27/03/2017 22:43 GMT+7

Các cường quốc hạt nhân tẩy chay đàm phán cấm vũ khí hạt nhân

DUY LINH
DUY LINH

TTO - 113 quốc gia đã khởi động vòng đàm phán cấm vũ khí hạt nhân đầu tiên mà không có sự tham gia của Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc - những cường quốc về hạt nhân của thế giới.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley phát biểu trước báo giới. Đứng bên cạnh là hai người đồng cấp Pháp và Anh - Ảnh: Reuters

Mục tiêu của vòng đàm phán thứ nhất là ra tuyên bố vũ khí hạt nhân là một thứ bất hợp pháp trên toàn cầu. Đại diện của các nước tham gia sẽ có thời gian để lần lượt phát biểu. Vòng đàm phán lần này do đại sứ Croatia tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Elayne Whyte chủ trì.

Vòng đàm phán đầu tiên sẽ kéo dài từ ngày 27-3 (giờ Mỹ) đến hết ngày 31-3 tới. Vòng đàm phán thứ hai sẽ bắt đầu vào tháng 7-2017, theo hãng tin Kyodo của Nhật Bản.

Mỹ, Anh và Pháp phản đối quyết liệt mục đích cuối cùng của các vòng đàm phán, đó là tạo ra một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Lý do các nước này không tham gia là vì công tác bảo mật dữ liệu kém.

"Không ai trong chúng ta muốn có thêm vũ khí hạt nhân trên thế giới này, nhưng chúng ta phải thực tế. Có ai tin là CHDCND Triều Tiên sẽ đồng ý tham gia cái hiệp ước này hay không?", Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nhấn mạnh trước các phóng viên bên ngoài phòng họp của Đại hội đồng LHQ ngày 27-3.

Riêng Trung Quốc, sau khi cân nhắc khả năng gia nhập hiệp ước, đã rút khỏi quá trình đàm phán, theo Kyodo.

Nhật Bản - quốc gia duy nhất trên thế giới từng bị tấn công hạt nhân vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng có tham gia vòng đàm phán này hay không. Mặc dù vậy, theo kế hoạch thì đặc sứ về vấn đề giải trừ vũ khí của Nhật Bản Nobushige Takamizawa vẫn lên kế hoạch phát biểu vào ngày đầu tiên của cuộc thảo luận, theo đài NHK.

Hãng tin Kyodo nhận định, sự chần chừ của chính quyền Tokyo đang phản ánh một điều rằng lãnh đạo Nhật Bản vẫn đang tin vào sự bảo vệ đến từ "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ. Có nguồn tin cho biết ông Takamizawa sẽ phản đối các vòng đàm phán cho hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh cấm vũ khí hạt nhân cần được tiến hành theo từng bước, với sự tham gia của các cường quốc hạt nhân khác.

Mexico và Áo là hai quốc gia thúc đẩy mạnh mẽ vòng đàm phán lần này và kêu gọi sự tham gia của các nước thành viên trong tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Viễn cảnh giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu đang trở nên mù mịt bất chấp hồi tháng 12 năm ngoái, Đại hội đồng LHQ trong một phiên họp toàn thể đã thông qua nghị quyết tổ chức các vòng đàm phán với sự tán thành của đa số các quốc gia thành viên.

Chưa có tín hiệu chắc chắn nào từ Mỹ, một trong hai quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng tuyên bố sẽ mở rộng kho vũ khí hạt nhân của nước này trong tương lai.

Có thể nói, sau gần 50 năm kể từ khi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân ra đời (1968), thế giới mới chứng kiến thêm một nỗ lực nữa nhằm xóa bỏ thứ vũ khí hủy diệt kia khỏi Trái Đất. Tuy nhiên, sẽ còn rất nhiều việc phải làm phía trước vì một thế giới an toàn và không vũ khí hạt nhân trong tương lai.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp