20/03/2014 06:16 GMT+7

"Các em đã yêu môn lịch sử chưa?"

NGUYỆT NGUYỆT (Hà Nội)
NGUYỆT NGUYỆT (Hà Nội)

TT - Thấy các bạn trẻ bây giờ “dị ứng” với môn lịch sử, không chọn sử là môn thi tốt nghiệp khiến tôi rất buồn, lại nhớ câu nói của cô giáo thời cấp III: “Các em đã yêu môn lịch sử chưa?”.

ANCJlMhS.jpgPhóng to

Nhớ thời học phổ thông (khóa 2001-2004), tôi rất ngại học những môn phải nhớ lâu, nhớ chính xác, nhớ từng chi tiết, từng sự kiện như môn lịch sử. Đã vậy, ngay từ đầu bố mẹ tôi đã định hướng cho tôi học khối B để sau này trở thành bác sĩ.

So với các môn học khác, điểm số tổng kết từng học kỳ môn lịch sử của tôi luôn xếp sau. Những hôm nào có môn sử, tôi rất sợ bị gọi lên bảng. Suốt cả năm lớp 10, môn sử của tôi chỉ được 5,6 điểm.

Lên lớp 11, tôi chuyển sang lớp mới. Người dạy sử của tôi là cô Lê Thị Hồng (giáo viên Trường THPT Hoằng Hóa 2, Hoằng Kim, Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Ban đầu tôi rất sợ môn sử và sợ cô. Cứ đến tiết sử là tôi chủ động ngồi xuống cuối lớp. Một lần bị gọi lên trả bài để lấy điểm miệng, tôi ấp úng không nhớ được một chi tiết nào. Cứ tưởng mình sẽ lãnh ngay “quả trứng”, nhưng cô đã không vội vàng đặt bút cho điểm mà nhìn vào mắt tôi nhẹ nhàng nói: “Môn sử chắc là khó với em lắm phải không? Cũng tại em không có tình yêu với môn sử, chỉ đơn giản vậy thôi... Hôm sau em trả nợ cô cũng được”.

Nhưng tôi rất hay quên, học trước quên sau nên đến tiết sử lại lo lắng, bất an sợ cô sẽ gọi tên mình. Trái với suy nghĩ của tôi, cứ đầu giờ sau khi đặt câu hỏi, cô không gọi tên ai nữa mà chủ động hỏi cả lớp: “Em nào xung phong trả lời câu hỏi của cô?”. Thế là giờ kiểm tra miệng môn sử của lớp tôi đã được giải tỏa, không còn lo nơm nớp bị cô “chỉ điểm” như trước nữa. Tất nhiên, tôi đã bớt sợ môn sử và bớt sợ cô.

Trong đầu tôi, sử là môn khô khan, “khó nhằn” (chúng tôi vẫn nói với nhau thế). Cô vẫn thường nói với cả lớp: “Môn lịch sử chỉ khó với những ai không yêu nó. Các em đã yêu môn lịch sử chưa mà kêu khó?”.

Cả lớp tôi (chuyên khối B) nên đứa nào cũng học môn lịch sử qua loa, đối phó là chính và luôn tâm niệm đây chỉ là môn phụ. Nhưng rồi những tiết dạy của cô đã cuốn hút tôi lúc nào chẳng hay. Bài giảng lịch sử của cô không còn khô khan nữa mà thay vào đó là những câu chuyện lịch sử cô đưa vào rất sôi động và ý nghĩa.

Cô bảo cốt lõi của vấn đề là gieo vào lòng các em tình yêu lịch sử chứ không phải cách học vẹt để đối phó, lấy điểm cao. Cô không đặt nặng việc kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút hay 45 phút. Cô bảo: “Kiểm tra càng nhiều càng tạo nhiều áp lực cho các em, các em lại học tủ để cho qua, học trước quên sau chứ không thực chất, có khi còn dùng phao hay quay bài. Nếu cứ bắt ép các em phải nhớ từng chi tiết thì kết quả luôn không như mong muốn. Cô không muốn cả lớp trở thành đàn vẹt”.

Cô hỏi: Các em thích học môn lịch sử như thế nào? Mỗi người một ý kiến được ghi lại trong tờ giấy, gấp lại rồi gửi cho cô. Cứ như vậy, những tiết sử luôn được cả lớp chờ đợi và đón nhận nhiệt tình. Còn nhớ một lần cô Hồng bị ốm không lên lớp được, cả lớp rất nhớ cô, có đứa còn nói: “Lại phải chờ đến thứ năm tuần sau mới được nghe cô kể chuyện lịch sử”.

Hết lớp 11, tôi quyết định chuyển từ khối B sang khối C vì quá yêu lịch sử. Nhưng lúc này tôi lại phải đối mặt với sự phản đối gay gắt của bố mẹ. Bố tôi ra điều kiện: “Nếu đã chọn khối C thì phải thi đỗ. Đã đỗ rồi thì sau này tự xin việc làm, khó khăn đừng có kêu ca”.

Những lúc ấy cô Hồng đã ở bên tôi, ủng hộ quyết định của tôi. Giờ tôi đã tốt nghiệp đại học và đi làm. Đứng lớp dạy môn lịch sử Đảng ở một trường đại học, tôi vẫn biết ơn cô đã gieo vào lòng tôi tình yêu lịch sử, cho tôi thấy mình đã đi đúng đường...

Bí quyết của bạn tôi

Tôi có anh bạn đã nhiều tuổi, lâu năm trong nghề, là giáo viên dạy giỏi môn lịch sử tại một trường THPT ở Phan Thiết. Mấy năm gần đây anh được trường phân công ngoài dạy môn lịch sử còn dạy thêm môn giáo dục công dân - môn mà nhiều người gọi là môn phụ. Lâu ngày thành quen, anh lại đạt giáo viên dạy giỏi môn này.

Mặc dù được sở công nhận nhưng anh không thích, muốn “né” vì cái mặc cảm mà nhiều người gọi là môn phụ. Sáng nay uống trà với tôi, tôi hỏi anh có thể nói bí quyết nào giúp anh trở thành đồng thời là giáo viên dạy giỏi hai môn được sở công nhận. Anh vui vẻ và tự nhiên tâm sự với tôi: “Ban đầu tôi không sướng dù được sở công nhận giáo viên dạy giỏi môn giáo dục công dân nhưng nghĩ mãi tôi chỉ thấy thương cho học sinh, nên cố nghĩ cách đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho học sinh hứng thú học tập, không coi đó là môn phụ nữa! Mà đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy ở đây là bắt đầu từ đổi mới việc soạn giáo án. Giáo án cần phải được soạn công phu hơn, công việc của thầy và trò phải được thể hiện rõ trong giáo án. Mỗi đơn vị kiến thức được phân ra thành nhiều tình huống sư phạm nhỏ - dưới hình thức đặt ra hệ thống câu hỏi giúp học sinh phát huy tính tích cực, chủ động của mình trong học tập, thu hút cả lớp hăng say hứng thú ứng xử sư phạm các tình huống được thầy đặt ra dưới dạng các câu hỏi. Em nào ứng xử tốt, tức trả lời tốt được thưởng “nóng” ngay - thầy cho 8-9 điểm, thậm chí sẵn sàng cho điểm 10”.

Thế là tiết học vui nhộn và khí thế, chất lượng giờ học được nâng cao. Điểm kiểm tra thường xuyên môn này được nâng cao, điểm trung bình môn cũng được nâng lên, kéo theo điểm trung bình các môn học khác được môn này góp phần nâng lên. Vậy là hết môn phụ. Anh cao hứng: “Ban đầu dù được sở công nhận là giáo viên dạy giỏi môn này nhưng tôi chưa sướng vì cứ bị xem là môn phụ. Nay tôi đã đổi mới phương pháp giảng dạy, đó gần như trở thành môn học bình thường ở trường tôi thì tôi sướng. Hiện tại tôi là giáo viên dạy giỏi đồng thời hai môn lịch sử và giáo dục công dân”. Yêu nghề, mến trẻ, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy là bí quyết của bạn tôi.

TRẦN NGỌC ĐỨC ANH (Phan Thiết)

NGUYỆT NGUYỆT (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp