CLB TP.HCM là đội mới nhất công bố giảm 30% lương tháng 4 - Ảnh: N.K.
Đến thời điểm này, TP.HCM và Nam Định là hai CLB ở V-League công bố rõ giảm bao nhiêu phần trăm lương.
Cụ thể, CLB TP.HCM giảm 30% lương trong tháng 4, còn CLB Nam Định thì 25% lương tháng 4. Nhưng với nhiều đội bóng khác, tất cả đều mong chờ cầu thủ ý thức tự giác giảm lương chứ khó có thể ép buộc.
Hành động ngay để tự cứu mình
Với ngân sách eo hẹp, CLB Nam Định buộc phải tính toán và hành động ngay trong chuyện giảm lương nhằm tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Ở buổi tập chiều 31-3, toàn đội đã họp và thống nhất giảm 25% lương tháng 4.
"Dịch kéo dài, không chỉ CLB khó khăn mà các nhà tài trợ cũng thế, nên rất cần mọi người chia sẻ. Rất may là toàn đội ai cũng đồng ý với mức giảm 25%.
Tháng 5 tới, nếu đội vẫn phải nghỉ tiếp tục vì dịch, chúng tôi sẽ bàn tiếp việc giảm 25% lương hoặc giảm thêm nữa", giám đốc điều hành Trần Thái Toán cho biết.
Không chỉ giảm lương, CLB Nam Định cũng tạm thời giải tán, cho các cầu thủ đã có gia đình tập luyện tại nhà để duy trì thể lực. Điều này cũng giúp CLB cắt giảm thêm một khoản đáng kể tiền ăn trong tháng.
Rắc rối ở mức giảm
Ngay đội bóng từng chi rất nhiều tiền trong kỳ chuyển nhượng vừa qua như CLB TP.HCM cũng phải lo tính chuyện giảm lương.
Với những ngôi sao như Công Phượng, Phi Sơn, Hoàng Thịnh, Huy Toàn, thủ môn Bùi Tiến Dũng… ngân quỹ trả lương hằng tháng của CLB TP.HCM lên đến 4 tỉ đồng.
Trong bối cảnh V-League cùng AFC Cup 2020 không thi đấu, việc tiếp tục chi số tiền đó khiến lãnh đạo CLB TP.HCM không khỏi "sốt ruột".
Vì thế, lãnh đạo Công ty cổ phần Bóng đá TP.HCM đã giao chủ tịch CLB Nguyễn Hữu Thắng làm việc với các cầu thủ để có thể giảm lương trong mùa dịch.
Dù được các cầu thủ ủng hộ chuyện giảm lương nhằm chia sẻ với CLB trong lúc khó khăn, nhưng vấn đề của CLB TP.HCM nằm ở chỗ: cắt giảm bao nhiêu phần trăm lương là chuyện không đơn giản khi mỗi cầu thủ nhận một mức lương khác nhau.
Tuy nhiên, sau những cuộc họp qua điện thoại cũng như nhóm chat online, hôm qua 3-4, lãnh đạo công ty đã ra văn bản chính thức về việc giảm lương.
Theo đó, đội sẽ giảm lương 30% trong tháng 4 và tùy tình hình sắp tới sẽ giảm thêm nếu như giải vẫn tiếp tục hoãn.
Chủ tịch CLB TP.HCM Nguyễn Hữu Thắng chia sẻ: "Nếu giải vẫn tiếp tục hoãn trong thời gian tới thì đội cũng thống nhất sẽ giảm 40% lương trong tháng 5, 50% lương trong tháng 6. Đây là điều cần thiết mà các cầu thủ và ban huấn luyện phải chia sẻ với CLB trong lúc khó khăn".
Không dễ thuyết phục cầu thủ
Nhưng không phải đội bóng nào cũng có thể biểu quyết giảm lương 100% như CLB Nam Định hay TP.HCM.
Nói vậy bởi ngoài chuyện chưa quá khó khăn để tính toán chuyện giảm lương khi trước mắt V-League 2020 chỉ hoãn hơn một tháng, chuyện yêu cầu giảm lương cũng là một vấn đề tế nhị.
Chẳng hạn Sông Lam Nghệ An (SLNA), một đội bóng "nghèo" khác ở V-League, cũng ráng gồng mình chứ chưa nghĩ đến chuyện giảm lương.
Lý giải về điều này, chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh chia sẻ: "Chúng tôi cũng muốn giảm lương khi đội bóng không thi đấu. Nhưng việc này không thể vội vàng vì tâm lý cầu thủ sẽ bị ảnh hưởng. Trước mắt, chúng tôi sẽ chờ diễn biến của dịch bệnh rồi mới xem xét".
CLB Thanh Hóa cũng tính đến chuyện giảm lương. Do hiện vẫn ăn ở tập trung tại nơi đóng quân nên chi phí hoạt động của CLB vẫn phải duy trì như khi thi đấu.
Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ cho biết thuyết phục cầu thủ giảm lương là rất khó, vì chuyện này chưa từng có tiền lệ ở bóng đá VN.
Ông Đệ nói: "Chúng tôi đã tính đến chuyện giảm lương. Tự thân cầu thủ cũng có nhạy cảm, hiểu biết và chia sẻ với CLB. Chúng tôi đang làm tư tưởng cho các cầu thủ và mong sự chia sẻ, tự nguyện từ họ".
Trong khi đó, các CLB Hà Nội, Sài Gòn, Hoàng Anh Gia Lai, B.Bình Dương... vẫn chưa tính đến chuyện giảm lương ngay. Tuy nhiên, tất cả đều chia sẻ sẽ tính đến chuyện này nếu giải tiếp tục hoãn thêm 1-2 tháng nữa.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thể thao bóng đá Bình Dương Lê Hồng Cường cho biết: "Chúng tôi chỉ có thể kêu gọi các cầu thủ giảm lương để chia sẻ với CLB, chứ không ép phải giảm bao nhiêu phần trăm. Cầu thủ cảm thấy chia sẻ được thì chia sẻ, nếu họ không chịu, chúng tôi vẫn phải trả lương bình thường.
Việc cầu thủ đồng ý giảm 25% lương tháng 4 là điều đáng mừng cho CLB Nam Định. Tôi nghĩ việc kêu gọi giảm lương của CLB Nam Định dù sao vẫn dễ vì cầu thủ phần lớn là người địa phương nên rất chia sẻ với đội.
Với những đội có nhiều cầu thủ ở khắp nơi như B.Bình Dương hay đội có nhiều ngôi sao, việc kêu gọi giảm lương sẽ không hề dễ dàng".
Bóng đá Đông Nam Á cũng quyết liệt giảm lương
Truyền thông Thái Lan cho biết LĐBĐ Thái Lan (FAT) đã đề nghị HLV trưởng đội tuyển nước ngày Akira Nishino (Nhật Bản) giảm 50% trong mức lương 80.000 USD nhận được hằng tháng nhằm chia sẻ khó khăn tài chính trong mùa dịch COVID-19. Không chỉ HLV Nishino, các nhân viên của FAT cũng phải cắt giảm 50% lương.
LĐBĐ Indonesia (PSSI) mới đây cũng cho biết đang nghiên cứu việc điều chỉnh lương đối với các thành viên ban huấn luyện các đội tuyển quốc gia.
Đặc biệt là HLV trưởng đội tuyển quốc gia Shin Tae Yong (Hàn Quốc), người được cho nhận mức lương 42.000 - 84.000 USD/tháng.
Trước đó, PSSI đã nhận được sự đồng thuận của các CLB tại các giải vô địch quốc gia về việc tạm thời cắt giảm đến 75% lương các cầu thủ, HLV trong vòng 3 tháng và bắt đầu từ tháng 3 vừa qua.
VFF chỉ chờ HLV Park Hang Seo tự nguyện giảm lương
HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Park Hang Seo tái ký hợp đồng với LĐBĐVN vào tháng 11-2019, với mức lương được cho là 50.000 USD/tháng.
Do V-League 2020 và cả vòng loại World Cup 2022 phải tạm hoãn nên ông Park xem như cũng "thất nghiệp".
Vì thế, dư luận cũng cho rằng VFF và ông Park nên ngồi lại với nhau bàn chuyện giảm lương như là sự chia sẻ với bóng đá VN. Tuy nhiên, VFF cho biết trước mắt chưa tính tới chuyện giảm lương của ông Park.
"Việc giảm lương chỉ được bàn đến nếu như các giải đấu bị hoãn kéo dài. Khi đó, chúng tôi mong chờ sự tự nguyện từ ông Park hơn là đề nghị", một lãnh đạo VFF cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận