Thanh niên xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM đi chợ giùm người dân trong thời gian ai ở đâu ở yên đó - Ảnh: TỰ TRUNG
Việc phân chia combo chỉ có thể tương đối, không thể chi tiết từng mặt hàng cụ thể do nhiều điểm siêu thị không đủ hàng, mặt hàng không giống nhau. Nhưng đơn vị cam kết giá bình ổn như giá bán lẻ, người dân dựa vào hóa đơn để tính ra mới chính xác.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thương (quản lý kênh thu mua của chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh)
So với bán lẻ thông thường, từ khi chuyển qua bán dạng combo soạn sẵn, các siêu thị thừa nhận gặp không ít khó khăn. Các combo theo "chuyên đề" được lên thực đơn sẵn rất đa dạng, như combo rau - củ - quả, combo chuyên về thực phẩm tươi sống, combo các mặt hàng thực phẩm công nghệ...
Đại diện hệ thống Satra cho biết xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân trên địa bàn quận 10, SatraMart siêu thị Sài Gòn đưa ra loại combo có thể dùng trong một tuần cho gia đình có khoảng 4-5 người với giá từ 1.000.000 đồng/combo. Trước đó, siêu thị Sài Gòn cũng đã cho ra mắt 6 combo với giá trung bình khoảng 300.000 đồng/combo.
Theo đại diện Central Retail, các combo nơi này chào ra không cố định mà được điều chỉnh theo phản hồi của khách hàng. Để phù hợp đặc thù cư dân mỗi địa bàn, các siêu thị trong hệ thống cũng thiết kế thêm những combo khác nhau. Tương tự, sau nhiều ngày cân nhắc, đến nay Emart Việt Nam mới tung ra các combo giới thiệu cho cư dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, việc bán hàng hiện nay không hẳn siêu thị muốn tạo ra combo là được. Theo quy trình, từ danh sách combo hàng hóa của nhà phân phối gửi chào, địa phương sẽ thông tin và tiếp nhận đăng ký mua hàng từ người dân. Sau khi nhận các đơn đặt hàng từ người dân, đại diện phường tổng hợp số lượng combo và báo lại siêu thị để chuẩn bị hàng và giao ngay trong ngày hôm sau.
Tuy nhiên, đại diện một siêu thị cho biết khi giới thiệu các combo về phường thì có nơi phản ứng về mặt hàng và muốn đổi sang hàng giá rẻ hơn dù các món hàng không thực sự phù hợp. Một số địa phương lại than khó bảo quản nên không khuyến khích hàng tươi sống. Trong khi đó, với nguồn nhân sự hạn chế do phải tuân thủ các yêu cầu về việc đi lại, "3 tại chỗ", nhiều siêu thị phải cắt giảm nhân viên đến 60% nên tốc độ soạn đơn sẵn cho chương trình "Đi chợ hộ" cũng khó đạt mức kỳ vọng.
Theo nhiều người dân, rất nhiều combo được nhà bán lẻ soạn ra hết sức cầu kỳ, cân đối tỉ lệ đạm, chất xơ, vitamin... rất hấp dẫn nhưng khi đi sâu vào mặt hàng thì lại để "tùy loại hàng" khiến nhiều người mua bối rối vì không biết thực tế mặt hàng.
Ngoài ra là chuyện giá bán cao hơn trước đây. Không chỉ giá thực phẩm bị cho là cao mà giá các loại gia vị, đồ dùng, chất tẩy rửa... cũng bị "phát hiện" cao hơn. Theo nhiều người tiêu dùng, bình thường việc một vài mặt hàng tăng giá sẽ không sao nhưng khi đem vào mua combo, giá tiền đội lên nhiều, trong đó có những món chưa thật cần thiết phải mua lúc này.
Nhiều khách hàng phản ảnh hiện nay giá rau, củ, thịt, trứng đã rẻ hơn so với tháng trước. Tuy nhiên, nhiều nơi bán combo vẫn neo cao, làm khó người dân. Cụ thể, các doanh nghiệp tham gia bình ổn giao trứng cho siêu thị chỉ 28.000 - 32.000 đồng/vỉ 10 trứng tùy loại; giá heo hơi đã giảm còn 50.000 đồng/kg... nhưng nhiều nơi bán theo combo vẫn có nơi bán trứng với giá lên đến 40.000 - 50.000 đồng/10 quả, thịt heo 150.000 - 220.000 đồng/kg.
"Người dân không ra khỏi nhà, chính quyền đi chợ giúp nên vai trò chính quyền trong việc tìm nơi bán có nguồn cung dồi dào, giá cả hợp lý là rất quan trọng. Người dân làm không ra tiền không thể mua giá cao được" - ông Hoàng Văn Vũ, cư dân ở quận 12, nhận định.
Giám đốc marketing của một hãng thực phẩm thừa nhận người tiêu dùng đang cảm giác giá nhiều mặt hàng cao hơn là đúng. Hiện các sản phẩm đang được chào bán trong combo là theo giá trên bao bì. Bình thường, những mặt hàng này luôn được nhà bán hàng dành nhiều chương trình khuyến mãi, bán giảm giá nên người tiêu dùng thường được hưởng khuyến mãi, trong đó phổ biến nhất là bán thấp hơn giá in trên bao bì.
"Từ nhiều tháng nay, các doanh nghiệp trong ngành hàng chúng tôi đã cắt hết chương trình marketing, khuyến mãi vì sản xuất đảo lộn để tuân thủ các yêu cầu về phòng chống dịch. Chi phí sản xuất vì thế đội lên rất nhiều" - vị này cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận