20/02/2018 16:03 GMT+7

Các món ăn truyền thống dịp năm mới ở châu Á

MINH HẢI (Tổng hợp)
MINH HẢI (Tổng hợp)

TTO - Người Việt ăn bánh Chưng, người Hàn ăn canh bánh gạo, người Trung Quốc ăn sủi cảo để cầu mong may mắn, phúc lộc và sức khỏe dịp đầu năm mới.

Việt Nam: Bánh chưng

Các món ăn truyền thống dịp năm mới ở châu Á - Ảnh 1.

Ảnh: Poem Tour

"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh" . Đây là câu đối cho thấy những thứ xuất hiện trong ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam. Trong đó, bánh chưng là món ăn không thể thiếu, được ví như linh hồn ẩm thực của Tết Nguyên đán ở Việt Nam.

Bánh chưng làm từ gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, được gói theo hình vuông bằng lá dong tươi.

Sự xuất hiện của món bánh đặc biệt này liên quan đến một truyền thuyết về việc vua Hùng Vương thứ 6 chọn người nối ngôi. Hoàng tử Lang Liêu đã được vua cha lựa chọn vì sáng tạo nên món bánh thể hiện sự đùm bọc, yêu thương của con người, sự hài hòa của đất trời và tôn vinh được giá trị quý báu của lương thực.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, bánh chưng dần trở nên phổ biến và là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết của người dân Việt.

Tại mỗi vùng miền trên khắp cả nước, người dân lại có những biến tấu kiểu gói bánh. Ngoài bánh chưng vuông gói bằng lá dong, có thể bắt gặp bánh Tét, gói theo hình trụ tròn dài. Bánh chưng gói bằng lá chuối, lá mai hoặc bánh không chỉ có màu xanh mà được nhuộm màu tím, màu vàng.

Dù theo hình thức gói nào thì món bánh chưng ngày Tết đều thể hiện mong muốn sung túc, đủ đầy và may mắn.

Trung Quốc: Sủi cảo và bánh tổ

Các món ăn truyền thống dịp năm mới ở châu Á - Ảnh 2.

Ảnh: Chijin

Đối với người miền Bắc ở Trung Quốc, món ăn truyền thống dịp đầu năm là sủi cảo. Sủi cảo là một loại bánh có vỏ làm bằng bột mì, hoặc bột gạo. Nhân gồm thịt và rau trộn lẫn với nhau.

Ở Trung Quốc, các loại rau trộn lẫn với thịt có cách đọc gần như từ "giàu có" , thịt miếng dài hơn, âm thanh đọc giống như "dài và dư thừa".

Bánh sủi cảo được nặn thành một hình bán nguyệt. Một số người cũng mở rộng hai đầu của bán nguyệt và kết nối với nhau để tạo ra một hình tròn giống như đồng xu.

Từ hình dạng, cách thức và đặc điểm của nó mà sủi cảo được người dân Trung Quốc ăn trong dịp đầu năm mới để cầu mong nhiều may mắn và tiền bạc.

Đặc biệt, người Trung Quốc tránh ăn hết sạch những miếng bánh sủi cảo trên đĩa với ý nghĩa rằng "năm mới tài sản, lương thực lúc nào cũng dư thừa, ăn không hết".

Còn ở miền Nam Trung Quốc, người dân lại đón chào năm mới truyền thống với bánh "niangao", nghĩa là bánh tổ.

Các món ăn truyền thống dịp năm mới ở châu Á - Ảnh 3.

Ảnh: Food and Wine Magazine

Bánh tổ được làm từ bột gạo nếp trộn đều cùng đường thắng, sau đó đổ vào khuôn tròn rồi hấp chín.

Bánh có màu nâu đẹp mắt và vị ngọt thanh. Người ta có thể cắt thành từng miếng mỏng ăn trực tiếp hoặc chiên giòn.

Trong tiếng Quảng Đông, từ "niangao" có cách đọc giống như từ "thịnh vượng, tiến bộ". Vì vậy, người miền Nam Trung Quốc làm bánh niangao để chào đón năm mới, cầu mong một năm mọi thứ đều tốt hơn.

Hàn Quốc: Canh bánh gạo ttok-kuk

Các món ăn truyền thống dịp năm mới ở châu Á - Ảnh 4.

Ảnh: Maangchi

Ngày tết âm lịch của Hàn Quốc được gọi là Seollalm. Cùng với tết Trung thu Chuseok, tết âm lịch Seollalm là 2 dịp lễ lớn nhất của nước này.

Vào dịp tết Seollalm, người dân Hàn làm rất nhiều món ăn, trong đó không thể thiếu canh bánh gạo ttok-kuk.

Ttok kuk còn có tên khác là Cheomsebyeong, có nghĩa là thêm tuổi.

Món ăn này có các nguyên liệu là bánh gạo trắng, chế biến với thịt bò thái lát, thịt heo, hoặc gà tùy khẩu vị.

Ngày đầu tiên của năm mới, các thành viên trong gia đình Hàn Quốc thường ngồi quây quần bên nhau, trò chuyện và cùng ăn canh bánh gạo với ước mong may mắn, sum vầy.

Sau bữa ăn, người ta dùng "poricha", là thức uống làm từ trà pha với bột lúa mạch hoặc rượu "gui balki sool" với mong muốn gặp may mắn, những điều tốt đẹp trong năm mới.

Mông Cổ: Bánh Buuz

Các món ăn truyền thống dịp năm mới ở châu Á - Ảnh 5.

Ảnh: Mad-Intelligence

Tết tháng trắng Tsagaan Sar vào dịp đầu năm âm lịch và tết Naadam vào tháng 7 là hai dịp lễ quan trọng nhất ở Mông Cổ.

Trong dịp Tết tháng trắng Tsagaan Sar, người Mông Cổ chế biến nhiều món ăn ngon từ thịt cừu, sữa dê. Đặc biệt là món bánh Buuz.

Bánh Buuz là một loại bánh bao, cũng có phần vỏ bánh từ bột mì, nhưng nhân không phải thịt lợn mà là thịt cừu trộn hành tây, rau mùi và các loại gia vị vừa miệng.

Bánh Buuz thường được ăn với nước sốt cà chua.

Đài Loan (Trung Quốc): Bánh củ cải

Các món ăn truyền thống dịp năm mới ở châu Á - Ảnh 6.

Ảnh: Minikitchenlab

Trong khi người Hàn Quốc ăn mừng năm mới với canh bánh gạo, người dân Đài Loan ăn bánh củ cải.

Trong tiếng Mân Nam ở Đài Loan, "củ cải" và "tài sản" là những từ đồng âm, có cách đọc giống như nhau.

Bánh củ cải được làm bằng những miếng củ cải bào sợi mỏng, trộn cùng bột gạo, thịt mỡ, gia vị, tôm và nấm khô. Hỗn hợp được cắt thành miếng mỏng và chiên vàng.

Món bánh củ cải có thể dễ dàng tìm thấy trong suốt cả năm ở Trung Quốc nói chung nhưng đặc biệt ai cũng sẽ ăn nó trong dịp đầu năm mới. Họ tin rằng việc ăn bánh củ cải sẽ mang lại may mắn cho 12 tháng tiếp theo.

Malaysia, Singapore: Gỏi cá Yusheng

Yusheng là một món ăn từ cá, còn có tên là gỏi cá thịnh vượng. Món này được làm từ cá sống, các loại rau củ quả nhiều màu sắc thái sợi mỏng.

Người Malaysia và Singapore rất thích ăn Yusheng dịp đầu năm với mong muốn đầy đủ, thịnh vượng, giàu có, nhiều tiền tài.


MINH HẢI (Tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp