Các tay súng lực lượng bán quân sự dòng Shiite ủng hộ Iran hoạt động tại Iraq - Ảnh: Reuters
Không có xung đột trực tiếp nhưng tình hình tiếp tục sa lầy với các phản ứng theo kiểu "ăn miếng trả miếng" ở nhiều cấp độ khác nhau.
TS Hasni Abidi
Năm mới 2020 vừa khởi đầu, giả thuyết về chiến tranh thế giới thứ ba lại bùng nổ trên mạng xã hội sau khi Lầu Năm Góc xác nhận đã tiêu diệt tướng Iran Qasem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Al-Quds của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran. Ngay sau đó, Iran dọa sẽ trả thù.
Không bên nào có lợi
TS Mỹ Jean-Eric Branaa, phó giáo sư Đại học Paris II Panthéon-Assas (Pháp), tóm tắt: "Chính sách của Mỹ là gây sức ép tối đa". Ý đồ của Mỹ là liên tục cấm vận để đưa Iran trở lại bàn đàm phán xem xét lại thỏa thuận hạt nhân song thất bại. Và cái chết của tướng Soleimani đã tạo một bước ngoặt mới như TS chính trị học Hasni Abidi ở Genève (Thụy Sĩ) nhận định: "Rõ ràng một cấp độ mới đã bị vượt qua khi một biểu tượng của Iran bị tấn công".
Iran không thể án binh bất động nhưng theo TS Hasni Abidi, Iran lại không có khoảng trống để xoay xở vì mắc kẹt giữa một bên là làn sóng biểu tình phản đối tăng giá xăng dầu lan rộng ở Iran và một bên là sức mạnh quân sự Mỹ.
Nhà sử học Jonathan Piron - cố vấn cho Trung tâm nghiên cứu Etopia ở Brussels (Bỉ) - trấn an: "Mỹ và Iran đều không có lợi ích nào để tham gia chiến tranh công khai". Ông khẳng định Iran không phải là một quốc gia thích đưa ra các quyết định phi lý: "Iran chỉ có hai mục tiêu, bảo đảm ổn định và bảo vệ lợi ích của mình. Tham gia vào xung đột công khai với Mỹ sẽ đi ngược với học thuyết này".
Ngoài ra, Iran nhận thức rõ họ hoàn toàn không thể cạnh tranh về mặt quân sự với Mỹ - cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.
Jean-Eric Branaa xác định không có yếu tố đáng tin cậy chứng minh sẽ xảy ra một cuộc xung đột quốc tế hóa. Đúng là có nhiều cường quốc quân sự có lợi ích trong khu vực như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và một số quốc gia khác nhưng tất cả đều không thích dùng súng ống. Đối với hai tác nhân chính Mỹ và Iran, ông tin rằng cả hai đều không muốn tham chiến.
Ông kết luận: "Tất cả phụ thuộc vào phản ứng của Iran. Nếu họ tấn công trực tiếp người Mỹ, nguy cơ rất lớn để dẫn đến xung đột". Còn nếu ông Trump tưởng tượng một cuộc chiến nhanh chóng như cuộc chiến vùng Vịnh đầu tiên, Mỹ cũng cần Iran khai hỏa trước để có động cơ và khả năng ủng hộ từ cộng đồng quốc tế.
Iran có gì để đấu Mỹ?
Nhà sử học Jonathan Piron ghi nhận để đối đầu với Mỹ, Iran có hai vũ khí gồm tên lửa đạn đạo và các lực lượng bán quân sự dòng Shiite ở Iraq, Syria và Lebanon. Iran có thể "thọc gậy bánh xe" sử dụng lực lượng này gây bất ổn cho các quốc gia vốn đã rất mong manh. Chính vì vậy không phải ngẫu nhiên mà Mỹ hối thúc công dân Mỹ rời khỏi Iraq ngay.
Jonathan Piron nhìn nhận: "Căn cứ tình hình hiện tại, tôi không thấy làm thế nào để thoát khỏi khủng hoảng, ngoại trừ thay đổi các nhà lãnh đạo của một trong hai nước".
Jean-Eric Branaa lạc quan hơn khi cho rằng khủng hoảng có thể được giải quyết nhờ bên thứ ba can thiệp. Nhưng hiện tại châu Âu đã tỏ ra bất lực trong việc tổ chức đàm phán, còn Nga hoặc Trung Quốc càng không có cơ hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận