30/07/2020 09:31 GMT+7

Các cách khai báo y tế ngừa COVID-19

THANH HÀ ghi
THANH HÀ ghi

TTO - Làm sao khai báo y tế? Hiểu thế nào về những thông tin phản hồi trên app sau khi khai báo y tế? Nhiều câu hỏi của người dân đã được các cơ quan chức năng liên quan trả lời.

Các cách khai báo y tế ngừa COVID-19 - Ảnh 1.

Nhân viên y tế lấy dịch người từ Đà Nẵng trở về từ ngày 1-7 để xét nghiệm vào chiều 29-7 tại trạm y tế P.17, Q.Bình Thạnh - Ảnh: X.M.

* Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, tất cả những người rời Đà Nẵng từ ngày 1-7-2020 vào TP.HCM đều phải thực hiện khai báo y tế. Gia đình tôi muốn được hướng dẫn khai báo y tế.?

Trần Kim Quy, Bình Chánh, TP.HCM

- Người dân có thể cài đặt và sử dụng ứng dụng khai báo sức khỏe toàn dân NCOVI hoặc khai báo y tế trên trang http://tokhaiyte.vn. Ngoài ra, có thể đến trực tiếp trạm y tế phường, xã để khai báo.

*Cách thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI? Cách tải app ra sao?

Ngô Đăng KhoaBình Thạnh, TP.HCM

- Để khai báo y tế và cập nhật thông tin về dịch bệnh COVID-19, người dân cần tải ứng dụng NCOVI - ứng dụng khai báo y tế toàn dân - về điện thoại di động của mình. 

Sau đó, cung cấp các thông tin cá nhân và tình hình sức khỏe của bản thân trong mục "Khai báo y tế tự nguyện" ở màn hình chính. Đồng thời cần thường xuyên cập nhật tình hình dữ liệu ở màn hình "Theo dõi sức khỏe".

Để tải ứng dụng NCOVI, người dùng có thể truy cập kho ứng dụng App Store (dành cho hệ điều hành iOS) hoặc Google Play (dành cho hệ điều hành Android) hoặc quét mã QR.

Sau đó, người dùng mở ứng dụng và điền thông tin cá nhân (họ tên, địa chỉ, số điện thoại...) để đăng nhập. Tiếp đó, ứng dụng sẽ gửi trả một mã OTP vào số điện thoại đã nhập, người dùng cần nhập mã OTP để xác nhận bắt đầu sử dụng ứng dụng.

* Các thông tin gia đình chúng tôi khai báo trên ứng dụng NCOVI có được bảo mật?

Thùy Trang, Hà Nội

- Ứng dụng NCOVI do Bộ Y tế và Bộ Thông tin - truyền thông xây dựng và quản lý. Ứng dụng này được tạo ra để người dân có thể chủ động khai báo sức khỏe, cung cấp thông tin liên quan đến dịch bệnh COVID-19 với cơ quan y tế. 

Từ đó, các cơ quan chức năng có thể xác định nguy cơ lây nhiễm, khoanh vùng và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn. 

Cơ quan quản lý nhà nước khẳng định những thông tin trên ứng dụng sẽ được bảo mật và quản lý chặt chẽ bởi cơ quan chức năng, chỉ được sử dụng vào mục đích hỗ trợ cộng đồng phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Bộ Y tế và Bộ Thông tin - truyền thông hiện đang tiếp tục khuyến nghị toàn dân sử dụng ứng dụng NCOVI để cung cấp thông tin hỗ trợ ngành y tế nhằm tìm ra các trường hợp cần chú ý để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 một cách chủ động.

* Có thể tra cứu thông tin dịch bệnh từ ứng dụng?

Lê Thu, Đà Nẵng

- Sau khi đăng nhập, người dùng có thể sử dụng ứng dụng để tra cứu thông tin về dịch bệnh COVID-19. Đây là những thông tin chính thống, đáng tin cậy được cung cấp bởi các cơ quan nhà nước.

Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh hoặc có những dấu hiệu liên quan đến bệnh (trở về từ vùng dịch, tiếp xúc với người bị bệnh...), người dùng có thể trực tiếp phản ảnh với cơ quan chức năng thông qua ứng dụng hoặc gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095. Tất cả thuê bao sẽ được miễn cước khi gọi đến đường dây trên.

* Như thế nào là khai báo y tế thành công?

- Cách khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI:

Bước 1:

Sau khi truy cập vào ứng dụng NCOVI, người dùng cần nhập thông tin cá nhân (họ tên, địa chỉ, số điện thoại...) để tiến hành xác thực danh tính.

Bước 2:

Ứng dụng sẽ gửi trả về một mã OTP theo số điện thoại đã nhập, người dùng cần lấy đoạn mã OTP để nhập vào ứng dụng nhằm xác thực.

Bước 3:

Người dùng sẽ trả lời các thông tin để nhận biết liệu có nguy cơ nhiễm Covid-19 hay không. Các thông tin này bao gồm việc có tiếp xúc với người mang mầm bệnh, có đi từ vùng dịch hay tiếp xúc với người đi từ vùng dịch hay không?

Bước 4:

Sau khi vào trang chủ của ứng dụng, người dùng cần lựa chọn vào ô "Khai báo y tế tự nguyện" để bắt đầu việc khai báo.

Bước 5:

Ở bước tiếp theo, người dùng cần nhập lại các thông tin cá nhân (họ tên, địa chỉ, số điện thoại...), cùng với đó là thông tin khai báo về tình trạng y tế (các triệu chứng bệnh, các bệnh nền nếu có...). Cuối cùng, người dùng nhấn vào ô "Khai báo y tế" để hoàn tất việc khai báo.

Sau khi khai xong các nội dung hiện ra trong mục này, người dùng nhấn vào ô "Tôi cam kết các thông tin khai báo là đúng sự thật" trước khi bấm gửi thông tin khai báo.

Người dùng sẽ nhận được thông báo đã khai báo thành công và chỉ cần bấm vào chữ "Đồng ý" để gửi thông tin đi.

Nếu không nhận được thông báo, người dùng sẽ phải kiểm tra lại.

* Nếu không sử dụng điện thoại thông minh để tải ứng dụng hoặc không tự khai báo được thì phải làm như thế nào?

Minh Châu, Q.3, TP.HCM

- Những trường hợp này có thể nhờ người khác khai báo hộ. Bên cạnh việc tự khai báo, người dùng cũng có thể tiến hành khai báo hộ cho người thân của mình, ví dụ như người già, trẻ em, người không có smart phone...

Việc khai hộ cũng được thực hiện theo các bước tương tự như khai báo y tế cho bản thân, cần điền đủ các thông tin cá nhân cũng như thông tin dịch tễ của người được khai hộ. Các thông tin cảnh báo, khuyến cáo... đối với trường hợp được khai báo hộ sẽ được gửi về điện thoại của người đứng ra khai hộ.

Đồng thời tính năng khai báo tiếp xúc cũng giúp người sử dụng có thể phản ảnh trường hợp xung quanh mà mình biết có đi từ nước ngoài về hoặc tiếp xúc với trường hợp đi từ nước ngoài về.

Các cách khai báo y tế ngừa COVID-19 - Ảnh 2.

Nhân viên y tế lưu mẫu hồ sơ để gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - Ảnh: X.MAI

Thực hiện xét nghiệm người từ Đà Nẵng về Hà Nội như thế nào?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Khổng Minh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cho biết Hà Nội đã thống kê được trên 21.000 người đã đến từ/đi Đà Nẵng về tính từ ngày 8-7.

Hiện Hà Nội vẫn đang rà soát tiếp và dự kiến cuối ngày 29-7 sẽ xây dựng phương án xét nghiệm.

Trong thời gian đợi phương án, những người từ Đà Nẵng về cần chú ý tự cách ly tại nhà, khai báo y tế qua các ứng dụng hoặc báo cho cơ sở y tế xã phường.

Khi có phương án xét nghiệm, phường sẽ thông báo tới từng người về xét nghiệm tại đâu, thời gian xét nghiệm... "Chúng tôi sẽ sử dụng loại test nhanh" - ông Tuấn cho biết.

L.ANH ghi

TP.HCM: nhiều nơi hẹn lại việc xét nghiệm

* Nhiều người dân TP.HCM rời khỏi Đà Nẵng từ ngày 1-7 chủ động đến trạm y tế (TYT) phường khai báo y tế, xét nghiệm COVID-19, tuy nhiên được hẹn xét nghiệm ngày khác vì mẫu xét nghiệm chưa đủ, vì sao?

- Có mặt tại TYT phường 17, Q.Bình Thạnh chiều 29-7, phóng viên ghi nhận rất đông người dân đến khai báo y tế và cần xét nghiệm COVID-19. Một số người đến sau, chỉ khai báo y tế, sau đó được nhân viên y tế phát phiếu hẹn xét nghiệm COVID-19 theo số thứ tự.

Trước phòng xét nghiệm, người dân ngồi chật kín lối đi chờ tới lượt xét nghiệm, trong phòng các nhân viên y tế tất bật lấy mẫu phết họng, mũi, lấy máu, lưu hồ sơ...

Không chỉ các TYT tại Q.Bình Thạnh, nhiều TYT khác tại Q.12, Q.Thủ Đức... cũng rơi vào tình trạng trên: số người dân TP.HCM về từ Đà Nẵng từ ngày 1-7 quá đông, trong khi bộ test kit xét nghiệm COVID-19 do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cung cấp chỉ có giới hạn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Thiện Tâm - giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) Q.Bình Thạnh, TP.HCM - cho biết từ ngày 27-7, đơn vị bắt đầu tiếp nhận khai báo y tế đối với người đến từ Đà Nẵng từ ngày 1-7 tại 20 TYT phường và xét nghiệm COVID-19 tại 2 TYT phường 11 (cơ sở 1) và phường 24 (cơ sở 2).

Khi nhận thấy người dân đến khai báo y tế và xét nghiệm càng tăng, ngày 28-7 đơn vị triển khai thêm 3 điểm xét nghiệm: TYT phường 17, 22, 25.

Ông Tâm cho hay mẫu xét nghiệm COVID-19 trên là do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP cung cấp và số lượng này không cố định theo ngày.

Tuy nhiên, do lượng người dân cần xét nghiệm COVID-19 tại 5 điểm TYT nêu trên khá đông nên ai đến trước sẽ được xét nghiệm trước, còn đến sau hẹn ngày khác (có giấy hẹn cụ thể ngày, giờ).

BS Lê Hồng Nga - trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP - cho biết trung tâm đã ghi nhận tình trạng này từ các TTYT quận báo cáo. Hiện trung tâm họp nội bộ, thảo luận để đưa ra phương án xử lý và sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các TTYT quận.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, để tránh tập trung đông người tại TYT phường nhằm thực hiện xét nghiệm COVID-19, người dân cần liên hệ điện thoại hẹn trước.

XUÂN MAI

Ai ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi vào Đồng Nai phải khai báo y tế Ai ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi vào Đồng Nai phải khai báo y tế

TTO - Sau khi Bộ Y tế xác nhận có 4 ca dương tính với COVID-19, tối 26-7 UBND tỉnh Đồng Nai đã phát thông báo đề nghị ai ở 2 địa bàn trên đến hoặc trở về Đồng Nai phải khai báo y tế.

THANH HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp