Dự án BOT cầu Bình Lợi là dự án BOT đường thủy đầu tiên nhưng đang đối mặt với nguy cơ phá sản - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Kiến nghị đó được Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông (VARSI) đưa ra trong văn bản gửi Thủ tướng ngày 16-11 về xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án BOT giao thông.
Trong văn bản gửi Thủ tướng, PGS.TS Trần Chủng - chủ tịch VARSI - thay mặt các nhà đầu tư cho biết các dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đã có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000km đường cao tốc, mở ra nhiều cơ hội đầu tư các dự án giao thông theo phương thức PPP...
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các dự án PPP thời gian qua vẫn còn những tồn tại kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết, khiến các nhà đầu tư một số dự án BOT (một loại hợp đồng của phương thức PPP) giao thông lâm vào tình cảnh khó khăn, bế tắc.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các nhà đầu tư đang gặp phải, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư PPP, VARSI kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo giải quyết 3 vấn đề:
Thứ nhất, thành lập tổ chức do Bộ Giao thông vận tải làm đầu mối cùng các bộ ngành liên quan phối hợp với các nhà đầu tư dự án BOT và VARSI nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết đối với từng dự án cụ thể, báo cáo kết quả cho Chính phủ chậm nhất vào ngày 30-12-2022.
Thứ hai, giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với UBND cấp tỉnh nơi có dự án BOT đi qua đánh giá kỹ các nguyên nhân dẫn đến các vướng mắc, bất cập của từng dự án; đặc biệt là các dự án đã có ý kiến của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước về các vấn đề có liên quan đến tổng mức đầu tư, phương án đặt trạm, phương án thu phí, hiệu quả đầu tư.
Trên cơ sở đó kiến nghị các giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư PPP trong thời gian tới.
Thứ ba, với các dự án BOT gặp bất cập, vướng mắc do các cam kết của phía Nhà nước không được thực hiện hoặc không thể triển khai thu phí bởi người dân phản đối, VARSI kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành có liên quan xem xét, giải quyết dứt điểm các bất cập tại dự án theo phương án: bố trí ngân sách nhà nước thay thế cho quyền thu phí hoàn vốn dự án, chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn, cơ cấu lại nợ của dự án và bố trí vốn ngân sách nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư dự án.
Văn bản của VARSI gửi Thủ tướng kèm danh mục chín dự án BOT giao thông gặp khó khăn, bế tắc kéo dài gồm: dự án hầm đường bộ Đèo Cả, dự án quốc lộ 1 tránh TP Thanh Hóa, dự án BOT đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp quốc lộ 3, dự án BOT nâng cấp quốc lộ 91, dự án BOT mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn km 1.738 + 148 đến km 1.763 + 610 (Đắk Lắk), dự án cầu Thái Hà vượt sông Hồng (Thái Bình), dự án BOT cầu Bình Lợi, dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Hồi tháng 10-2022, Chính phủ đã trình Quốc hội giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại tám dự án BOT giao thông (trừ dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn do UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền) theo hướng hỗ trợ một phần chi phí và kéo dài thời gian thu phí.
Chính phủ kiến nghị trường hợp đàm phán không thành công với nhà đầu tư BOT theo phương án trên, phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, cho phép Chính phủ sử dụng khoảng 13.115 tỉ đồng để trả cho nhà đầu tư các dự án, chuyển tài sản của nhà đầu tư BOT về sở hữu nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận