40 cựu chiến binh Khối vũ trang, Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định cùng góp mặt trong buổi giao lưu thân tình Một thời và mãi mãi tại huyện Cần Giờ, TP.HCM diễn ra vào tối 30-10.
Buổi giao lưu là dịp để truyền lửa cho thế hệ sau tiếp tục phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của thế hệ trước qua việc giữ gìn, phát triển Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Ðịnh.
Vì mình đang được sống trong hòa bình
Nhận xét về tình hình hoạt động của bảo tàng, bà Nguyễn Thị Bích Nga, quyền chủ nhiệm câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định, chia sẻ:
"Lực lượng Biệt động Sài Gòn đang ngày càng lớn tuổi, do đó cần có một lực lượng trẻ để duy trì và phát huy truyền thống.
Từ khi thành lập, bảo tàng cố gắng truy tìm những kỷ vật của các chiến sĩ trong thời kháng chiến.
Ngoài ra còn có nhiều hoạt động giới thiệu giúp du khách hiểu về tinh thần chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ".
Bà Nga mong việc xây dựng các chương trình, hoạt động gắn với bảo tàng tiếp tục được phát huy để lưu giữ mãi những giá trị truyền thống tốt đẹp của một thời kháng chiến.
Trong cuộc gặp gỡ ấm áp với các đồng đội, bà Chính Nghĩa, cựu chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, xúc động bày tỏ:
"Gặp lại nhau, chúng tôi rất mừng và cũng có nỗi niềm bởi chúng tôi đang được sống trong hoà bình nhưng có những người đồng đội đã nằm xuống mãi mãi. Sức khỏe của chúng tôi ngày càng yếu dần, tuổi đời thì chồng chất thêm".
Cho nên, khi bà Nghĩa tìm lại được kỷ vật, hiện vật thì bà lựa chọn gửi vào Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Ðịnh như cách để nhớ lại ký ức xưa và tri ân những đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, tự do.
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định mong là cầu nối với thế hệ trẻ
Với tính chất đặc thù, mỗi chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hầu như không rõ thân phận của nhau.
Bà Phạm Thị Nhung (cựu đội trưởng Đội B11) dí dỏm cho biết thậm chí đến bây giờ khi gặp các đồng đội, nhiều người vẫn nghĩ bà là chủ quầy cá ở chợ Ông Tạ.
Giải thích cho việc này, bà Nhung chia sẻ: “Đặc thù của Biệt động Sài Gòn là ngăn cách bí mật, tức là đảm bảo bí mật thân phận.
Do vậy, chúng tôi khó biết rõ tên tuổi thật của các đồng chí. Đó cũng là lý do đến bây giờ, những cựu chiến sĩ biệt động vẫn liên lạc với nhau là rất quý”.
Ông Trần Vũ Bình, người sáng lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, tâm sự với Tuổi Trẻ Online:
“Lịch sử rất cần cho thế hệ trẻ. Những hy sinh của ông cha ta cho ngày hòa bình cần được lan truyền rộng rãi.
Vì vậy, mình phải kết nối các chiến sĩ với thế hệ trẻ".
Ông cho biết bảo tàng sẽ kết hợp với câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định và các cơ quan chức năng để tổ chức nhiều buổi giao lưu với học sinh, sinh viên...
Những buổi giao lưu dự kiến tổ chức hằng ngày tại bảo tàng nhằm giúp các bạn trẻ có thể ôn lại, gìn giữ, thuộc lòng và thấm nhuần truyền thống.
Ông Trần Vũ Bình nhận định những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn là “báu vật sống” của thời đại.
“Nếu ký ức về con người Biệt động Sài Gòn không được trưng bày cho thế hệ trẻ nhìn ngắm thì nó sẽ biến mất khỏi dòng chảy cuộc sống của ta...” - ông Bình chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận