Thổ dân Vanusa Costa Santos là một trong những người đầu tiên được tiêm chủng vắc xin CoronaVac hôm 17-1 ở Brazil - Ảnh: AFP
Chính phủ Brazil thông báo từ ngày 20-1 (giờ địa phương) sẽ chính thức khởi động chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên toàn quốc.
Brazil tiêm vắc xin Trung Quốc trước
Hôm 17-1, Cơ quan Quản lý y tế Brazil (ANVISA) thông báo đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin COVID-19 của AstraZeneca/Oxford (Anh) và vắc xin CoronaVac (Trung Quốc).
AFP đưa tin trước mắt Brazil sẽ sử dụng ngay CoronaVac là loại vắc xin duy nhất có sẵn. Vắc xin này do Công ty dược phẩm sinh học Sinovac Biotech của Trung Quốc phối hợp với Viện nghiên cứu Butantan của Brazil sản xuất.
Bộ trưởng Y tế Eduardo Pazuello cho biết từ ngày 18-1 sẽ bắt đầu phân phối 6 triệu liều vắc xin CoronaVac cho 27 bang. Các đối tượng được ưu tiên tiêm ngừa gồm nhân viên y tế, người già trên 75 tuổi, người già trên 60 tuổi sống trong nhà dưỡng lão và dân bản địa.
Vắc xin của AstraZeneca/Oxford do hãng dược Serum của Ấn Độ hợp tác với Quỹ Fiocruz của Bộ Y tế Brazil sản xuất tại Mumbai (Ấn Độ). Dự kiến đến cuối tuần này khâu nhập khẩu 2 triệu liều vắc xin từ Ấn Độ sẽ hoàn tất.
Vắc xin của AstraZeneca/Oxford được sản xuất ở Ấn Độ - Ảnh: AFP
Brazil đang đương đầu với đợt dịch COVID-19 thứ hai và là quốc gia có số ca tử vong cao thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Tình hình sắp tới có thể xấu hơn sau khi xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2.
Mục tiêu 60% dân số châu Phi được tiêm chủng
Tại châu Phi, một số quốc gia đang đương đầu với đợt dịch thứ hai dự báo tàn khốc hơn, đặc biệt tại Nam Phi là nơi đã phát hiện biến thể mới của SARS-CoV-2. Các nghiên cứu gần đây cho thấy biến thể mới của SARS-CoV-2 ở Nam Phi mang tính chất dễ lây nhiễm hơn và đã xuất hiện tại Botswana, Gambia và Zambia.
Trả lời báo Jeune Afrique ngày 17-1, TS John N. Nkengasong - giám đốc Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật châu Phi (Africa CDC), cho biết châu Phi đang áp dụng 3 cơ chế tiếp cận vắc xin.
Châu Phi ráo riết đối phó biến thể virus mới. Trong ảnh là lều dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Pretoria (Nam Phi) - Ảnh: REUTERS
Cách đầu tiên là thông qua tổ chức COVAX của WHO phối hợp với Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) và Liên minh Vì đổi mới phòng chống dịch bệnh (CEPI).
COVAX sẽ cung ứng vắc xin COVID-19 cho 20% những người dễ bị tổn thương nhất ở 92 quốc gia có thu nhập thấp, trong đó hầu hết ở châu Phi. Tuy nhiên, mục tiêu của Africa CDC là tiêm vắc xin cho tối thiểu 60% dân số châu Phi để đạt mức miễn dịch cộng đồng.
Do đó để giải quyết 40% còn lại, Nhóm đặc nhiệm mua sắm vắc xin châu Phi (AVATT) đã đặt hàng mua 270 triệu liều vắc xin của Pfizer/ BioNTech, Johnson & Johnson và AstraZeneca/Oxford. 50 triệu liều đầu tiên sẽ được cung cấp từ tháng 4 đến tháng 6-2021. Các hợp đồng mua vắc xin được Ngân hàng Xuất nhập khẩu châu Phi (Afreximbank) và Ngân hàng Thế giới bảo lãnh về tài chính với số tiền trị giá 2 tỉ USD.
Cách thứ ba là một số quốc gia như Moricco và Ai Cập đã quyết định cho thử nghiệm lâm sàng vắc xin sau khi đàm phán với các công ty dược phẩm nước ngoài.
Theo báo Le Point (Pháp), dù chậm chân nhưng châu Phi cũng đang tích cực tham gia phát triển một loại vắc xin COVID-19 riêng.
Áo đối phó biến thể virus mới
Do lo ngại biến thể mới của virus corona, chính phủ Áo quyết định kéo dài đợt phong tỏa thứ ba tối thiểu đến ngày 8-2 thay vì cho phép các cửa hàng, các cơ sở dịch vụ và bảo tàng mở cửa trở lại vào ngày 25- 1 như kế hoạch ban đầu.
Ngoài ra từ ngày 25-1, Áo quyết định giữ giãn cách 2m ở nơi công cộng thay vì 1m như hiện nay, đồng thời bắt buộc phải mang khẩu trang FFP2 (bán giá gốc ở siêu thị) tại các cửa hàng và phương tiện giao thông công cộng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận