Bộ trưởng tài chính các nước G7 cùng các quan chức khác chụp ảnh ở London ngày 5-6 - Ảnh: REUTERS
Hãng AFP đưa tin ngày 5-6, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đạt được thỏa thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp toàn cầu sau nhiều năm thảo luận.
"Chúng tôi cam kết mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ít nhất 15%, áp dụng tùy theo từng nước" - các bộ trưởng tài chính đến từ 7 nước giàu trên cho biết trong tuyên bố cuối hội nghị ở London, Anh.
Thỏa thuận này có thể là nền tảng cho một thỏa thuận rộng hơn tại hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra vào tháng 7 tới ở Venice, Ý.
"Sau nhiều năm thảo luận, các bộ trưởng tài chính G7 đã đạt được một thỏa thuận lịch sử nhằm cải cách hệ thống thuế toàn cầu phù hợp với kỷ nguyên số toàn cầu" - Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak bình luận.
Còn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng các bộ trưởng tài chính G7 đã đạt được một "cam kết quan trọng và chưa từng có", giúp chấm dứt "cuộc chạy đua xuống đáy".
Trong "cuộc chạy đua xuống đáy" này, các nước cạnh tranh để thu hút các tập đoàn bằng cách áp mức thuế rất thấp hoặc miễn thuế. Tuy nhiên, cuộc đua này đã phá hoại những khoản thu quý giá có thể giúp thực hiện các vấn đề ưu tiên của chính phủ như bệnh viện và trường học.
Thỏa thuận đạt được không nói rõ quy định thuế sẽ áp dụng với những doanh nghiệp nào, mà chỉ đề cập tới các "doanh nghiệp đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận nhiều nhất".
Tuy nhiên, Hãng tin Reuters đánh giá động thái này có thể tạo ra hàng trăm tỉ USD cho các nước trên để giúp họ đối phó với hậu quả do đại dịch COVID-19 gây ra. Nó có thể sẽ buộc các gã khổng lồ công nghệ như Google, Apple và Amazon phải trả nhiều thuế hơn.
"Tin xấu với thiên đường thuế"
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nói rằng thỏa thuận này là "tin xấu với các 'thiên đường thuế' trên thế giới".
"Các công ty sẽ không còn ở vị trí mà họ có thể trốn tránh nghĩa vụ thuế bằng cách kiếm lời ở những quốc gia đánh thuế thấp nhất" - ông Olaf Scholz đánh giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận