Hành khách kiểm tra thông tin tại sân bay Hamad ở Doha, Qatar. Căng thẳng đã khiến nhiều gia đình trong khu vực bị ly tán và các kết nối thương mại bị cắt đứt - Ảnh: Reuters |
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cảnh báo mâu thuẫn giữa Qatar và các nước Ả rập trong khu vực có thể dẫn đến một cuộc chiến, tuy nhiên ông cho rằng vẫn có cơ hội để hạ nhiệt căng thẳng.
Trên tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung ra ngày 11-6, ông Gabriel nhấn mạnh "điều nguy hiểm là những xung đột này có thể dẫn đến chiến tranh” với những "sự kịch tính” gay gắt trong quan hệ giữa các nước láng giềng tại vùng Vịnh.
Ngoại trưởng Đức cho biết các cuộc đối thoại với những người đồng cấp từ Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Iran và Kuwait cho thấy rõ cho những quan ngại của ông.
"Sau các cuộc đối thoại vừa diễn ra trong tuần, tôi đã thấy tình hình nghiêm trọng như thế nào, tuy nhiên tôi tin rằng vẫn có cơ hội để đạt được những tiến triển" - ông nhận định.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng gọi cho người đồng cấp Qatar Abdul Rahman al-Thani để bày tỏ lo ngại và kêu gọi đối thoại. “Chúng tôi không thể vui vẻ khi mà quan hệ giữa các đối tác của mình trở nên tồi tệ - ông Lavrov nói - Chúng tôi ủng hộ giải quyết bất đồng qua đối thoại”.
Còn tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hối thúc Qatar và các nước láng giềng giải quyết khủng hoảng ngoại giao một cách hòa bình trước khi kết thúc tháng lễ Ramadan. “Chúng tôi sẽ không bỏ rơi người anh em Qatar” - báo Guardian dẫn lời ông Erdogan.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định Ankara sẽ giúp giải quyết vấn đề này, đồng thời giải thích việc nước này đưa quân tới căn cứ quân sự ở Qatar không nhằm vào bất cứ quốc gia nào mà vì đảm bảo an ninh và ổn định tại vùng Vịnh.
Cuộc khủng hoảng bùng nổ khi Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain cáo buộc Qatar ủng hộ Iran và các nhóm phiến quân hồi giáo bị xếp vào hạng khủng bố.
Bất chấp nỗ lực trung gian của Kuwait, căng thẳng tiếp tục leo thang hôm 9-6 khi bốn nước trên liệt 59 cá nhân và 12 tổ chức có liên quan Qatar vào danh sách khủng bố.
Tuy nhiên Qatar ngày 10-6 cho biết sẽ không trục xuất công dân các nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar trong tuần qua. Thông báo của Bộ Nội vụ Qatar nêu rõ không có sự thay đổi chính sách đối với "các quốc gia anh em và hữu nghị đã cắt đứt hoặc hạ cấp quan hệ ngoại giao sau các chiến dịch hiểm độc và thù địch chống lại Qatar".
Trước đó, ba quốc gia vùng Vịnh đã cho người dân và du khách Qatar hai tuần để rời đi. Trong khi đó, UAE đã cấm người dân Qatar nối các chuyến gia bay thông qua UAE.
Các nhóm giám sát cảnh báo nguy cơ nhân đạo khi căng thẳng đã khiến nhiều gia đình bị ly tán và các kết nối thương mại bị cắt đứt, khiến các lao động nước ngoài, đặc biệt là các lao động người Ai Cập vốn chiếm số lượng lớn nhất trong các công dân nước ngoài làm việc tại Qatar, quan ngại về khả năng được phép lưu trú tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận