Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân và đoàn rời Tokyo, đến sân bay Osaka chiều 7-6 - Ảnh: Lê Kiên |
Chiều 7-6, Thủ tướng cùng đoàn cấp cao Việt Nam đã rời Tokyo đến Osaka. Vừa rời sây bay về khách sạn, Thủ tướng đã bước ngay vào phòng tiếp Thống đốc tỉnh Shiga trước khi đối thoại với doanh nghiệp.
“Việt Nam là đối tác quan trọng”
Tại buổi đối thoại, Chủ tịch Liên đoàn kinh tế Masayoshi Matsumoto cho biết Kansai là vùng kinh tế lớn thứ hai của Nhật với các thành phố nổi tiếng như Kyoto, Kobe và Osaka.
Các doanh nghiệp vùng Kansai có quan hệ kinh tế rất lớn với Việt Nam, chiếm tới 25% tổng thương mại Việt Nam - Nhật Bản.
“Với chúng tôi, Việt Nam là đối tác rất quan trọng. Tháng 9-2016, chúng tôi đã cử đoàn sứ giả sang gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang, trao đổi với các cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đã cùng Bộ Kế hoạch đầu tư Việt Nam tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp hai bên. Cuộc đối thoại tiếp theo sẽ được tổ chức tháng 9-2017 tại TP.HCM”, ông Masayoshi nói.
Từ năm 2013, Liên đoàn đã lập tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp của vùng đầu tư vào Việt Nam để tư vấn cho những doanh nghiệp chưa đầu tư nhưng quan tâm tới địa chỉ này.
Chủ tịch Liên đoàn kinh tế vùng Kansai - Ảnh: Lê Kiên |
Không ít doanh nghiệp vùng Kansai đã đầu tư thành công ở Việt Nam và có định hướng mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Lãnh đạo hãng Daikin, ông Kosei Uematsu cho biết số vốn đầu tư tại Việt Nam của hãng đã lên đến 2.000 tỉ đồng và chuẩn bị xây dựng nhà máy sản xuất điều hòa không khí gần khu vực Hà Nội.
“Chúng tôi đề nghị Chính phủ Việt Nam quan tâm phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống kết nối Bắc – Nam, giảm ùn tắc ở đô thị. Việt Nam cần có chính sách phát triển hơn nữa về công nghiệp hỗ trợ, nguyên liệu. Vấn đề nữa là Việt Nam nên thông thoáng hơn với thủ tục cấp visa cho lao động Nhật Bản”, ông Kosei nói.
“Các bạn không nên đắn đo quá”
Lắng nghe ý kiến hơn 20 lãnh đạo doanh nghiệp vùng Kansai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao năng lực sản xuất, kinh doanh rất đa dạng của vùng kinh tế thuộc loại lớn nhất Nhật Bản.
“Hiện Nhật Bản là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam, nhưng đầu tư FDI thì không có vị trí số 1. Các bạn hãy đến Việt Nam, chúng ta có tiềm năng hợp tác rất lớn. Hội nghị xúc tiến đầu tư vừa rồi ở Tokyo, chúng tôi đã ký kết 22 tỉ USD với các nhà đầu tư Nhật Bản. Các bạn vùng Kansai đừng đến chậm, đừng đắn đo quá”, Thủ tướng kêu gọi.
Thủ tướng nói rằng thông qua các cuộc đối thoại, cá nhân ông và các thành viên Chính phủ Việt Nam đã nhận thấy các vấn đề về thủ tục hành chính, tín dụng, cơ sở hạ tầng... cần tiếp tục cải thiện, hoàn thiện. Tuy nhiên, cơ hội hợp tác giữa hai bên chưa bao giờ thuận lợi như lúc này.
“Lần đầu tiên Thủ tướng Shinzo Abe đến dự một hội nghị xúc tiến đầu tư và phát biểu. Ông nói rằng chúng ta là những người bạn thân”, Thủ tướng tâm sự với các lãnh đạo doanh nghiệp vùng Kansai.
Đại diện các doanh nghiệp vùng Kansai nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời gọi đầu tư vào Việt Nam - Ảnh: Lê Kiên |
Tạo sân chơi bình đẳng
Sáng cùng ngày, trước khi rời Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với các chủ tịch tập đoàn lớn là thành viên của Liên đoàn Kinh tế Keidanren, Nhật Bản như Toray Industries, JXTG Holdings, Nomura Holdings, Mitsubishi, Taisei, Toyota, Sumimoto…
Tại đây, Thủ tướng khẳng định Việt Nam tiếp tục cùng Nhật Bản chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với trọng tâm là kinh tế. Việt Nam chủ trương phát triển ổn định, bền vững, xanh và sạch, qua đó khẳng định vị thế là quốc gia năng động, điểm đến đầu tư hấp dẫn trong ASEAN và sâu hơn, vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Thủ tướng cho biết Việt Nam xác định doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài FDI là động lực quan trọng để phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chính phủ Việt Nam tạo sân chơi bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế cùng phát triển.
Ông kêu gọi các nhà đầu tư Nhật chú trọng các lĩnh vực như phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm quốc gia, các dự án hợp tác công tư (PPP), môi trường, năng lượng, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp chất lượng cao, các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, các loại hình dịch vụ trong đó có du lịch...
Thủ tướng cho biết công dân Nhật Bản được miễn visa đơn phương khi nhập cảnh ngắn hạn vào Việt Nam (không quá 15 ngày), không phân biệt hộ chiếu và mục đích nhập cảnh. Với các đại diện, chuyên gia của doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu ra vào Việt Nam nhiều lần, đề nghị doanh nghiệp xin cấp visa có giá trị ra vào nhiều lần với thời hạn 1 năm hoặc visa lao động thời hạn 2 năm. Từ 1-2-2017, Việt Nam đã thí điểm cấp visa điện tử thời gian 2 năm cho công dân 40 nước, gồm cả Nhật Bản. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận