14/04/2022 18:20 GMT+7

Các nước cho học sinh chọn môn học thế nào?

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 tại Việt Nam bắt đầu được lựa chọn môn thay vì học dàn trải như trước nay. Dù khá mới ở Việt Nam, việc cho học sinh tự do “thiết kế” chương trình đã được nhiều quốc gia áp dụng từ lâu.

Các nước cho học sinh chọn môn học thế nào? - Ảnh 1.

Học sinh phổ thông tại Úc - Ảnh: GO TO AUSTRALIA

Cách làm của một số nước tiên tiến có thể ít nhiều cung cấp thêm góc nhìn giải quyết một số bài toán dự đoán sẽ rất hóc búa trong thời gian đầu triển khai "buffet môn học".

Úc: Các trường liên kết khi thiếu môn

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Mai Viết Thủy, hiệu trưởng Trường University Preparation College (Úc), cho biết chương trình trung học phổ thông ở Úc do các bang tự quyết định, thường kéo dài 2 năm, tương đương với lớp 11 và lớp 12 ở Việt Nam. 

Ngoài tiếng Anh là môn bắt buộc, học sinh sẽ được tự do lựa chọn các môn học, khoảng 6 môn mỗi em. Phổ biến là những lĩnh vực như tiếng Anh, toán, khoa học, nhân văn, nghệ thuật, công nghệ, kinh tế…

Học sinh còn được quyền chọn độ khó cho môn học. Chẳng hạn cùng là môn toán nhưng có khoảng 4 môn từ dễ tới khó, bao gồm toán nâng cao, toán phổ thông, phương pháp toán và toán cao cấp. Nếu giỏi và muốn chuyên sâu về toán, học sinh sẽ chọn những môn có độ khó cao. 

"Nhiều môn, nhiều tổ hợp, làm sao đủ giáo viên, nguồn lực?" là một trong những băn khoăn lớn của nhiều người nếu học sinh lớp 10 tại Việt Nam được chọn môn học. Ông Thủy cho biết ở Úc, nhiều trường cũng phải đối mặt với số tổ hợp môn học rất lớn. Thông thường, các trường tư sẽ có điều kiện tài chính, cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu môn học của học sinh.

Với các trường công, dựa vào kinh phí, số lượng nhập học và mong mỏi của học sinh, mỗi trường sẽ quyết định tổ chức giảng dạy những môn nào. Để hạn chế việc thiếu nhân sự, ở vài trường, một giáo viên có thể phụ trách nhiều môn. Chẳng hạn, một thầy giáo dạy vật lý cũng có thể dạy toán hay hóa.

Thiếu môn học theo nguyện vọng của học sinh cũng thường xảy ra, đặc biệt ở các trường nhỏ. Trong trường hợp này, học sinh có thể học thêm ở những trường lân cận có giảng dạy môn học ấy. Các trường công lập thường có sự kết nối rất tốt, tạo điều kiện cho học sinh nơi khác đến học cùng. 

Singapore: Tư vấn chọn môn theo hành trình

Các nước cho học sinh chọn môn học thế nào? - Ảnh 2.

Học sinh tại Singapore - Ảnh: ASIA ONE

ThS Đinh Hoàng Hà, hiện công tác tại Trường SSTC Singapore, chia sẻ, ở đảo quốc này, học sinh ngay từ lớp 8 đã được quyền tự lựa chọn tổ hợp môn học. Mỗi học sinh học từ 6 - 8 môn, trong đó toán và tiếng Anh thường là môn cố định, những môn còn lại các em sẽ chọn theo sở trường, sở thích và định hướng cá nhân.

Chẳng hạn, một bạn đang học lớp 8 chọn môn toán, tiếng Anh, khoa học, địa lý, văn, tin học cùng 2 môn phụ là vẽ và nấu ăn. Trước đó, từ năm lớp 6 - 7, học sinh cũng đã được làm quen với việc chọn một vài học phần mình quan tâm. 

"Học sinh sẽ định hướng như thế nào, liệu có thật sự biết mình muốn học gì khi được cho tự chọn môn?" cũng là một trăn trở của nhiều phụ huynh Việt. ThS Hà cho rằng ở Singapore, việc hướng nghiệp được nhà trường làm rất bài bản. Sẽ có những buổi tư vấn các thầy cô dành hẳn để định hướng cho từng học sinh.

Cơ sở quan trọng để giáo viên ra quyết định là những lời nhận xét trong học bạ của mỗi em. Từ lớp 1, các giáo viên thường đưa ra những góc nhìn rất chi tiết về từng học sinh: các em mạnh, yếu ở những môn nào, đâu là những tố chất nổi trội, điều gì đặc biệt, thú vị ở học sinh ấy. 

Ông cho biết thêm ở một lớp học, hồ sơ của học sinh có thể nhận những lời nhận xét từ nhiều thầy cô, không chỉ có mỗi giáo viên chủ nhiệm. 

Đến lúc cần tư vấn chọn môn học, giáo viên sẽ đọc lại hết những lời phê này để có được hình dung rõ nhất về năng lực và con người của học sinh ấy. Kết hợp với lắng nghe nguyện vọng trực tiếp của các em, giáo viên sẽ định hướng nên học những môn nào, đi theo con đường nào.

Các nước cho học sinh chọn môn học thế nào? - Ảnh 3.

Học sinh tại Anh - Ảnh: MEDIARUN SEARCH

Anh: Đảm bảo sĩ số vừa phải

TS Trần Mỹ Châu, ĐH Northampton (Anh), chia sẻ ở Anh bậc trung học phổ thông thường kéo dài 5 năm, bắt đầu từ 11 - 16 tuổi, kết thúc bằng bài thi tốt nghiệp GCSE. Sau đó, tùy nhu cầu và năng lực, các em có thể chọn đại học hay học nghề. Nếu chọn đại học, các em thường đăng ký A-Level hoặc IB, có thể xem là chương trình dự bị đại học, kéo dài trong 2 năm.

Với A-Level, các trường ở Anh thường "bày" ra hơn 40 môn học để học sinh lựa chọn. Mỗi bạn chọn từ 3 - 5 môn mình yêu thích, có thế mạnh và liên quan chuyên ngành sẽ theo đuổi ở đại học.

Chuyện thành bại của việc cho học sinh chọn môn sẽ chịu tác động rất lớn từ sĩ số lớp học. TS Châu chia sẻ ở Anh, các trường thường nhận số lượng học sinh giới hạn sao cho họ có thể đáp ứng được những nhu cầu của các em, chẳng hạn như nguyện vọng môn học. Thường thì mỗi lớp có khoảng 30 học sinh.

Thí sinh tự do lựa chọn môn thi thế nào? Thí sinh tự do lựa chọn môn thi thế nào?

TTO - Thí sinh tự do, thí sinh hệ giáo dục thường xuyên lựa chọn môn thi như thế nào? Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2017 giải đáp một số câu hỏi liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH năm 2017.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp