Cảnh sát Đài Loan áp giải hai nghi phạm bị trục xuất khỏi Thái Lan đầu tháng 8 và được cho là có liên quan đến các vụ lừa đảo tại Campuchia - Ảnh: AP
Theo báo South China Morning Post, hầu hết nạn nhân đến từ Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên thanh niên Indonesia, Malaysia và thậm chí là Kenya (Đông Phi) cũng đang bị các băng nhóm này lừa đảo.
Thủ đoạn của những nhóm do người Trung Quốc điều hành này thường bắt đầu với một bài đăng tuyển dụng "việc nhẹ lương cao" trên mạng xã hội, hoặc giới thiệu việc làm thông qua Facebook của một người quen.
Chúng hứa hẹn với các thanh niên đang nợ nần từ Hong Kong cho đến Đài Loan, Thái Lan và Malaysia về những phần thưởng khi làm trong lĩnh vực bán hàng trực tuyến ở nước ngoài.
Tuy nhiên, khi những thanh niên rời nước để bắt đầu công việc mới như hứa hẹn cũng là lúc họ rơi vào bẫy của bọn buôn người.
Các nhóm người Trung Quốc này ép các thanh niên nói trên phải lừa đảo chính đồng bào của họ tại quê nhà, nếu không sẽ bị đánh và có rủi ro bị bán cho băng nhóm tội phạm khác.
Trung tâm của các đường dây lừa đảo qua điện thoại này tập trung chủ yếu tại Campuchia. Nạn nhân của các đường dây lừa đảo mất tiền tiết kiệm khi bị lừa qua ứng dụng hẹn hò, đầu tư theo mô hình Ponzi, hoặc bị lừa rằng họ đang đóng tiền cho cảnh sát hoặc quan chức hải quan.
Các chuyên gia lo sợ hàng chục ngàn trường hợp gồm cả đàn ông và phụ nữ trẻ có thể bị các nhóm lừa đảo này bắt giữ, bị lợi dụng và ép buộc thực hiện vô số cuộc gọi lừa đảo mỗi ngày.
Giới chức đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) cho biết họ đã nhận được 41 lời kêu cứu từ những người bị các đường dây tội phạm ở châu Á lừa đảo và bắt nhốt. Một số người vẫn đang mắc kẹt tại Campuchia và Myanmar, nhưng có 23 người đã được xác nhận an toàn.
Anh Ah Dee là một nạn nhân. Thanh niên 30 tuổi này nói anh đã phản hồi một quảng cáo tuyển dụng công việc quảng cáo tại Thái Lan với mức lương đề nghị tới 50.000 đô la Hong Kong (6.370 USD).
Anh tới quận Mae Sot của Thái Lan nhưng bị đưa lên xe qua biên giới Myanmar. Tại đây, anh bị buộc trả khoản tiền chuộc 10.000 USD hoặc làm công việc lừa đảo qua điện thoại.
"Gia đình tôi đã phải vay tiền để chuộc tôi", anh Wan, công dân Thái Lan bị lừa với lời hứa hấp dẫn về mức lương 1.500 - 2.000 USD/tháng tại một sòng bạc ở biên giới Campuchia, chia sẻ.
South China Morning Post dẫn các nguồn tin cảnh sát cho biết nhiều khách sạn tại Campuchia đã được chuyển đổi thành các trung tâm lừa đảo qua điện thoại, với mỗi tầng chứa những người có quốc tịch khác nhau bị ép buộc lừa đảo chính những đồng bào của họ ở quê nhà.
Bà Chou Bun Eng, phó chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về chống buôn người (NCCT) Campuchia, cho biết Campuchia cũng là một nạn nhân.
Theo bà Chou, những người nước ngoài đã lợi dụng lãnh thổ của Campuchia để thực hiện các hành vi phạm tội nhằm vào những người nước ngoài khác.
"Chúng tôi không đủ năng lực để phản ứng với mọi trình cáo về tội phạm, nhưng chúng tôi giải cứu nạn nhân khi có thể", bà Chou nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận