Phóng to |
Không khí sôi động của các CĐV SLNA... và đội ngũ CĐV thuê của CLB Hà Nội T&T (ảnh phải) - Ảnh: Q.Minh |
Dù Chính phủ, Bộ VH-TT&DL đã ban hành nghị định, thông tư quy định về việc ra đời, hoạt động, quản lý hội, trong đó có hội CĐV bóng đá, nhưng thực chất nhiều năm qua hoạt động của các hội CĐV bóng đá VN là tự phát, ngoài luồng và không hề được tổ chức, quản lý.
CĐV thuê là chính
Đây là thực tế diễn ra với một số đội bóng tại V-League. Ông Tuấn “trâu vàng” - một trong những CĐV nhiệt thành của Hội CĐV bóng đá VN - cho biết: “Sau khi Thể Công giải tán, tôi chuyển sang cổ vũ cho Hà Nội T&T. Tuy nhiên, đội ngũ CĐV của Hà Nội T&T không được thống nhất và không tập hợp được những người yêu CLB thật sự”.
Thật vậy, dù các thành viên hội CĐV Hà Nội T&T thường diễu hành vẫy cờ quạt trước trận đấu nhưng phần lớn là được thuê. Một thành viên của hội cho biết: “Mỗi xe đi cổ vũ vài vòng như vậy chúng tôi được trả 3-4 triệu đồng, trừ tiền thuê xe vài trăm ngàn đồng, còn lại anh em chia nhau. Do chỉ cần thuê lấy số lượng nên có hôm thuê học sinh, có hôm thuê các bà nội trợ, bác xe ôm. Vì thế, có lần ở khán đài B các em học sinh được thuê thay vì cổ vũ lại đùa nhau loạn trên khán đài khiến lực lượng an ninh phải nhắc nhở”.
Các thành viên của hội CĐV Hà Nội T&T cho biết giá cổ vũ một trận trung bình 100.000 đồng/người, nếu thắng to CLB có thể thưởng lên 200.000 đồng/người. Các thành viên chủ chốt trong hội nhận trung bình 300.000-500.000 đồng/trận. Các trận Hà Nội T&T thi đấu trên sân khách, CLB lo ôtô, ăn, ở và tiền thù lao cho anh em cũng 100.000-200.000 đồng/người. Theo thành viên này, chỉ cần tham gia, nhận tiền chứ hội CĐV này không có quy chế hoạt động hay phổ biến quy định bao giờ.
“Thay vì nộp phạt, CLB hãy giúp chúng tôi”
Thực tế hầu hết hội CĐV của các CLB hiện nay đều hoạt động không có giấy phép và thiếu đơn vị quản lý. Dù có đội ngũ CĐV đông đảo, rộng khắp từ Bắc chí Nam và văn hóa cổ vũ được đánh giá tương đối tốt nhưng các thành viên quản lý những hội CĐV này cho biết họ hầu như không có mối liên hệ nào với CLB chủ quản.
Anh Phan Hữu Hiếu, đại diện hội CĐV SLNA tại TP.HCM, nói may mắn lắm thì CLB cho hội vài chiếc vé khi SLNA thi đấu tại TP.HCM. “Nhiều người lên diễn đàn slna-fc nói không thấy CĐV SLNA chửi bậy nhưng họ đâu biết trước và sau mỗi trận đấu, ban quản trị diễn đàn chúng tôi phải thay nhau trực để xóa comment nói tục, chửi bậy. CLB và VFF không ai lắng nghe chúng tôi chứ chưa nói giúp gì chúng tôi trong việc tổ chức, duy trì hoạt động” - anh Hiếu nói.
Anh Duyên, đại diện hội CĐV SLNA tại Hà Nội, cho biết các CLB không coi trọng hội CĐV. “Tất cả những gì mọi người nhìn thấy CĐV SLNA làm trên khán đài là do chúng tôi tự thực hiện. Trong trận SLNA - Hà Nội T&T ở vòng 17 vừa qua, chúng tôi phải phân các bạn thanh niên tình nguyện đứng các vị trí trên khán đài để quản lý, nhắc nhở CĐV không được ném chai lọ xuống sân, không chửi bậy. Trước khi vào sân, các thành viên của hội đứng ở cửa ra vào phát băngrôn và tờ rơi kêu gọi CĐV cổ vũ văn hóa. Để làm việc này, chúng tôi bỏ tiền túi khoảng 10 triệu đồng/trận. Nếu tiền các CLB phải nộp phạt 15-20 triệu đồng/trận vì để CĐV đốt pháo, ném vật lạ xuống sân được dùng để cho hội CĐV hoạt động có quy củ thì không lo có ai đốt pháo, ném chai” - anh Duyên cho biết.
Ông Nguyễn Đức Trung, chủ tịch lâm thời Hội CĐV bóng đá VN, nhận định nếu VFF, CLB không có hình thức quản lý, hướng dẫn các hội CĐV ra đời, hoạt động thì tình trạng vô văn hóa, bạo lực trong và ngoài khán đài vẫn còn tiếp diễn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận