Ông Hiroaki Yashiro trao đổi kinh nghiệm phát triển ngành ôtô - Ảnh: NGỌC AN
Cơ hội phụ thuộc vào chính phủ
* Cơ hội đó là gì và ông nhìn nhận thế nào về năng lực hiện nay của doanh nghiệp Việt trong ngành CNHT?
- Trước hết đó là quá trình tái cơ cấu của VN diễn ra cùng sự ra đời của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nên sẽ tận dụng được cơ hội từ cuộc cách mạng này.
Thứ hai, VN có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức trên 7%, con số ấn tượng không thể nhìn thấy ở bất kỳ quốc gia Asean nào.
Thứ ba, VN có lực lượng lao động trẻ hấp dẫn để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo nên thị trường nội địa lớn với những người tiêu dùng trẻ.
VN hiện đã có nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đủ trình độ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng được yêu cầu trở thành nhà cung ứng cho DN Nhật Bản, thậm chí là DN Mỹ, Đức (EU). Tuy nhiên, đại đa số các DN có năng lực còn xa so với yêu cầu chung.
Kinh nghiệm các nước, ngành CNHT có thể phát triển được hay không phụ thuộc lớn vào định hướng chính sách vĩ mô của chính phủ. Chính phủ muốn GDP tăng trưởng tốt, nhưng tăng trưởng bằng cách nào và như thế nào, quyết định này sẽ tác động đến sự phát triển của CNHT.
Nếu Chính phủ muốn tác động thông qua cán cân thương mại thì phát triển các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu là mục tiêu chính.
Nếu GDP tăng trưởng chủ yếu nhờ tiêu dùng thì nên tập trung vào các ngành công nghiệp tiêu dùng trong nước, ví dụ như công nghiệp ôtô.
Giả sử ngành ôtô có thể tạo nên động lực tăng trưởng tiêu dùng trong nước, từ đó góp phần tăng GDP thì cần phải tính đến đầu tư cơ sở hạ tầng và các yếu tố khác để phục vụ ngành này phát triển hơn.
Hiện tôi thấy chính sách của VN không rõ ràng nên DN rất khó để mà có được định hướng phát triển.
* Năng lực của DN CNHT vẫn hạn chế về vốn, công nghệ và khả năng phát triển thị trường. Thậm chí người ta nói DN VN chỉ sản xuất được ốc vít. Vậy liệu DN VN có cơ hội?
- Hơn 10 năm ở VN, tôi chứng kiến nhiều DN nỗ lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chúng tôi cũng đã hỗ trợ kết nối DN VN với nhiều DN Nhật và nhiều đơn vị đã tự vươn lên để nâng cao năng lực, tham gia chuỗi cung ứng ở trình độ cao hơn, tiếp cận công nghệ mới và khách hàng nước ngoài.
Thế nhưng DN Việt vẫn chủ yếu cạnh tranh không phải bằng chất lượng mà bằng giá, số lượng. Đó là vấn đề cần phải thay đổi. Bản thân chủ DN phải nắm bắt được các tiêu chuẩn, tiêu chí trong quản lý, sản xuất để nâng cao năng suất.
Song tôi nhấn mạnh quan trọng hơn cả vẫn phụ thuộc chính sách của chính phủ, cần định hướng rõ ràng để có chính sách tập trung hỗ trợ cho DN không bị tụt hậu. Đồng thời giúp lãnh đạo DN thay đổi năng lực bản thân, tận dụng tối đa các cơ hội VN đang có.
Chính sách mà không hỗ trợ được cho DN, hoặc có chính sách mà hỗ trợ không đến được DN thì thực sự VN không tận dụng được cơ hội.
* Ông nghĩ sao nếu VN lựa chọn chính sách trọng tâm trong phát triển CNHT là ngành công nghiệp ôtô?
- Công nghiệp ôtô là ngành nên tập trung, bởi ngành này phát triển sẽ tạo nhiều cơ hội cho ngành khác đi theo.
Đây là cơ hội tốt để VN phát triển ngành công nghiệp ôtô, nhưng không phải là ôtô truyền thống mà là ngành công nghiệp ôtô mới. Cần nhìn vào ôtô với xu hướng mới, tức phát triển ôtô kết nối, tự hành, chia sẻ và xe chạy điện (gọi tắt là CASE).
Ôtô tự hành chưa phát triển ở VN, nhưng sự phát triển các khu đô thị hiện nay sẽ tạo nên cơ hội cho VN. Đặc biệt xe chạy điện, tôi cho rằng lợi thế phát triển của VN cao hơn so với nhiều nước trong khu vực.
Ngay Thái Lan có nền CNHT phát triển nhưng chủ yếu là ngành công nghiệp truyền thống chứ không phải ôtô điện. Ôtô điện là cơ hội mới cho VN, đúng thời điểm nhu cầu ôtô tăng trưởng. Cốt lõi ngành sản xuất ôtô điện phụ thuộc vào pin và motor, VN nên tận dụng cơ hội chuyển hướng.
Nếu chỉ nhìn hiện tại thì chắc khó thuyết phục, bởi như Trung Quốc là nước tăng trưởng xe điện rất nhanh thì xe này cũng mới chiếm vài phần trăm thị trường.
Nhưng về dài hạn, xe điện là xu hướng tất yếu. Tại Đức và Pháp đã có lệnh cấm lưu hành xe chạy xăng đến năm 2030-2040.
Một dây chuyền sản xuất thân vỏ ôtô của THACO ở Việt Nam - Ảnh: THACO
Bảo hộ là cần thiết
* Vậy theo ông, chính sách hỗ trợ cho CNHT nên chăng có sự bảo hộ cho một số ngành hoặc xây dựng luật riêng về lĩnh vực này?
- Ở Nhật, thực chất việc hỗ trợ vẫn thực hiện và được phân bổ giữa cấp trung ương và địa phương.
Có ba cấp rõ ràng gồm chính phủ, chính quyền tỉnh và thành phố. Trong đó, thành phố (quận) chỉ tập trung hỗ trợ trực tiếp DN làm theo các chuẩn mực và vận hành các trung tâm đo kiểm, kiểm định cũng như hỗ trợ DN hoạt động hằng ngày.
Cấp tỉnh chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, các trường đào tạo nghề, còn ở cấp trung ương tập trung xây dựng chính sách vĩ mô. VN cũng nên xây dựng và phân cấp về hỗ trợ như vậy để có các chính sách thiết thực, hiệu quả đến DN.
Còn việc có nên xây dựng luật liên quan đến CNHT hay không thì phải xem xét lại các luật liên quan. Nhật không có bộ luật như vậy, mà chỉ có Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa nhưng chính sách được xây dựng rất tốt, phân cấp cho đơn vị cụ thể chịu trách nhiệm.
Đa phần DN nhỏ và vừa của Nhật cũng là DN CNHT nên họ được hưởng lợi trực tiếp và trọn vẹn các chính sách.
Ở VN, dù có Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa nhưng có vẻ phân cấp, phân quyền về chức năng, nhiệm vụ các bộ ngành có sự chồng chéo.
Rõ ràng cần phải có sự điều phối chung, hoặc phân cấp rõ ràng về trách nhiệm cho một cơ quan nào đó về CNHT. Còn việc bảo hộ, bảo vệ thị trường trong nước là cần thiết, song cần nghiên cứu để không vi phạm WTO...
VN cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp rõ ràng. Các chính sách hỗ trợ cần được phân cấp vai trò từ cơ quan trung ương đến địa phương trên cơ sở phải xác định trách nhiệm rõ ràng để nâng cao năng lực doanh nghiệp.
Suốt gần 3 tuần đầu tháng 11, phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt ở Nam Sudan để trực tiếp chứng kiến các cán bộ, bác sĩ, chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam tích cực thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Những công việc cứu người thầm lặng mà cao cả, những sẻ chia nhẹ nhàng mà thấm tận lòng người...
MỜI ĐÓN ĐỌC HỒ SƠ: Mũ nồi xanh vn ở Nam Sudan
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận