10/11/2017 15:13 GMT+7

Các bệnh võng mạc thường gặp

Nguồn: Sở Y tế Hà Nội
Nguồn: Sở Y tế Hà Nội

Võng mạc là một bộ phận bên trong của mắt, là nơi tiếp nhận các tín hiệu ánh sáng. Có nhiều bệnh lý khác nhau gây ra tổn hại cho võng mạc. Nó có thể ảnh hưởng đến một phần hoặc làm mất hoàn toàn tầm nhìn của người bệnh.

Các bệnh võng mạc thường gặp - Ảnh 1.

Võng mạc chứa đựng nhiều hệ thống mạch máu. Những bất thường trong hệ thống mạch máu này là nguyên nhân chính của bệnh võng mạc.

Phân loại chính của bệnh võng mạc

- Bệnh võng mạc trẻ đẻ non

Xảy ra ở những trẻ sinh non hoặc cân nặng khi sinh thấp. Khi trẻ sinh ra quá sớm, hệ thống mạch máu võng mạc chưa kịp phát triển đầy đủ. Trong giai đoạn sớm của bệnh võng mạc trẻ đẻ non, chỉ có những thay đổi nhẹ và triệu chứng không rõ ràng. Ở giai đoạn tiến triển, màng võng mạc có thể bong ra khỏi thành nhãn cầu và gây ra mù lòa.

- Bệnh võng mạc đái tháo đường

Bệnh võng mạc đái tháo đường thường phát triển trên những bệnh nhân đái tháo đường typ 1 hoặc typ 2 và tiến triển qua nhiều năm. Có hai loại bệnh võng mạc đái tháo đường tiềm ẩn nguy cơ gây mất thị lực, đó là bệnh võng mạc đái tháo đường không tăng sinh và bệnh võng mạc đái tháo đường giai đoạn tăng sinh.

 + Bệnh võng mạc đái tháo đường không tăng sinh, mạch máu võng mạc bị tổn hại. Những mạch máu bị tổn hại có thể trở nên tắc nghẽn hoặc biến dạng. Dịch, chất béo và protein rò rỉ ra ngoài khỏi các mạch máu bất thường. Dịch lỏng có thể khu trú trong võng mạc gây ra hiện tượng phù nề dẫn đến suy giảm thị giác sắc nét của người bệnh.

+ Bệnh võng mạc đái tháo đường giai đoạn tăng sinh do sự phát triển của các mạch máu cấu trúc bất thường trên bề mặt của võng mạc. Những mạch máu này có thể gây ra chảy máu. Bệnh võng mạc tăng sinh có thể gây ra bong võng mạc, là tình trạng tách ra của các lớp võng mạc. Đó là một trong những hậu quả nặng nề nhất của bệnh lý võng mạc tăng sinh.

- Bệnh võng mạc tăng huyết áp

Bệnh võng mạc tăng huyết áp xảy ra ở những người có huyết áp cao. Huyết áp cao gây ra những bất thường của hệ mạch máu võng mạc. Những bất thường này có thể bao gồm sự dày lên của các tiểu động mạch, sự tắc nghẽn của dòng máu võng mạc và chảy máu từ chúng. Huyết áp tăng cao trầm trọng có thể gây phù dây thần kinh thị giác. Triệu chứng thường không được biểu hiện ở giai đoạn sớm. Nó có thể được phát hiện trong quá trình thăm khám mắt định kỳ.

- Bệnh võng mạc trung tâm thanh dịch

Căn nguyên chưa được hiểu biết đầy đủ. Trong bệnh lý này, dịch lỏng thường tích tụ dưới võng mạc. Dịch rỉ này cũng có thể thấm vào giữa các lớp của võng mạc gây ra sự tách lớp. Kết quả là bệnh nhân giảm thị lực hoặc thị giác ban đêm kém.

Triệu chứng, chẩn đoán

- Bệnh võng mạc trẻ đẻ non

Không có dấu hiệu lâm sàng biểu hiện bên ngoài. Bác sĩ kiểm tra bên trong mắt của trẻ phát hiện những bất thường.

- Bệnh võng mạc đái tháo đường

Triệu chứng có thể không được chú ý cho đến khi ở giai đoạn muộn của bệnh. Biểu hiện bệnh bao gồm: nhìn mờ; mất thị lực đột ngột một hoặc hai mắt; chấm đen (ruồi bay); chớp sáng; khó đọc sách hoặc quan sát công việc chi tiết. Để chẩn đoán, bác sĩ thăm khám võng mạc và bên trong mắt. Sử dụng đèn soi đáy mắt hoặc soi trên máy sinh hiển vi khám bệnh với thấu kính.

- Bệnh võng mạc tăng huyết áp

Thường không có triệu chứng. Bác sĩ thăm khám mắt với đèn soi đáy mắt phát hiện các mảng xám hoặc khu vực màu trắng của võng mạc. Những khu vực này trở nên nhợt nhạt vì chúng không được cung cấp đủ máu. Bác sĩ cũng có thể nhìn thấy xuất huyết từ hệ thống mạch máu bị vỡ hoặc phù nề của võng mạc hay thị thần kinh.

- Bệnh võng mạc trung tâm thanh dịch

Triệu chứng bệnh bao gồm: nhìn mờ, đôi lúc xảy đến đột ngột; ám điểm; hình ảnh xoắn vặn; giảm độ sắc nét hình ảnh. Để chẩn đoán, bác sĩ sử dụng đèn soi đáy mắt phát hiện dịch giữa các lớp võng mạc. Dòng dịch này có thể giống như quả bóng.

Ngăn ngừa

- Bệnh võng mạc trẻ đẻ non

Bà mẹ mang thai cần thực hiện thăm khám trước sinh thường xuyên. Trẻ đẻ non và cân nặng sơ sinh thấp nên được sàng lọc bệnh võng mạc trẻ đẻ non nếu tuổi thai lúc sinh ít hơn 36 tuần và cân nặng lúc sinh ít hơn 2000g.

Bệnh võng mạc trẻ đẻ non có thể gây ra hoặc xấu đi do sự mất cân đối hoặc quá thừa oxy sau sinh. Bởi vậy nồng độ oxy được theo dõi và điều chỉnh chặt chẽ.

- Bệnh võng mạc đái tháo đường

Kiểm soát đường máu là cần thiết để ngăn ngừa bệnh võng mạc đái tháo đường. Thăm khám mắt hàng năm cực kỳ quan trọng đối với người bệnh đái tháo đường. Nếu bạn mắc bệnh võng mạc đái tháo đường, bạn nên đi khám mắt thường xuyên hơn. Điều trị có thể bắt đầu trước khi thị lực bị ảnh hưởng, điều này giúp bảo vệ thị giác ngăn ngừa mù lòa.

- Bệnh võng mạc tăng huyết áp

Tránh tăng huyết áp bằng cách tập thể dục đều đặn; duy trì cân nặng tốt; chế độ ăn uống lành mạnh; khám sức khỏe thường xuyên; dùng thuốc huyết áp theo chỉ dẫn.

- Bệnh võng mạc trung tâm thanh dịch

Khó ngăn ngừa do căn nguyên chưa được hiểu biết đầy đủ. Bệnh võng mạc trung tâm thanh dịch cũng liên quan đến chế độ điều trị corticoid kéo dài. Vì vậy có thể hạn chế tối đa sử dụng corticoid để ngăn ngừa.

Điều trị

- Bệnh võng mạc trẻ đẻ non

Giai đoạn sớm không điều trị, tuy nhiên cần theo dõi chặt chẽ. Những trẻ nguy cơ cao trước khi xuất viện cần được bác sĩ thăm khám và nên được khám lại ở thời điểm 2 tháng.

Nếu bệnh hoạt động, trẻ nên được khám 1 đến 2 tuần một lần cho đến khi đủ 14 tuần tuổi. Sau đó nên được thăm khám 1 đến 2 tháng 1 lần.

Trường hợp bệnh tiến triển nặng có thể cần điều trị. Một thủ thuật được gọi là lạnh đông sử dụng để phá hủy các mạch máu bất thường. Điều trị laser có thể được sử dụng. Phẫu thuật bong võng mạc khi võng mạc bị bong ra. Ngoài ra tiêm nội nhãn các chất chống tăng sinh mạch máu giúp thoái triển các mạch máu bất thường.

- Bệnh võng mạc đái tháo đường

Bệnh lý tăng sinh và phù nề hoặc rò rỉ võng mạc đái tháo đường có thể được điều trị với liệu pháp laser. Phẫu thuật loại bỏ xuất huyết nếu có xuất huyết ngăn cản thị lực của bệnh nhân. Bong võng mạc đòi hỏi phẫu thuật áp bong. Tất cả dịch kính được loại bỏ. Tiêm nội nhãn các thuốc chống tăng sinh tân mạch và giảm phù võng mạc. Đường máu và huyết áp phải được kiểm soát để giữ cho bệnh không tiến triển xấu đi.

- Bệnh võng mạc tăng huyết áp

Các thuốc có thể làm giảm huyết áp. Điều này có thể làm cải thiện tình trạng của võng mạc. Những người có huyết áp rất cao và phù dây thị giác cần điều trị cấp cứu tại bệnh viện.

- Bệnh võng mạc trung tâm thanh dịch

Bệnh có thể tự khỏi. Cần theo dõi chặt trong 3 đến 6 tháng. Nếu không cải thiện, cần laser võng mạc để có thể cải thiện nhanh hơn.

Khi nào cần đến khám bác sĩ:

Nếu có những thay đổi trong thị giác, đặc biệt nếu xảy ra đột ngột, bao gồm: nhìn mờ, chấm đen, chớp sáng, ám điểm, méo hình, khó đọc sách hoặc làm những việc chi tiết.

Tiên lượng

Phụ thuộc nguyên nhân gây bệnh võng mạc và thời gian tiến triển.

- Bệnh võng mạc trẻ đẻ non

Bệnh tự lui ở hầu hết trẻ mắc bệnh. Mạch máu bất thường biến mất. Tuy nhiên những trường hợp nặng có thể dẫn tới một số vấn đề về mắt, có thể gây mù hoàn toàn. Trẻ bị bệnh võng mạc, trẻ đẻ non có nguy cơ mắc các bệnh lý khác với tỷ lệ cao hơn như: bong võng mạc, đục thể thủy tinh, glaucoma, lác mắt, nhược thị, cận thị.

- Bệnh võng mạc đái tháo đường

Phụ thuộc vào các yếu tố như: kiểm soát đường máu và huyết áp, thời gian mắc bệnh, theo dõi có chặt chẽ hay không. Có thể điều trị và làm chậm tiến triển của bệnh. Giai đoạn muộn có thể dẫn đến mù hoàn toàn.

- Bệnh võng mạc tăng huyết áp

Hầu hết những thay đổi võng mạc gây ra bởi tăng huyết áp biến mất sau khi huyết áp được kiểm soát tốt. Một vài dấu hiệu của tổn thương có thể vẫn còn.

- Bệnh võng mạc trung tâm thanh dịch

Hầu hết tự khỏi trong vòng 3 đến 4 tháng. Thị lực trở về bình thường trong 6 tháng. Triệu chứng cuối có thể bao gồm: nhìn méo hình, giảm độ tương phản, giảm thị lực ban đêm hoặc dễ tái phát.  

Nguồn: Sở Y tế Hà Nội
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp