08/01/2025 18:23 GMT+7

Các hãng hàng không giá rẻ Hàn Quốc đối mặt với khả năng bảo trì yếu kém

Các hãng hàng không giá rẻ Hàn Quốc đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng về bảo trì và an toàn bay, đặc biệt sau vụ tai nạn thảm khốc của hãng Jeju Air.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Jeju Air tại Muan, Hàn Quốc, ngày 29-12-2024 - Ảnh: reuters.com

Tờ Thời báo Hàn Quốc (Korea Times) mới đây đưa tin, ngành hàng không giá rẻ nước này đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng về khả năng bảo trì, sửa chữa và vận hành (MRO) khi phải phụ thuộc quá nhiều vào các đơn vị cung cấp dịch vụ nước ngoài. 

Theo số liệu từ Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc, chi phí bảo dưỡng máy bay ở nước ngoài của các hãng hàng không giá rẻ đã tăng 63,6% từ năm 2019 đến 2023, lên tới 502,7 tỉ won (342,34 triệu USD).

Tình trạng này càng trở nên đáng lo ngại sau vụ tai nạn thảm khốc của hãng hàng không Jeju Air - hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Hàn Quốc, khiến 179 trong số 181 người trên máy bay thiệt mạng. Đáng chú ý, Jeju Air từng báo cáo ba sự cố an toàn trong năm ngoái, chỉ đứng sau T'way Air với 8 trường hợp.

Số liệu cũng cho thấy tỉ lệ máy bay phải gửi ra nước ngoài để bảo dưỡng, sửa chữa đã tăng 14,3% trong 4 năm qua, lên đến 71,1%. Nguyên nhân chính là do Hàn Quốc chỉ có hai đơn vị cung cấp dịch vụ MRO trong nước là Korean Air và Hiệp hội Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KAEMS).

Tổng Giám đốc điều hành Jeju Air Kim E-bae thừa nhận: "Chúng tôi tự thực hiện các hoạt động bảo trì hàng ngày nhưng phải thuê ngoài các công ty MRO ở nước ngoài để thực hiện công việc bảo trì lớn". Ông Kim giải thích thêm rằng KAEMS chỉ có số lượng suất bảo trì hạn chế, buộc hãng phải tìm đến các đối tác nước ngoài.

Một yếu tố đáng quan ngại khác là độ tuổi của đội máy bay. Theo dữ liệu từ Hệ thống thông tin kỹ thuật hàng không, máy bay của Jeju Air có độ tuổi trung bình cao nhất trong số các hãng hàng không giá rẻ Hàn Quốc với 14,4 năm, tiếp theo là T'way Air (13 năm) và Jin Air (12,7 năm).

Các chuyên gia trong ngành kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc có biện pháp hỗ trợ, đặc biệt là trong việc đào tạo kỹ thuật viên MRO. Một quan chức ngành hàng không nhận định: "Các hãng hàng không giá rẻ không thể xây dựng cơ sở MRO riêng vì lý do tài chính. Chính phủ cần có những nỗ lực về chính sách để hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp này".

Mặc dù vào tháng 8-2021, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc đã công bố kế hoạch nâng tỉ lệ dịch vụ MRO trong nước lên 70% vào năm 2025, nhưng mục tiêu này được đánh giá là khó khả thi. Nguyên nhân chính là các hãng hàng không giá rẻ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà cung cấp MRO nước ngoài do hạn chế về nguồn lực tài chính, không giống như các hãng hàng không truyền thống như Korean Air.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Hàn Quốc
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp