21/05/2014 07:15 GMT+7

Các bị cáo vụ án Bầu Kiên đồng loạt phản bác cáo trạng

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Sáng 20-5, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và tám đồng phạm bị truy tố về tội trốn thuế, kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

sdCT0lKx.jpgPhóng to
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa - Ảnh: TTXVN

Ngày 16-4, phiên xét xử phải hoãn một lần vì bị cáo Trần Xuân Giá (nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Á Châu - ACB) không thể đến tòa vì lý do sức khỏe. Phiên tòa sáng 20-5 vẫn vắng mặt bị cáo Trần Xuân Giá.

Theo HĐXX, ông Giá liên tục có đơn gửi TAND cho biết sức khỏe rất yếu không thể tham gia phiên tòa. Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (nơi ông Giá điều trị) cũng có công văn gửi TAND TP Hà Nội khẳng định ông Giá bị bệnh ung thư đại tràng vừa phẫu thuật xong.

Ông Giá đề nghị tòa tạm đình chỉ vụ án đối với ông để xét xử sau. Sau 10 phút nghỉ hội ý, hội đồng xét xử quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá. Vụ án sẽ tiếp tục được giải quyết khi lý do tạm đình chỉ không còn.

Dựa trên quyết định tạm đình chỉ này, đại diện Viện KSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa tuyên bố rút phần truy tố đối với bị can Trần Xuân Giá để truy tố sau.

ACB khẳng định không có thiệt hại

Cáo trạng xác định hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của các bị cáo đã gây thất thoát cho ACB hơn 1.405 tỉ đồng. Tuy nhiên, có mặt tại tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ACB khẳng định đến giờ phút này, ACB không có thiệt hại trong vụ án, ACB không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. ACB không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án này.

“Tôi khẳng định mình không vi phạm pháp luật”

Ông Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB) nổi bật tại tòa với áo sơmi trắng, quần tây đen, trong khi các bị cáo khác mặc đồng phục của trại giam.

Ông Kiên khai trước tòa với thái độ bình tĩnh, trình bày rõ ràng rất nhiều đề nghị với HĐXX.

Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa triệu tập 82 người có quyền và nghĩa vụ liên quan cùng đại diện một số cơ quan nhà nước tham gia tố tụng.

Tuy nhiên tại phiên tòa sáng 20-5, “bầu” Kiên còn đề nghị mời tới tòa đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, đại diện Ủy ban Chứng khoán nhà nước, đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp VN...

Theo ông Kiên, phải triệu tập các cơ quan này đến để làm rõ hành vi phạm tội của ông. “Vụ án không chỉ liên quan đến một mình tôi mà còn liên quan đến hàng trăm doanh nghiệp, hàng trăm doanh nhân khác” - ông Kiên nhấn mạnh.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên khẳng định sẽ nhận toàn bộ trách nhiệm về việc đã làm, nhưng ông cũng đề nghị cho biết rõ từng hành vi phạm tội của ông căn cứ trên các văn bản pháp luật nào.

Theo ông Kiên, hồ sơ vụ án thiếu nhiều nhân chứng, thiếu nhiều văn bản quan trọng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình xét xử.

“Tôi rất tin tưởng vào chính sách của Nhà nước nên tham gia kinh doanh gần 30 năm nay. Tôi khẳng định mình không vi phạm pháp luật, đề nghị HĐXX cho tôi được trình bày đầy đủ tại tòa, đồng thời cho tôi được nhận các văn bản pháp luật từ luật sư để tôi trình bày, hết phiên tòa tôi sẽ trả lại. Trong thời gian bị tạm giam, tôi không được nhận văn bản pháp luật nào” - ông Kiên nói.

Với đề nghị của “bầu” Kiên và một số luật sư về việc yêu cầu triệu tập thêm nhân chứng và người liên quan, HĐXX cho biết trong quá trình xét xử nếu thấy cần thiết tòa sẽ triệu tập thêm.

HĐXX cũng cho phép ông Kiên được nhận các văn bản pháp luật từ phía luật sư để trình bày tại tòa. Về kiến nghị của ông Kiên liên quan đến việc bị cùm chân và phải mặc đồng phục trại giam, HĐXX cho biết việc này thuộc thẩm quyền của trại giam.

“Vì quá tin tưởng anh Kiên...”

Khi được tòa hỏi về nội dung bản cáo trạng, cũng như bị cáo Nguyễn Đức Kiên, tất cả bị cáo còn lại đồng loạt phản bác cáo trạng, cho rằng cáo trạng truy tố không đúng người đúng tội, chưa thỏa đáng.

Tòa tiến hành thẩm vấn các bị cáo theo từng nhóm tội. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ba bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Trần Ngọc Thanh (nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội - ACBI) và Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán trưởng ACBI) được tòa thẩm vấn đầu tiên.

Tòa yêu cầu cách ly bị cáo Nguyễn Đức Kiên khỏi phòng xử trong quá trình xét hỏi hai bị cáo còn lại.

Cáo trạng xác định mặc dù thế chấp hơn 20 triệu cổ phần cho ACB để đảm bảo việc phát hành trái phiếu trị giá 800 tỉ đồng tại ngân hàng này, nhưng ba bị cáo là lãnh đạo ACBI vẫn ký hợp đồng chuyển nhượng số cổ phần này cho Công ty cổ phần thép Hòa Phát để chiếm đoạt 264 tỉ đồng của công ty này.

Trả lời tòa, bị cáo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến cho biết ACBI do Nguyễn Đức Kiên làm chủ tịch HĐQT, các bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo của ông Kiên.

Dù không tổ chức họp HĐQT nhưng các bị cáo vẫn lập biên bản họp khống để hợp thức hóa chủ trương chuyển nhượng cổ phần cho Công ty thép Hòa Phát.

Bị cáo Thanh cho biết mình là giám đốc ACBI nhưng ông Kiên giữ vai trò lớn nhất trong công ty. Bị cáo là người trực tiếp ký hợp đồng chuyển nhượng số cổ phần thế chấp nhưng việc này là do tin tưởng ông Kiên, thấy ông Kiên có uy tín tại ACBI và tại ACB.

Tòa hỏi: “Bị cáo là giám đốc, đọc kỹ từng điều khoản của hợp đồng rồi mới ký, vậy tại sao giờ lại không nhận trách nhiệm?”.

Trả lời câu hỏi này, bị cáo Trần Ngọc Thanh cho biết: “Chính vì vậy ngày hôm nay tôi mới phải đứng trước vành móng ngựa. Tôi tưởng các thủ tục đã xong nên mới ký. Tôi quá tin tưởng kế toán và anh Kiên. Đây chính là sai lầm của tôi...”.

8g sáng nay (21-5), tòa tiếp tục với phần xét hỏi.

__________

Tin bài liên quan:

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp