Viêm loét miệng. Nguồn: pinsdaddy.com
Sức khoẻ răng miệng không chỉ giới hạn ở răng. Bệnh đau và sưng tấy có thể phát triển trong và xung quanh miệng. May mắn là các bệnh này sẽ thường tự khỏi sau một đến hai tuần.
Thực tế có nhiều loại mụn trong miệng có thể gây phiền toái. Chúng ta sẽ cùng xem xét bốn loại thường gặp nhất: Viêm loét miệng, mụn rộp, bạch sản niêm mạc, nhiễm nấm candida.
Viêm loét miệng
Viêm loét miệng phát triển bên trong khoang miệng với những vết mụn màu trắng, xám có viền đỏ xung quanh. Bệnh không lây lan. Có thể xuất hiện một hoặc nhiều nốt viêm. Trong nhiều trường hợp, không biết rõ nguyên nhân gây bệnh nhưng hầu hết vết viêm loét miệng đều xuất phát từ tổn thương ở mô mềm trong khoang miệng. Bệnh viêm loét miệng đều tự khỏi trong 1 đến 2 tuần. Chúng gây đau, có thể giảm đau bằng các loại thuốc gây tê tại chỗ có bán ngoài hiệu thuốc và các nước xúc miệng chống khuẩn. Các loại thức ăn cay, mặn, chứa a-xít như chanh, nước hoa quả có thể làm vết viêm trầm trọng hơn.
Mụn rộp
Mụn rộp (còn được gọi là mụn nước) xuất hiện thành từng đám màu đỏ, phồng rộp bên ngoài miệng, thường xung quanh môi, đôi khi dưới mũi hoặc quanh má. Các nốt phồng rộp chứa dịch lỏng và có thể bị vỡ làm chảy dịch ra ngoài. Chúng đóng vẩy cho tới khi khỏi. Bệnh mụn rộp gây ra bởi virus herpes và dễ lây. Việc lây nhiễm virus herpes có thể đi kèm với các triệu chứng như của bệnh cảm cúm và gây đau họng. Không có đặc trị cho virus herpes, một khi đã nhiễm thì virus sẽ nằm trong cơ thể và thỉnh thoảng phát bệnh gây mụn rộp. Các vết mụn rộp sẽ tự khỏi sau khoảng một tuần. Các thuốc gây tê tại chỗ có bán ở hiệu thuốc giúp giảm đau. Nha sĩ có thể kê thêm thuốc chống virus để giảm thời gian viêm loét của các nốt mụn rộp.
Bạch sản niêm mạc
Bạch sản niêm mạc là hiện tượng phát triển quá mức của tế bào, gây ra các mảng sần sùi chứa các mô ngả màu hơi trắng. Chúng có thể phát triển ở bất kỳ đâu trong khoang miệng. Các mảng mụn này không gây đau và không lây lan. Chúng có thể được tạo ra từ sự kích ứng với hàm răng giả chưa phù hợp hoặc thói quen nhai trên phần má trong (tóp má). Bệnh cũng xảy ra với người hút thuốc lá. Việc chữa trị bắt đầu bằng việc xác định nguồn gốc gây kích ứng. Khi vật gây kích ứng đã được loại bỏ, ví dụ bỏ thuốc lá, thì các mảng mụn sẽ tự động biến mất. Đôi khi, bệnh bạch sản niêm mạc xuất hiện cùng với bệnh ung thư miệng. Vì vậy bạn cần đi khám nha sĩ khi nhận thấy các mảng mụn này phát triển. Nha sĩ có thể chỉ định xét nghiệm sinh thiết nếu xuất hiện các nốt mụn đáng nghi.
Nhiễm nấm candida
Nhiễm nấm candida, hay còn gọi là nhiễm khuẩn miệng, là một dạng nhiễm khuẩn dạng men phát triển trên mô mềm và ẩm bên trong khoang miệng. Chúng xuất hiện với các mảng trơn, màu trắng trên nền đỏ, có thể gây đau và chảy máu. Bệnh nhiễm nấm candida bị gây ra bởi nấm và phát triển đặc biệt nhanh khi hệ thống miễn dịch suy giảm. Những người có thể trạng yếu, người già, trẻ em và những người có bệnh toàn thân như tiểu đường có rủi ro nhiễm bệnh nấm candida cao. Một số loại thuốc như steroids hay trị liệu ung thư có thể làm tăng nguy cơ nhiễm nấm. Các loại kháng sinh cũng làm tăng nguy cơ nấm phát triển vì chúng làm biến đổi sự cân bằng vi khuẩn trong miệng.
Việc chữa trị bao gồm kiểm soát điều kiện gây sự bùng phát nấm. Vì bệnh nhiễm nấm candida phổ biến ở những người đeo hàm giả nên việc quan trọng là phải vệ sinh hàm giả cẩn thận mỗi ngày. Tháo hàm giả vào ban đêm cũng giúp các mô nâng đỡ hàm giả phục hồi.
Hãy thăm khám nha sĩ khi bạn phát hiện triệu chứng nhiễm nấm candida. Nha sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách để điều trị, bao gồm cả việc dùng thuốc kháng nấm.
Hãy trình bày với nha sĩ khi bạn thấy đau hay khó chịu trong và xung quanh miệng liên tục hơn 2 tuần. Nha sĩ sẽ khám kỹ các vết tổn thương và kê đơn thuốc chữa trị hoặc giảm đau khó chịu do bệnh răng miệng gây ra./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận