17/02/2016 00:31 GMT+7

Các nước ASEAN kỳ vọng gì từ hội nghị Sunnylands?

 TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Lãnh đạo các nước ASEAN tỏ ra lạc quan về triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại được thảo luận trong ngày đầu tiên của cuộc họp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự phiên thảo luận kinh tế - thương mại với chủ đề “Thúc đẩy thịnh vượng khu vực dựa trên sự đổi mới và phát triển của doanh nghiệp” ngày 16-2 (giờ VN) - Ảnh: Quỳnh Trung
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự phiên thảo luận kinh tế - thương mại với chủ đề “Thúc đẩy thịnh vượng khu vực dựa trên sự đổi mới và phát triển của doanh nghiệp” ngày 16-2 (giờ VN) - Ảnh: Quỳnh Trung

“Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN là cơ hội tốt để củng cố hợp tác Mỹ - ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định - Hợp tác có thể giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN”. Trong khi Thủ tướng Malaysia Najib Razak nhấn mạnh hội nghị là “sự thừa nhận của Mỹ về tầm quan trọng chiến lược, kinh tế và ngoại giao của ASEAN”, theo New Strait Times.

Philippines hào hứng

Còn Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi Mỹ và ASEAN hợp tác thông qua đổi mới và phát triển doanh nghiệp để xây dựng một vành đai Thái Bình Dương thịnh vượng. Thủ tướng Lý hoan nghênh việc Mỹ giúp đỡ ASEAN, nhưng cũng cho rằng các nước trong khối cần thúc đẩy môi trường thân thiện cho doanh nghiệp và khuyến khích nghiên cứu, phát triển. Ông Lý nhấn mạnh: “Tại hội nghị này, chúng ta sẽ tiếp tục tiến trình cộng đồng kinh tế và làm nhiều hơn để phát triển bền vững và có lợi cho tất cả người dân”.

Philippines là quốc gia hào hứng nhất với hội nghị diễn ra trong bối cảnh sự suy thoái của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. “Tương lai rất xán lạn cho hợp tác kinh tế Mỹ - ASEAN” - Bộ trưởng tài chính Philippines Cesar Purisima nhận định và khẳng định Manila muốn gia nhập TPP.

Các chuyên gia của Philippines cũng cho rằng gia nhập TPP sẽ giúp thắt chặt quan hệ với Mỹ trong các vấn đề an ninh. “Mỹ đang muốn hỗ trợ ASEAN về chính trị và kinh tế - nhà phân tích chính trị Ramon Casiple thuộc Viện Cải cách kinh tế và chính trị Philippines nói - ASEAN nên coi đây là cơ hội để đóng một vai trò lớn hơn đối với Mỹ lẫn Trung Quốc”.

Mong chờ tuyên bố chung

Ngày thứ hai của hội nghị sẽ tập trung về các vấn đề hàng hải, theo Reuters. Giới ngoại giao cho biết hội nghị Mỹ - ASEAN sẽ ra tuyên bố chung, dù vẫn còn một số bất nhất về từ ngữ trong bản thảo tuyên bố nhằm thể hiện một “tầm nhìn chung về một trật tự khu vực” như lời Tổng thống Mỹ Barack Obama. Một số nguồn tin cho biết dự thảo sẽ nhấn mạnh “tầm quan trọng của thương mại hợp pháp không bị cản trở, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không theo mô tả của Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS)”.

Theo giới phân tích, thách thức lớn nhất của Mỹ là thuyết phục các nước đồng ý với một tuyên bố mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông, bởi Trung Quốc có thể thuyết phục Lào và Campuchia bác bỏ tuyên bố này. Dù vậy, Washington không phải không có cơ hội.

“Nếu các lãnh đạo ASEAN cảm thấy Mỹ đang đầu tư vào ASEAN... điều này có thể khiến ngay cả những nước dễ bị lung lay nhất tham gia ký kết vào tuyên bố chung - chuyên gia về châu Á Ernest Bower của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế nhận định - Không ai ở Đông Nam Á muốn Trung Quốc chà đạp những hàng xóm nhỏ hơn”. “Chúng ta hi vọng rằng qua thời gian Trung Quốc sẽ không muốn mình bị cô lập và trở thành một quốc gia không tuân theo luật pháp quốc tế” - ông nói.

Bên cạnh phát biểu của các lãnh đạo, tờ Philippines Star cũng dẫn nhiều cái nhìn của người dân các nước ASEAN về hội nghị tại Sunnylands. “Mỹ là nước mạnh nhất thế giới và nếu Mỹ có thể giúp chúng tôi thì rất tốt - Romeo Parce, nhân viên bán phụ tùng ở Manila, nói - Vấn đề hiện tại là tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và chuyện này nên được bàn. Trung Quốc là nước lớn và họ đang bắt nạt các nước nhỏ hơn. Sẽ rất tốt nếu có Mỹ ở phe chúng ta”.

Nhưng giáo viên trung học Hamdani Rasyid ở Jakarta cho rằng nên thận trọng với cả Trung Quốc lẫn Mỹ. “ASEAN nên củng cố chính mình và giữ khoảng cách phù hợp giữa Trung Quốc và Mỹ”.

Trong khi đó, tài xế taxi Svay Sophorn ở Phnom Penh mong rằng hội nghị có thể đem đến nhiều đầu tư từ Mỹ vào Campuchia bởi Phnom Penh hiện đang quá thân với Trung Quốc. “Hiện tại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực quá lớn” - ông Sophorn nói và cho rằng một số nước nên thức tỉnh.

Còn cô Anna Koh, nội trợ ở Kuala Lumpur, cho rằng hội nghị không thể giúp gì cho những vấn đề của Malaysia, bao gồm vụ bê bối hàng trăm triệu USD được rót vào tài khoản cá nhân của Thủ tướng Najib Razak.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp