 3 của Malaysia.
Dự án do Công ty Malaysia DreamEdge làm "chủ xị" và Daihatsu sẽ cung cấp "các hỗ trợ công nghệ tiên tiến" cho việc sản xuất, dù phía Malaysia chưa thông tin cụ thể đó sẽ là các công nghệ nào. Phiên bản mẫu của dòng xe mới dự kiến ra mắt vào tháng 3-2020, và chính thức sản xuất một năm sau đó.
Chiếc xe thế hệ mới này là dự án mới nhất của National Car Project (NCP, Dự án ôtô quốc gia) của Malaysia, sáng kiến mang dấu ấn của đương kim Thủ tướng Mahathir Mohamad.
Trong giai đoạn những năm 1960-1970, xe hơi Nhật chiếm lĩnh thị trường Malaysia. Trước khi bước sang thập niên 1980, Chính phủ Malaysia cho rằng cần phải trực tiếp tham gia ngành công nghiệp sản xuất ôtô để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Ý tưởng NCP được ông Mahathir Mohamad hình thành từ những năm 1979 khi đang là bộ trưởng công thương. NCP được nội các thông qua vào năm 1982 và chính thức bắt đầu vào tháng 5-1983, với sự ra đời của Hãng xe Perusahaan Otomobil Nasional Sdn. Bhd, theo báo South China Morning Post.
Chiếc xe quốc gia đầu tiên của Malaysia là Proton Saga, ra mắt vào tháng 7-1985, dựa trên linh phụ kiện của chiếc Mitsubishi Lancer Fiore đời 1983. Dự án xe quốc dân được xem là nền móng quan trọng để ngành công nghiệp sản xuất ôtô Malaysia phát triển, tiếp theo sau các chính sách đã áp dụng trước đó để khuyến khích việc lắp ráp và sản xuất linh kiện ôtô trong nước.
Ông Mahathir muốn thông qua NCP để khuyến khích sự phát triển các ngành công nghiệp nặng ở Malaysia, một phần trong tầm nhìn dài hạn của ông về khả năng tự chủ của Malaysia trong công nghiệp ôtô, theo tác giả Hans Cheong trong bài "Nhìn lại 30 năm ngày ra mắt chiếc Proton" trên trang carlist.my.
Cũng chính ông Mahathir đã mời và thuyết phục được Mitsubishi tham gia NCP để tranh thủ học hỏi công nghệ từ gã khổng lồ Nhật Bản này.
Proton Saga được sản xuất tại Nhà máy Shah Alam do Mitsubishi xây dựng cũng trong năm 1985. Ông Mahathir từng nhận xét chiếc Proton Saga "không chỉ là một chiếc ôtô chất lượng mà còn là biểu tượng của người dân Malaysia, như một dân tộc đầy tự hào".
Người dân Malaysia quả là rất tự hào với chiếc xe quốc dân của mình khi trong năm 1985 đã bầu Proton Saga là "Người đàn ông của năm", chuyện chưa từng có tiền lệ khi danh hiệu lẽ ra dành cho các quý ông nay lại được trao cho một chiếc xe hơi, theo South China Morning Post.
Ngay năm đầu tiên sau khi ra mắt, Proton Saga đã chiếm 64% thị phần xe nội địa dưới 1.600cc.
Chưa đầy 10 năm sau, vào tháng 8-1994, chiếc xe quốc dân thứ 2 của Malaysia ra đời - Perodua Kancil, do Công ty quốc nội Perodua hợp tác với Daihatsu sản xuất. Theo báo Malay Mail, Perodua đang là thương hiệu có nhiều xe nhất ở Malaysia hiện nay.
Lãnh đạo Hãng ôtô Proton trong buổi lễ mừng lô hàng xuất khẩu sang Trung Đông - Ảnh: Proton
Thế mạnh xuất khẩu linh kiện
Trong thông cáo về dự án xe quốc gia thứ ba, Bộ trưởng Darell Leiking nhấn mạnh chiếc ôtô quốc dân này sẽ hoàn toàn được sản xuất ở Malaysia với mục tiêu ứng dụng khoa học, công nghệ và kỹ thuật.
Malaysia quyết định tiếp tục hướng đến tương lai sau một năm 2018 nhiều thành công của ngành công nghiệp sản xuất ôtô, vốn đã trở thành một trụ cột của kinh tế nước này khi đóng góp 4,2% GDP vào năm ngoái, theo báo The ASEAN Post.
Cần lưu ý là Malaysia chủ yếu sản xuất xe để phục vụ thị trường nội địa, và thế mạnh là xuất khẩu linh phụ kiện.
Theo báo cáo tóm tắt hoạt động ngành công nghiệp sản xuất ôtô trong năm 2018 của MARii (tiền thân là Viện Ôtô Malaysia) trình bày tại một sự kiện hồi tháng 1 năm nay, xuất khẩu xe hơi của Malaysia đã đạt nhiều thành tựu nổi trội, trong đó đáng chú ý là xuất khẩu linh phụ kiện đạt mức lịch sử 2,9 tỉ USD.
Xuất khẩu ôtô cũng lần đầu tiên vượt mốc 500.000 USD. Malaysia cũng có thế mạnh trong việc tái sản xuất (remanufacture) linh phụ kiện, với giá trị xuất khẩu đạt 127,2 triệu USD.
"Những số liệu quan trọng nói trên là tín hiệu rõ ràng cho thấy ngành công nghiệp ôtô có thể sẽ dẫn đầu kế hoạch đưa Malaysia nổi lên như là một đối thủ đáng gờm trong thị trường khu vực và quốc tế" - Thứ trưởng Thương mại quốc tế và công nghiệp Ong Kian Ming nhận xét tại buổi trình bày báo cáo của MARii.
"Khi nói đến công nghiệp sản xuất ôtô, các doanh nghiệp của chúng ta đang có lợi thế trong sản xuất linh phụ kiện" - Thứ trưởng Ong nói. Bộ Thương mại quốc tế và công nghiệp Malaysia đặt mục tiêu tăng cường xuất khẩu linh phụ kiện ôtô, hướng đến giá trị xuất khẩu 3,2 tỉ USD trong năm nay, tức tăng 7,7% so với năm 2018.
Thái Lan sa sút, Indonesia tăng tốc
Một quốc gia có ngành sản xuất ôtô khá phát triển khác ở Đông Nam Á là Indonesia cũng có kế hoạch phát triển "ngành công nghiệp ôtô có tính cạnh tranh toàn cầu", và trước mắt đã nhận được cam kết đầu tư thêm trị giá đến 33,4 ngàn tỉ rupiah (2,3 tỉ USD), theo báo The Jakarta Post ngày 20-11.
Cụ thể, Toyota dự kiến chi 28,3 ngàn tỉ rupiah để mở rộng hoạt động sản xuất ở Indonesia, bao gồm phát triển các dòng xe thương hiệu Toyota, Daihatsu và Hino, trong khi Honda có thể đầu tư 5,1 ngàn tỉ rupiah. Cả hai nhà sản xuất Nhật đều cam kết đầu tư trong giai đoạn 2019-2023.
Trái với những tin tức lạc quan của Indonesia, ngành công nghiệp ôtô Thái Lan đã bắt đầu "phát tín hiệu nguy hiểm", theo tờ Bangkok Post ngày 18-11. Hồi tháng 8, General Motors cắt giảm thêm 327 nhân sự tại nhà máy của hãng ở Rayong (thủ phủ sản xuất xe hơi của Thái, nơi còn có nhà máy của Ford). General Motors cũng đồng thời chuyển việc sản xuất dòng xe SUV mới Chevrolet Captiva sang nhà máy ở Indonesia, thay vì Rayong như trước đây.
Cũng trong tháng 8, Ford loan báo sẽ cắt giảm 70.000 nhân sự trên toàn cầu, song Ford Thailand từ chối xác nhận thông tin, nhấn mạnh rằng hai nhà máy của Ford ở Rayong vẫn đang có 5.000-6.000 công nhân. Liên đoàn Các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) đã phải sửa lại dự báo triển vọng sản xuất ôtô của nước này xuống còn 2 triệu chiếc, so với dự báo 2,15 triệu chiếc trước đó.
Đại diện Mazda (Nhật Bản) cũng nói với Bangkok Post hãng đã phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất ở Thái vì doanh số không như ý muốn khi xuất khẩu của Thái Lan giảm sút, còn GDP cũng tăng trưởng chậm.
____________________________________________
Kỳ tới: Việt Nam có cơ hội phát triển ngành ôtô
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận