Màn hình hiển thị chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sau khi chốt phiên 5-8 tại sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) ở New York, Mỹ - Ảnh: REUTERS
Ông Chris Krueger, chuyên gia phân tích của Hãng tư vấn Cowen, mô tả việc trả đũa của Trung Quốc là "kinh khủng". Theo ông, nếu hình dung "cấp độ trả đũa từ 1-10" thì đó sẽ là cấp 11.
Chuyên gia Chris Krueger cũng dẫn ra việc chính phủ Trung Quốc kêu gọi các nhà nhập khẩu trong nước dừng mua nông sản Mỹ. Bên cạnh đó, ông cho rằng đã có thêm những chứng cứ cho thấy Bắc Kinh cũng đồng thời siết chặt hơn trong tầm nhìn với các doanh nghiệp nước ngoài.
"Mặc dù có những biện pháp (đáp trả) rất có thể đã được lựa chọn với những tác động trực tiếp có quy mô lớn hơn lên các chuỗi cung cấp, song những tuyên bố của Bắc Kinh cho thấy chúng nhắm trực tiếp vào Nhà Trắng và dường như được đặt ra nhằm gây một tác động chính trị tối đa", ông Krueger phân tích.
"Chúng tôi cho rằng sẽ có một phản ứng nhanh (và có thể sẽ thiếu kiểm soát) từ Nhà Trắng, và theo đó sẽ nhanh chóng gia tăng các căng thẳng thương mại", ông Krueger tiếp.
Cũng theo chuyên gia này, hiện đang có những đồn đoán cho rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong tháng 9 để bù đắp cho những tổn thất do gây ra.
Trong khi đó, ông Ian Lyngen, chuyên gia thuộc tập đoàn ngân hàng, tài chính BMO của Canada, nhận xét: "Việc chờ đợi đã chấm dứt với những người từng băn khoăn không biết Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào với tuyên bố áp thuế gần đây của ông Trump".
"Kết quả là đồng nhân dân tệ đã bị phá giá dưới mức 7,0 (tức 1 đồng USD đổi 7 nhân dân tệ - PV)", ông Ian Lyngen nói. Tuy nhiên chuyên gia này lưu ý: "Vấn đề quan trọng nhất chưa biết lúc này là liệu đồng nhân dân tệ sẽ còn bị phá giá thấp đến bao nhiêu nữa. Lúc này nó đã ở mức tỉ giá thấp nhất kể từ năm 2008".
Chuyên gia phân tích chính trị Michael Zezas thuộc Tập đoàn Morgan Stanley nhận định căn cứ vào tình hình diễn biến các vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung và các điều kiện vĩ mô, "vòng áp thuế tiếp theo (của Mỹ với Trung Quốc) chắc chắn sẽ được thực hiện".
Theo đó, ông Zezas cho rằng: "Giới đầu tư chắc chắn sẽ hành động theo cách cho rằng mức độ gia tăng căng thẳng thương chiến sẽ còn tiếp tục trong năm 2019 cho tới khi giá cả thị trường chịu tác động".
Cũng theo ông Zezas, ông thấy rõ những động cơ sẽ thôi thúc mong muốn đẩy cao căng thẳng nhanh chóng với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Trump trước mùa bầu cử 2020.
"Mỹ và Trung Quốc đang tiến vào một trong những giai đoạn xung đột căng thẳng nhất của họ trong cuộc chiến tranh thương mại kéo dài hơn năm của họ, và chúng tôi hoàn toàn lường được những điều căng thẳng sẽ gia tăng từ đây", bà Henrietta Treyz thuộc công ty tham chiếu tín dụng Veda, nhận định.
Theo bà Treyz, khả năng nhanh chóng điều chỉnh tỉ giá đồng nội tệ của Trung Quốc là một lợi thế của họ so với Mỹ vì Trung Quốc có thể "trợ cấp cho công nghiệp nội địa, nhanh chóng kích hoạt mức thuế thấp hơn và tung ra các động lực kích thích kinh tế".
Dù vậy, chuyên gia này cũng lưu ý cuộc khủng hoảng tại Hong Kong có thể gây ảnh hưởng đáng kể tới khả năng ứng phó với thương chiến của chính phủ Trung Quốc giai đoạn này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận