12/12/2015 09:33 GMT+7

Các nước Ả Rập không mặn mà

D.KIM THOA (duongkimthoa@tuoitre.com.vn)
D.KIM THOA ([email protected])

TT - Trong khi nhiều nước lớn tăng cường chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria, các quốc gia Trung Đông, gần hơn nhiều về mặt địa lý, lại đang tìm cách rút khỏi cuộc chiến này.

Khói bốc lên từ một mục tiêu IS ở bắc Iraq bị trúng bom trong đợt không kích của Mỹ - Ảnh: Reuters
Khói bốc lên từ một mục tiêu IS ở bắc Iraq bị trúng bom trong đợt không kích của Mỹ - Ảnh: Reuters

Theo CNN, Mỹ điều lực lượng đặc nhiệm tới Iraq chống IS, Pháp điều tàu sân bay khổng lồ. Anh, Đức dấn sâu vào cuộc chiến tiêu diệt lực lượng khủng bố...

Trong khi đó, nhiều quốc gia Ả Rập thuộc liên quân chống IS do Mỹ chỉ huy đã không thực hiện đúng như cam kết trong tuyên bố chung của 10 quốc gia Trung Đông với Mỹ về một “cuộc chiến toàn diện chống IS” đưa ra hơn một năm trước.

Yemen chứ không phải IS

Tính từ tháng 9-2014, các tính toán cho thấy khoảng 80% cuộc giội bom của liên quân đều do Mỹ thực hiện, cùng với một vài sự ủng hộ từ các đồng minh châu Âu, cộng thêm Canada và Úc. Mười quốc gia Ả Rập trong liên minh từ chối công bố số đợt không kích đã tiến hành.

Nhưng Lầu Năm Góc tiết lộ có tới nửa số quốc gia Ả Rập không hề cho xuất kích đánh khủng bố ở Iraq và Syria.

Một quan chức Mỹ nói Bahrain và Jordan đã không ném bom trong nhiều tháng, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) giội bom mỗi tháng một lần.

Quốc gia Ả Rập cuối cùng trong liên minh là Iraq, nhưng Iraq là một trường hợp không thể xét trong câu chuyện này vì đương nhiên họ phải chống IS khi những kẻ khủng bố hoạt động ngay trên lãnh thổ của họ.

Trên thực tế, các nhân tố chiến lược và chính trị, trong đó bao gồm những mâu thuẫn kình địch giữa các nước trong khu vực và áp lực nội bộ từng nước, đã khiến các quốc gia Ả Rập không “mặn mà” với chiến dịch do Mỹ chỉ huy.

Theo các chuyên gia phân tích của CNN, hiện tại Yemen, chứ không phải IS, mới là ưu tiên hàng đầu của những nước Ả Rập. Yemen là tâm điểm của cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Saudi Arabia và Iran - hai quốc gia lớn nhất trong khu vực.

Từ lâu, tôn giáo và sắc tộc vẫn là hai vấn đề trung tâm trong quan hệ thù địch giữa hai nước. Iran là quốc gia có số đông người dân theo Hồi giáo Shiite, trong khi đó hầu hết các nước trong khu vực, trong đó dẫn đầu là Saudi Arabia, lại có phần đông người dân theo Hồi giáo Sunni. Và những người Sunni luôn nghi ngờ các động cơ của Iran.

Do đó năm ngoái, khi lực lượng nổi dậy người Houthi được Iran chống lưng chiếm đóng thủ đô Sanaa của Yemen, lực lượng liên quân các nước Ả Rập do Saudi Arabia cầm đầu (gồm Ai Cập, Jordan và UAE) đã tuyên chiến chống lại người Houthi.

Giáo sư Fawaz Gerges chuyên nghiên cứu về Trung Đông của Trường Kinh tế London nhận định: “Sự thay đổi thiết yếu là liên quân tại Yemen. Đó là cuộc chiến tranh lớn diễn ra 24/7. Máy bay của Saudi Arabia và UAE, hai quốc gia có tiềm lực không quân mạnh nhất khu vực, bay khắp bầu trời Yemen. Đó là lý do vì sao họ ưu tiên cuộc chiến ở Yemen hơn là cuộc chiến chống IS”.

“Đó là việc của Iran”

Thực tế lâu nay các quốc gia Ả Rập luôn coi IS là vấn đề của Iran vì Syria, nơi lực lượng IS chiếm giữ một số khu vực lãnh thổ rộng lớn, là đồng minh chủ chốt của Iran. Vì vậy, đương đầu với IS theo logic phải là nhiệm vụ của Iran chứ không phải của các quốc gia Ả Rập khác.

Giới chuyên gia về Trung Đông của CNN cũng nhận định gần như sẽ không thể có chuyện các nước Ả Rập điều bộ binh chống IS tại Iraq và Syria.

Chuyên gia Ghadi Sary của Viện nghiên cứu Chatham House (ở Anh) nhận định: “Tôi nghĩ việc điều bộ binh sẽ rất khó xảy ra. Rõ ràng người ta đã thấy phản ứng gần đây của Iraq trước sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Iraq”.

Ông Sary nhắc tới việc chính quyền Iraq đã yêu cầu binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi lãnh thổ nước này hôm thứ hai 7-12, dù trước đó giữa hai bên đã có những thỏa thuận về việc cử sĩ quan sang huấn luyện.

Cũng theo ông Ghadi Sary, một khó khăn nữa là bất cứ cuộc can thiệp bộ binh vào nước nào cũng cần có sự ủng hộ của chính quyền trung ương, hoặc chí ít của lực lượng quân đội nước đó, trong khi đó ai cũng thấy việc hợp tác với quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là chuyện không hề đơn giản.

Sợ rước họa vào thân

Tất nhiên, Yemen có thể là một lý do gây phân tán với các quốc gia Ả Rập, nhưng thực tế nguy cơ chống đối, nếu chưa muốn nói tới các vụ tấn công khủng bố trả thù, ngay trong nội bộ các nước cũng là lý do không thể bỏ qua mà các chuyên gia phân tích cho rằng đã làm “chùn tay” những nước Ả Rập trong cuộc chiến chống IS.

Giáo sư Fawaz Gerges phân tích: “Các quốc gia Ả Rập sau sự việc viên phi công người Jordan bị IS thiêu chết trong lồng sắt khi máy bay của anh này bị rơi ở Syria đều đã giảm nhuệ khí.

IS không chỉ tồn tại ở Syria và Iraq, chúng có những người ủng hộ ở gần như mọi quốc gia Ả Rập như Saudi Arabia, Kuwait, Libăng và Jordan. Vì thế họ (các nước Ả Rập) muốn giảm thiểu các nguy cơ ấy.

Thêm nữa, cũng phải nhớ rằng một trong những kẻ đáng gờm nhất ngay trong nội bộ IS lại chính là những tên người Saudi Arabia.

Chúng không chỉ là chiến binh mà còn giữ vai trò chỉ huy, và IS có thể tiến hành nhiều cuộc tấn công lớn ở Saudi Arabia, vừa nhằm vào các đền thờ của người Hồi giáo Shiite, vừa nhằm vào các mục tiêu khác của Saudi Arabia”.

D.KIM THOA ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp